Putin: 'Khủng bố là hậu quả do Mỹ can thiệp vào nội bộ nước khác'
- 15:55 05-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Bloomberg, Tổng thống Nga Putin cho biết các sự kiện từ một thập kỷ qua đã chứng minh chính sách ngoại giao "thúc đẩy dân chủ" của phương Tây - thông qua việc đem quân can thiệp và ủng hộ phe đối lập tại một số nước chính là tiền đề phát triển của chủ nghĩa khủng bố và gây mất ổn định nội bộ các quốc gia dân tộc.
Ông khẳng định sự thay đổi của một xã hội chỉ có hiệu quả khi nó xuất phát từ nội lực bên trong chứ không phải được mang đến bởi một nhóm "giải phóng quân" nước ngoài.
Theo người đứng đầu nước Nga, Iraq, Libya và Syria là những ví dụ nổi bật và rõ ràng nhất cho điều này.
Tổng thống Nga Putin gọi chiến lược thúc đẩy dân chủ của phương Tây chính là nguồn cơ gây nên chủ nghĩa khủng bố.
"Tôi luôn có quan điểm rằng bạn không thể thay đổi chế độ chính trị, quyền lực hay mọi thứ khác bằng cách tác động từ bên ngoài", ông Putin nói trên tờ Bloomberg.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng "những sự kiện của thập kỷ qua đã càng làm củng cố thêm điều này - đặc biệt là các nỗ lực dân chủ hóa tại Iraq, Libya đã cho chúng ta thấy thứ họ mang đến chỉ là sự sụp đổ của hệ thống nhà nước và sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố".
Ông Putin nói rằng bản thân ông và nước Nga cũng đối mặt với những thách thức từ các nhà tư tưởng mang chính sách ngoại giao phương Tây - những người tuyên bố tán thành lý thuyết về sự can thiệp của nước ngoài để tạo điều kiện gia tăng văn hóa dân chủ.
Một trong số ví dụ Tổng thống Nga ám chỉ đến là Quỹ Xã hội của George Soros, tỷ phú này đã đầu tư mạnh vào các phương tiện truyền thông đối lập và các tổ chức bên trong nước Nga. Điều này khiến nhiều người Moscow xem đó như một nỗ lực muốn gây bất ổn cho chính phủ ông Putin.
Sputnik cũng dẫn một ví dụ về chế độ của ông Viktor Yanukovych, lãnh đạo được bầu thông qua dân chủ ở Ukraine. Gần đây đã có một số tài liệu rò rỉ cho thấy chính George Soros dùng quyền lực và tiền bạc hỗ trợ cho "quá trình dân chủ" này.
Nhìn nhận về triển vọng ở một số quốc gia, ông Putin bày tỏ lo ngại: "Bạn có thấy bất kỳ yếu tố dân chủ nào ở Libya, hay ở cuộc nội chiến đang diễn ra tại Iraq hay không? - Có lẽ họ sẽ sớm có được nó trong thời gian tới. Thế nhưng tương lai của Iraq hiện tại vẫn là những câu hỏi vô định".
Tổng thống Nga cũng dẫn trường hợp cuộc xung đột ở Syria: "Mỗi lần chúng tôi nghe thấy câu nói Assad phải ra đi (từ Mỹ và các đồng minh), tôi không thể không tự hỏi: Điều gì rồi sẽ xảy đến tiếp theo? Phải chăng làm ấm mối quan hệ với chúng tôi và kiên nhẫn thúc đẩy những thay đổi về cấu trúc xã hội (ở Syria) là một điều không tốt?".
Tư tưởng quyết hạ bệ chế độ của ông Assad hiện tại được cho là tương đồng với những nỗ lực thay đổi nền chính trị ở Iraq và Libya dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, khi ông này kêu gọi các chiến dịch quân sự nhằm "giải phóng người dân Iraq" khỏi chế độ chuyên quyền của nhà độc tài Saddam Hussein.
Ở giai đoạn sau, nó đã được tiếp nối bởi chính quyền ông Obama và được dẫn đầu bởi cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Tại Lybia, Washington cũng đã can thiệp bằng việc buộc chế độ đương quyền phải thay đổi để đưa lực lượng ủng hộ dân chủ lên lãnh đạo đất nước - tuy nhiên kế hoạch này đã thất bại và đưa tình hình quốc gia này rơi vào sự kiểm soát của IS.
Trong bài phỏng vấn, ông Putin đã lý giải về cái gọi là "sự dân chủ" đến từ sâu thẳm của chế độ chuyên quyền.
Người đứng đầu nước Nga cho rằng dù "dân chủ có thể không được bộc lộ sớm nhưng sự chuyên quyền lại có lợi ở chỗ giúp cho nền chính trị đất nước được ổn định. Và một khi có sự yên ổn như vậy, dần dần từ một chế độ chuyên quyền có thể theo đuổi những thay đổi về cấu trúc và hệ thống chính trị cho phù hợp với sự dân chủ".
Tranh luận của Tổng thống Nga được cho là đi ngược lại quan điểm của nền triết học chính trị phương Tây dựa trên khái niệm nhà nước pháp quyền, tự do ngôn luận và điều kiện tiên quyết đó là nhà nước này phải thích ứng và đảm bảo đáp ứng được nhu cầu và niềm tin từ người dân.
Tác giả bài viết: Minh Vũ