Trung Quốc có cố tình 'dìm' Tổng thống Obama hay không
- 16:45 04-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
.Video an ninh Trung Quốc quát quan chức Nhà Trắng: Khi nữ quan chức Nhà Trắng giải thích cách báo chí tác nghiệp lúc Tổng thống Obama tới, một cán bộ Trung Quốc quát cô: "Đây là đất nước chúng tôi. Đây là sân bay chúng tôi!".
Đây là một hành động bất thường của phía Trung Quốc, khi so sánh với những hình ảnh nguyên thủ các nước như Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye... và gần đây nhất là nữ Thủ tướng Anh Theresa May khi đáp sân bay sáng 4/9 đều được đón tiếp trên thảm đỏ trang trọng.
Tổng thống Obama rời máy bay bằng cầu thang thường, trong khi Thủ tướng Anh Theresa May được đón tiếp bằng cầu thang rời có trải thảm đỏ. Ảnh: NYT
Những hành động thô lỗ
Không dừng lại ở đó, khi Tổng thống Obama trên đường xuống máy bay thì ở dưới phi trường là cuộc cãi vã giữa lực lượng an ninh Trung Quốc và đoàn phóng viên tháp tùng tổng thống. Người đàn ông Trung Quốc thậm chí quát nạt nữ quan chức Nhà Trắng: "Đây là đất nước tôi. Đây là sân bay của chúng tôi".
"Trong 6 năm đưa tin về hoạt động của tổng thống, tôi chưa từng thấy một nước chủ nhà nào lại ngăn cản phóng viên tác nghiệp lúc tổng thống rời phi cơ", Mark Landler viết trên New York Times.
Đến cả Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice và cấp phó của bà, ông Ben Rhohdes, cũng bị an ninh Trung Quốc ngăn chặn khi họ muốn đến gần tổng thống. Giữa hai bên đã tranh luận gay gắt, và chỉ kết thúc khi một nhân viên mật vụ Mỹ can thiệp và mở lối cho bà Rice.
Tiếp đến, khi Tổng thống Obama gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình, các nhân viên Nhà Trắng, quan chức lễ tân và đội mật vụ tiếp tục vướng vào những tranh cãi với phía an ninh Trung Quốc về việc bao nhiêu người Mỹ được phép vào bên trong phòng họp. New York Times cho biết, bất đồng gay gắt đến nỗi thậm chí có thể dẫn đến "động chân, động tay".
Sự việc chỉ được xoa dịu khi một quan chức ngoại giao Trung Quốc lên tiếng: "Xin hãy dừng lại đi, có các phóng viên đang quan sát ở đây".
Tại buổi ăn tối giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Obama, phía an ninh Trung Quốc cũng muốn hạn chế số lượng nhà báo Mỹ được vào tác nghiệp. Họ giảm từ 6 người còn 3 người, rồi cuối cùng chỉ còn lại một người. "Đây là cách chúng tôi sắp xếp", một quan chức Trung Quốc nói với người đồng cấp bên đoàn Mỹ. "Các anh luôn thay đổi", vị quan chức Mỹ đáp lời.
Cố tình hạ thấp hình ảnh
Ông Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc (2007-2013), khẳng định những cách tiếp đãi ông Obama và gây khó dễ từ phía Trung Quốc là hành động có tính toán.
"Những sự cố xảy ra không phải là sơ suất, nhất là với người Trung Quốc. Tôi đã làm việc với người Trung Quốc 6 năm và chuẩn bị cho nhiều chuyến thăm cấp cao. Tôi đã sắp xếp để ông Tập Cận Bình đến Mexico, và tiếp đón 2 tổng thống Mexico đến Trung Quốc. Tôi biết chính xác mọi việc được hoạch định thế nào, nó tỉ mỉ đến từng chi tiết. Nên những sự cố trên không thể là sơ suất", ông Guajardo nói trên báo Guardian.
Tổng thống Nga Putin được đón tiếp chu đáo khi đến Trung Quốc dự hội nghị G20. Ảnh: Xinhua
Theo vị cựu đại sứ, qua sự việc này, phía Trung Quốc như muốn khẳng định với nhà lãnh đạo Mỹ rằng "Các ông không phải quá đặc biệt với chúng tôi".
Đó là một hình thức thể hiện sự kiêu ngạo của Trung Quốc, nhằm khuấy động chủ nghĩa dân tộc. Điều này đặc biệt đánh trúng tâm lý của nhân dân trong nước", ông Guajardo nói.
Một quan chức ngoại giao Trung Quốc tại buổi đón ông Obama ở phi trường phủ nhận mọi cáo buộc. Ông này khẳng định trên tờ South China Morning Post rằng chính phái đoàn Mỹ là bên đề nghị không sử dụng cầu thang rời có trải thảm đỏ.
Đoàn Mỹ phàn nàn rằng người điều khiển thang không hiểu tiếng Anh nên không nắm được các chỉ dẫn an ninh từ họ. Chúng tôi đã đề nghị cử phiên dịch viên hỗ trợ, nhưng phía Mỹ bác bỏ và khăng khăng họ không cần cầu thang rời", vị quan chức Trung Quốc nói.
Người này khẳng định: "Trung Quốc không có lợi gì trong việc đối xử khiếm nhã với Tổng thống Obama".
Cách giải thích trên không làm thỏa mãn nhà nghiên cứu Trung Quốc Bill Bishop.
"Dù chúng ta không có bằng chứng, nhưng sự việc rõ ràng gây kinh ngạc lớn. Trong một sự kiện lớn như hội nghị G20, họ phải chuẩn bị kế hoạch từ trước cả năm, nhưng bỗng nhiên sơ suất xảy ra chỉ với một vị tổng thống", ông Bishop nói.
Tác giả bài viết: Minh Anh
Nguồn tin: