Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Dùng học sinh làm con tin', âm mưu bại lộ!

Khoảng 1.100 học sinh xã Kỳ Hà (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) không đến trường khai giảng năm học mới đã làm lộ ra những chuyện từ lâu bị khuất sau những cách gọi, những cách nhân danh rất mỹ miều.

Trường THCS Hà Hải, xã Kỳ Hà. Ảnh; Vnexpress


Công văn hỏa tốc của UBND thị xã Kỳ Anh gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh ngay trong  ngày khai giảng 5/9 báo cáo tình hình: “Ngày 5/9, tổ chức khai giảng năm học mới, mặc dù cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục đã tập trung tuyên truyền, vận động nhưng số lượng học sinh đến dự lễ khai giảng rất hạn chế”, và nhận định tình hình sắp tới: “Một bộ phận cực đoan tôn giáo tiếp tục kích động, xúi giục một bộ phận giáo dân và gây sức ép đối với bộ phận còn lại để ngăn cản, cấm đoán học sinh đến trường, tạo sức ép lên chính quyền trong việc đề xuất các yêu sách; lợi dụng tự do tín ngưỡng, lợi dụng khó khăn đời sống nhân dân do ảnh hưởng sự cố môi trường để kích động biểu tình, hòng làm rối tình hình cơ sở, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn”.

Công văn hỏa tốc đề xuất: “Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo công an tỉnh vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu xúi giục, kích động giáo dân phá hoại sản xuất, gây rối an ninh trật tự và ngăn cản, cấm đoán học sinh đến trường”.

Trước đó, ngày 1/9, người dân thôn Bắc Hà (xã Kỳ Hà) đã tuần hành, tụ tập trước trụ sở UBND thị xã Kỳ Anh. Lãnh đạo thị xã đã đối thoại, giải đáp một số vấn đề, và đặc biệt đề nghị phụ huynh tạo mọi điều kiện cho con em đến trường khai giảng năm học mới.

Tại cuộc tuần hành hôm đó, người ta thấy nhiều phụ nữ, trẻ em, thậm chí có đứa trẻ còn được bế trên tay. Người dân thị xã cảm nhận được sự khổ sở của những phụ nữ, trẻ em tham gia tuần hành. Họ phải đi vì sợ “làng đánh”?

“Bắt cóc trẻ em làm con tin”, lợi dụng phụ nữ để đòi yêu sách của một số phần tử cực đoan đang tự thân làm lộ mục đích khác của mình. Trẻ em có tội gì, liên quan gì những đòi hỏi chưa thỏa mãn của người lớn? Chúng ta thẳng thắn rằng, sau sự cố môi trường, còn một số vấn đề khiến dân chưa hài lòng. Có thể đó là việc giám sát Formosa xả thải, xác định vùng biển, vùng hải sản an toàn…  Những yêu sách của người tuần hành, nếu là vì điều đó thì còn có thể hiểu được. Nhưng  sử dụng trẻ em, xâm phạm quyền trẻ em để tạo sức ép lên chính quyền thì người tuần hành có vì môi trường sống, vì sự tiến bộ của xã hội nữa không? Trẻ em đi học có ảnh hưởng gì đến yêu sách của họ, nếu đó là vì mục tiêu chung, vì mục đích tốt đẹp?

Một đứa trẻ không đến trường hoặc bị thất học, xã hội sẽ có thêm những mối lo, mối nguy về một công dân không được học hành, không hiểu biết pháp luật, không được tiếp cận tri thức... Nếu đứa trẻ ấy thành công dân xấu sẽ góp phần làm xã hội bất an. Cả ngàn đứa trẻ bị cấm cản đến trường là cả ngàn, cả vạn nỗi lo! Chúng ta đang phổ cập giáo dục là hướng đến xã hội học tập, tiến bộ, văn minh…

Trên đất nước hiếu học này, ngay cả trong mưa bom, bão đạn vẫn có tiếng trẻ bi bô học bài trong những căn hầm, ở những lán trại. Chúng ta đã làm hết sức mình, có thể phải hy sinh tất cả vì sự học của thế hệ tương lai ngay cả lúc đất nước ngặt nghèo vì chiến tranh và đói khát.

Ngày nay cũng vậy, có bao nhiêu đứa trẻ còn thiếu thốn vật chất, tật nguyền, ở vùng núi, vùng sâu, xa, kể cả phải đu dây, lội suối nguy hiểm tính mạng vẫn cố gắng đến trường. Đến trường, đến với ánh sáng của tri thức để vượt nghèo nàn, tăm tối, lạc hậu hướng vì một cuộc sống tươi sáng. Cả xã hội đang quan tâm, chia sẻ, tiếp sức cho học sinh thân yêu ở mọi miền trên cả nước. Vậy, sao ngay tại Kỳ Anh, mảnh đất được coi là hiếu học, điều kiện bình thường, học sinh lại không được đến trường? Vì những suy nghĩ hẹp hòi của người lớn.

Ngoài tình cảm, trách nhiệm, lương tâm không cho phép thì ngăn cản trẻ đến trường là vi phạm pháp luật. Sự vi phạm ấy còn nặng hơn khi dùng việc học của con em, thâm chí chấp nhận đứt đoạn việc học ấy để đạt được điều mình muốn. Bác Hồ từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Họ được lợi gì khi trẻ không đến trường? Dù ai làm việc này, kẻ nào đứng sau xúi giục, kích động thì đều đi ngược lợi ích chính đáng của cộng đồng.

Đi ngược xu hướng vận động tiến bộ của xã hội là phản động. Ngăn cản trẻ em đến trường tiếp cận tri thức là hành vi phản động của những kẻ phản động. Có ai còn tin những kẻ xuống đường là vì mục tiêu chung, vì môi trường, vì tiến bộ xã hội nữa không?

Hãy để trẻ đến trường, đó là mệnh lệnh từ lương tri. Đại diện Phòng Giáo dục thị xã Kỳ Anh nói rằng, không có lý do gì người dân Kỳ Hà không cho con em  đến trường ngoài việc chống đối, gây rối. Mặc dù, tỉnh đang xem xét chuyện bồi thường, nhưng Phòng Giáo dục tham mưu và lãnh đạo thị xã đã đồng ý triển khai ngay việc miễn học phí và đóng nộp đầu năm đối với con em bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, trong đó có xã Kỳ Hà. “Các giáo viên đang bám làng, đến từng nhà vận động. Sẽ kiên trì cho đến khi các em được đến trường”, thầy giáo Nguyễn Hữu Sum, Trưởng Phòng Giáo dục TX Kỳ Anh nói.

Không có gì tốt đẹp nếu cứ khư khư giữ các đứa bé đòi yêu sách từ những người rất yêu thương trẻ con. Hành động đó đã lộ rõ kẻ phản diện. Nó đã được phơi bày trong năm học mới.

Hãy buông trẻ ra để chúng đến trường. Chúng còn quá bé để hiểu những toan tính của người lớn.

Tác giả bài viết: Lê Anh Đạt