Cuộc đua chiến đấu cơ thế hệ thứ 6
- 14:52 08-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khái niệm chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 theo nhà sản xuất Northrop Grumman
Báo Gazeta.ru đã dẫn lại các cuộc thảo luận trong giới chuyên gia quân sự về mẫu hình máy bay có thể xuất hiện trong tương lai gần, và những đặc điểm có thể về các dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Nga - Mỹ.
Mỹ - kiểm soát bầu trời tương lai
Do phải mất nhiều thập niên trước khi triển khai khái niệm chiến đấu cơ thành nguyên mẫu có thể đưa vào sử dụng trong các đơn vị không quân, ngay từ lúc này Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA) của Lầu Năm Góc đã bắt tay vào các dự án máy bay thế hệ kế tiếp.
Theo trang Defense News, Mỹ đang nghiên cứu những chiến thuật tiềm năng có thể vận dụng trong không chiến và công nghệ cần thiết để thống trị bầu trời trong tương lai. Những ý kiến về mặt khái niệm được tổng hợp lại thành một danh sách yêu cầu gọi là “Kiểm soát bầu trời thế hệ mới” (viết tắt là NGAD). Đôi khi tài liệu này còn được gọi là “Phòng thủ xuyên suốt trên không”.
“Chúng ta cần phải cho ra đời một dòng chiến đấu cơ vào cuối thập niên 2020”, theo trang tin Defense News dẫn lời chuẩn tướng Alexus Grynkewich, người tham gia vào chương trình Ưu thế trên không 2030. “Tôi cho rằng thời gian dự kiến có thể giới thiệu là vào khoảng năm 2028, với những khoản đầu tư quan trọng vào một số lĩnh vực công nghệ, chúng ta có thể đạt được một số năng lực ban đầu cho cái gọi là Phòng thủ xuyên suốt trên không”, theo giải thích của chuẩn tướng Mỹ.
Các nhà phân tích Mỹ cho rằng ưu thế thống trị trong tương lai của không quân Mỹ sẽ không chỉ dựa vào một nền tảng duy nhất, như chiến đấu cơ thế hệ thứ 6. Khả năng cao nhất sẽ là một nhóm các mạng lưới hệ thống tương tác với nhau. Công tác nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này đang được triển khai tại căn cứ không quân Wright-Patterson ở Ohio, nơi các công nghệ mới được nghiên cứu một cách hết sức nghiêm túc và những yêu cầu chính xác về NGAD đang được triển khai. Chìa khóa cho sự thành công sẽ là các dự án cùng đồng thời triển khai để phát triển các động cơ mới, cũng như mảng khoa học điện tử áp dụng vào hàng không và những dòng vũ khí mới. Tất cả đều sẽ được tích hợp vào chiến đấu cơ thế hệ thứ 6.
“NGAD, giống như các chiến đấu cơ đời trước, sẽ được trang bị năng lực xâm nhập hệ thống phòng không của địch và tiến vào không gian chiến đấu, nhưng đồng thời nó phải hoạt động được ở khoảng cách xa hơn gấp nhiều lần các nền tảng vũ khí hiện nay”, theo chuẩn tướng Grynkewich.
Nga - siêu thanh và tự lái
Trong khi Mỹ tất bật nghiên cứu và triển khai các khái niệm của chiến đấu cơ thế hệ mới, công tác nghiên cứu và phát triển đời máy bay chiến đấu kế tiếp cũng đang được tiến hành ở Nga. Tháng 3.2016, thượng tướng Viktor Bondarev, Tư lệnh không quân Nga, tuyên bố một chiếc máy bay thế hệ thứ 6 đang trong giai đoạn phát triển và thậm chí cả phiên bản thế hệ thứ 7 cũng đang được nghiên cứu. Sau đó, Hãng tin Sputnik News dẫn lời ông Vladimir Mikhailov, đại diện Công ty Liên minh hàng không của Nga, dự đoán máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của nước này sẽ cất cánh trong năm 2023.
Đến tháng 7, ông Vladimir Mikheyev, cố vấn của Phó tổng giám đốc Tập đoàn Radioelectronic Technologies Concern, cho hay các máy bay này sẽ có năng lực tiến vào không gian và không cần người lái. Điều đó có nghĩa là chúng sẽ tiến vào không gian cận trái đất và nhà điều khiển có thể lựa chọn cách thức lái máy bay, có người lái hoặc không người lái.
Theo thượng tướng Bondarev, năng lực tự lái là một trong những yêu cầu cho máy bay đời kế, bên cạnh các đặc điểm như di chuyển ở tốc độ bội siêu thanh, đa nhiệm, thực hiện được các chuyển động cực khó và tàng hình.
Trang Russia Beyond The Headlines dẫn lời chuyên gia quân sự độc lập Anton Lavrov thừa nhận có biết về thông tin Nga đang nghiên cứu chiến đấu cơ thế hệ thứ 6, nhưng mọi tin tức liên quan đều thuộc dạng tuyệt mật, từ thiết kế bề ngoài của máy bay đến các công nghệ có thể được áp dụng và nhất là đối thủ trong tương lai của nó.
Một số trang tin, như Washington Free Beacon và Defense News, thỉnh thoảng lại đưa tin về những vụ thử máy bay bội siêu thanh, vốn liên tiếp gặp trục trặc. Ví dụ, Mỹ không ít lần cố gắng phóng thử máy bay ở tốc độ nhanh gấp nhiều lần âm thanh, nhưng hầu hết các nguyên mẫu đều không thể duy trì độ cao trong vài giây khi được chuyển sang chế độ bay này.
Các nhà phân tích quân sự khác cũng lần lượt đưa ý kiến. “Trước khi nói đến chiến đấu cơ đời mới, đầu tiên chúng ta phải đưa mẫu thế hệ thứ 5 hoạt động trước”, theo Tổng biên tập tạp chí Export Vooruzhenii - ông Andrei Frolov. Còn Tổng biên tập tạp chí Vzlyot - ông Andrei Fomin từ chối đưa ra nhận định về dòng máy bay đang được nhiều người quan tâm, vì chưa có bất cứ tài liệu nào về dự án của Nga rò rỉ trước công chúng.
Máy bay thế hệ thứ 6 của Northrop Grumman |
Tác giả bài viết: Thụy Miên