Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bố mẹ vay ngân hàng cho học đại học, ra trường đi làm công nhân

Thành tích học tập Giỏi, nhiều năm liền được nhận học bổng, ra trường với tấm bằng đỏ thế nhưng nhiều sinh vẫn thất nghiệp, phải làm nghề nặng nhọc hoặc ở nhà dù đã “rải” rất nhiều hồ sơ xin việc.

“Mày học Đại học sao giờ làm công nhân?” - Đó là câu mà bạn của Nguyễn Thị Tiên (25 tuổi, quê Quảng Nam) trố mắt lên hỏi khi thấy Tiên xin vào làm công nhân ở phân xưởng của mình.

Trò chuyện với PV, Tiên kể trong nỗi buồn: Tiên học tốt khối A, đặc biệt là môn Hóa học nên năm 2009 đăng ký dự thi vào nghành Sư phạm Hóa học tại một trường ở Đà Nẵng. Niềm vui vỡ òa khi Tiên thi đậu với 22 điểm, đứng vị trí thứ 5 trong tổng số 50 chỉ tiêu vào lớp.

“Cả họ hàng bên mình chưa có ai học đến trình độ trung cấp. Ngày đó nghe tin mình học Đại học thì ba má rồi các cô chú bác trong họ hàng ai cũng mừng, tặng những món quà động viên khiến mình hãnh diện, rơi nước mắt. Ngày nhập học, trong mình dâng cao niềm tự tin là sẽ cố gắng học tập để ra trường xin được công việc là giáo viên ở quê nhà, mức lương có thể nuôi sống được bản thân và giúp đỡ gia đình”, Tiên nói.

 

Sinh viên tìm việc làm tại Hội chợ việc làm - Ảnh: Văn Luận


4 năm Đại học, Tiên đã cố gắng đạt thành tích mỗi năm đều loại Giỏi, 3 năm liền được nhận học bổng, ra trường với tấm bằng loại Giỏi. Tiên háo hức đi công chứng giấy tờ vào phòng Nội vụ của các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nộp hồ sơ chờ đợi. Thời gian 5 tháng trôi qua chẳng thấy thông tin gì, Tiên lên hỏi thì được báo “chưa có nhu cầu, nhiều hồ sơ nộp lắm em ơi!”.

Không buồn lòng, Tiên tiếp tục tìm cơ hội mới bằng cách nộp hồ sơ sang các tỉnh bạn là tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và đón xe lên Gia Lai khi bạn bè báo có thông tin tuyển giáo viên. Trong thời gian chờ đợi gọi, Tiên ở nhà phụ cha mẹ làm thuê đủ nghề để có đồng ra đồng vào. Thế nhưng, một lần nữa Tiên lại thất vọng vì không có đơn vị nào gọi thông báo dù thời gian trôi qua đã vài tháng.

“Để có tiền cho mình đi học ngày đó, ba má đã phải vay mượn hơn 40 triệu đồng để trang trải ăn uống, chi tiêu. Ra trường hơn 1 năm mà chưa có việc, nhà lại khó khăn mà tiền ngân hàng đến hạn trả lãi đè lên lưng ba má nên mình buồn. Càng buồn hơn khi những bữa cơm ba má hay nói “con nhà hàng xóm” nó xin được việc rồi. Thế là mình bảo để con đi làm công nhân thời gian rồi có thông tin trúng tuyển thì con đi dạy!”, Tiên kể về quyết định của mình.

Ngày lục lại bộ hồ sơ để đi công chứng, Tiên ứa nước mắt khi cất đi tấm bằng Đại học, lấy tấm bằng cấp ba đi công chứng để xin làm công nhân. Tiên xin vào làm ở công ty chuyên về sản xuất gỗ. Ở vòng phỏng vấn thấy Tiên trả lời có “văn hóa sành sỏi” nên người phỏng vấn nghi ngờ có trình độ cao hơn cấp ba, thế nhưng Tiên chỉ cười mỉm nói “Không ạ!”

Tiên nói trong nỗi tủi hờn: “Ngày mình được phân công xuống xưởng, bất ngờ gặp lại cô bạn ngày xưa nghỉ học năm lớp 8 rồi đi làm công nhân. Không ngờ giờ bạn ấy làm Trưởng bộ phận nơi mình làm với mức lương đến hơn 10 triệu/tháng. “Mày học Đại học sao giờ làm công nhân?”, lời người bạn ấy cất lên khi chỉ dẫn làm khiến mình ngấn nước mắt. Tối đó về nhà mình đã khóc như chưa bao giờ khóc”

Mới đây vào giữa tháng 3/2016, Tiên đã lấy chồng là một công nhân làm cùng công ty. Khi hỏi về việc đi dạy, Tiên chua chát, nói: “Giờ thì mình biết ngày xưa xin việc, rải bao nhiêu hồ xin cũng xin không được vì thiếu tiền triệu đút lót. Lớp học ngày xưa của mình 40 đứa mà chỉ có 7 đứa được đi dạy, không có ai là không bỏ tiền để dạy hợp đồng cả. Nghĩ đến mà đau lòng lắm! Lương làm công nhân của mình giờ cũng đủ để chi tiêu cuộc sống, giúp đỡ ba má trả nợ”

 

Tình trạng sinh viên thất nghiệp hay làm việc nặng nhọc, không đúng chuyên nghành đang rất lớn - Ảnh: Văn Luận


Một trường hợp khác, Vũ Văn Tuấn (24 tuổi, quê Quảng Ngãi) tốt nghiệp Đại học ngành Cử nhân văn học với tấm bằng loại Khá. Ngày cầm những bộ hồ sơ xin việc đi nộp vào các đơn vị tuyển dụng, Tuấn lâng lâng cảm giác tự tin sẽ có một công việc như ý là làm giáo viên hoặc nhân viên văn phòng cho một công ty nào đó gần nhà. Thế nhưng thời gian trôi qua 5-7 tháng vẫn chưa có hồi âm nào về việc tuyển dụng khiến Tuấn đâm ra nản chí.

“Thời sinh viên mình cũng đã đi dạy thêm, làm tình nguyện hay chạy bàn quán cà phê nên xem đó là kinh nghiệm. Khi viết hồ sơ mình luôn bổ sung những công việc đó vào cùng với tấm bằng nhưng không hiểu sao vẫn không thấy đơn vị nào gọi phỏng vấn hay tuyển dụng. Ở nhà ra vào, cứ bữa cơm có ba má với các em nhắc chuyện việc làm là mình đâm ra buồn. Trong khi chờ đợi công việc nơi đã nộp hồ sơ, mình cũng xin đi phụ hồ, làm nhân viên chuyển phát nhanh. Làm hơn 1 năm rồi cũng xin nghỉ, lại cầm hồ sơ Nam tiến vào TP. HCM hi vọng sẽ có công việc nào đó phù hợp”, Tuấn kể.

Vào TP. HCM, Tuấn ở nhà bạn rồi lên mạng tìm hiểu thông tin tuyển dụng, thấy nơi nào tuyển ngành mình học Tuấn cũng thử nộp vào. Sau 2 tháng, cũng có một công ty gọi đi phỏng vấn nhưng Tuấn lại rớt khi công ty đòi hỏi trình độ tiếng Anh. Trong khi chờ đợi, Tuấn lại xin làm nhân viên công ty giao hàng thức ăn nhanh với mức lương 5 triệu.

“Đến bây giờ ra trường cũng đã 2,5 năm, tấm bằng Đại học không còn là niềm tự hào của mình nữa. Tại chỗ mình cũng có nhiều bạn cũng cất bằng Đại học đi làm, ai cũng than. Mình dự định làm thêm đến cuối năm, kiếm khoản tiền tiết kiệm rồi đi học thêm tiếng Anh hay về quê vay mượn thêm làm kinh doanh”, Tuấn nói.

Trường hợp Tiên hay Tuấn chỉ là hai trong nhiều trường hợp khác mà sinh viên tốt nghiệp Đại học loại Khá, Giỏi phải xin làm đủ nghề hoặc thất nghiệp ngồi đợi ở nhà. Câu hỏi đặt ra là tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc là do không có kỹ năng, nhà trường đào tạo chưa thực tế hay nhà tuyển dụng đòi hỏi quá cao hoặc dè chừng vì các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm?

* Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.

 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, quý 2 năm 2016 cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1 năm 2016. Đáng chú ý, trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, có trình độ đại học, cao đẳng trở lên.

Tại sao mỗi năm có hàng nghìn sinh viên có trình độ ra trường lại thất nghiệp? Tại sao thị trường lao động dồi dào nhưng nhiều nhà tuyển dụng lại khó tìm được nhân lực phù hợp hay tại sao mỗi sinh viên có khoảng 2-4 năm ngồi trên ghế giảng đường nhưng lại lúng túng khi đi xin việc?...

Rất nhiều câu hỏi đặt ra khiến gia đình, nhà trường và xã hội phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề về thị trường lao động. Báo điện tử Khám phá xin đăng tải loạt bài viết về tình trạng thất nghiệp dưới góc nhìn của chính sinh viên, gia đình, nhà trường, nhà tuyển dụng và chuyên gia.

Bài 1: Bố mẹ vay ngân hàng cho học đại học, ra trường đi làm công nhân

Bài 2: Sinh viên ra trường tìm mọi cách nhưng vẫn thất nghiệp

Bài 3: Nhân lực Việt Nam lãng phí vì 'thừa thì thừa, thiếu vẫn thiếu'

Bài 4: Kinh nghiệm vàng khi xin việc để được nhận ngay lần nộp đơn đầu tiên

Tác giả bài viết: Văn Luận