Những mối tình “khắc cốt ghi xương” chắp cánh cho sự nghiệp thăng hoa
- 08:11 04-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và vợ - nghệ sĩ Bạch Lê.
Nhiều thập kỷ qua, những ca khúc bất hủ như Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Bài ca năm tấn, Dáng đứng Bến Tre… đã đưa tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lên đỉnh cao trong làng nhạc Việt Nam. Nhiều người yêu nhạc cho rằng, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý thành danh nhờ may mắn được trời phú cho cảm quan sáng tác đặc biệt. Nhưng trong câu chuyện tâm tình với người viết, người nhạc sĩ già tiết lộ: Bí quyết làm nên những ca khúc sống mãi với thời gian của ông đều xuất phát từ các mối tình thời trai trẻ.
Từ cảm hứng “tình chị, duyên em”
Chúng tôi tìm đến nhà riêng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào một buổi sáng sương giăng ngập lối. Trong gian phòng nhỏ, một ông lão râu tóc bạc phơ, ngồi trên chiếc ghế gỗ, đôi mắt hướng qua khe cửa khép hờ đầy đăm chiêu. Ánh mắt ấy khiến người đối diện cảm nhận được nỗi buồn về sự cô đơn, trống trải của tuổi già. Khi chúng tôi hỏi thăm về tình hình sức khỏe, nhạc sĩ chỉ lắc đầu: “Giờ tôi yếu rồi, không biết còn sống được bao lâu nữa. Nhưng có lẽ, tâm hồn tôi sẽ chết trước cái thân già này. Tôi cô đơn lắm, giờ tôi chẳng còn gì ngoài dư âm của những ngày đã qua”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chia sẻ, hầu hết các bài hát ông viết lên được lấy cảm hứng từ cái đẹp của người phụ nữ. Với nhạc sĩ, phụ nữ Việt Nam ai cũng đẹp, đẹp ở mọi lứa tuổi. Vẻ đẹp ấy khiến ông như “mê hồn” và không ngừng truyền cảm xúc vào những bài hát như: Bài ca năm tấn, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Dáng đứng Bến Tre,... Tuy nhiên, tác phẩm ông khó quên nhất là ca khúc “Dư âm” – bản tình ca mà ông dành tặng cho mối tình đầu của mình. Lim dim đôi mắt, ông nhớ lại: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ… Giờ đây, cô gái tuổi trăng tròn ngày nào đã không còn nữa. Nhưng trong tâm trí tôi, hình ảnh cô ấy ngồi ôm đàn hong tóc bên thềm nhà vẫn rõ nét và luôn khiến tôi phải bồi hồi mỗi khi nhớ về”.
Nhạc sĩ kể vào năm 1949, ông được giới thiệu cho một cô gái quê ở Nghệ An. Tuy nhiên, khi đến nhà cô gái chơi, nhạc sĩ lại bị hút hồn bởi ánh mắt ngây thơ của người em gái. Từ lần gặp mặt đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không lúc nào không nghĩ đến cô em. Ông hiểu cô em cũng có tình cảm với mình nhưng vì sợ chị nên luôn tránh mặt. Biết nhạc sĩ được giới thiệu cho chị nhưng lại dành cảm tình cho cô em, gia đình hai thiếu nữ phản đối kịch liệt. Một phần cũng bởi khi đó, cô em mới tròn 16 tuổi. Thế nhưng, lúc nào nhạc sĩ cũng nhớ nhung cô gái bé nhỏ kia, nhiều lần vẫn đánh liều đến thăm nhưng chỉ dám “thập thò” ngoài cổng, dùng dấu cho cô bé ra ngoài nói chuyện. “Về sau, tôi thấy cô gái ấy bị cha mẹ mắng nhiếc nhiều quá, không dám làm phiền nữa nên phải cố chôn sâu tình cảm. Những ngày đau khổ vì mối tình ngang trái, tôi hoàn thành bài hát “Dư âm”. Sau đó, tôi đã bị đơn vị kiểm điểm do lời bài hát quá sướt mướt, ủy mị, không hợp với không khí chiến đấu của quân đội Việt Nam lúc đó”, nhạc sĩ nhớ lại.
Thời gian trôi qua, năm 1988, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bắt gặp một người phụ nữ có đôi mắt đen láy giống hệt cô gái thuở nào. Cảm xúc về mối tình đầu ùa về thôi thúc ông viết ca khúc “Một ánh sao trời”, sau này được đổi tên thành “Dư âm 2”. Sau đó vài năm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lại phải lòng một người con gái làm nghề dệt vải quê ở Hà Tĩnh. Vẻ đẹp e ấp của cô gái làm nhạc sĩ “mất ăn mất ngủ”. Lần này, ông “bạo” hơn, thường xuyên đến nhà cô gái dệt vải chuyện trò, tâm sự. Thời trai trẻ, với ngoại hình thư sinh, đặc biệt là một trái tim chân thành, nhạc sĩ được rất nhiều cô gái mến mộ. Thế nhưng trước sự quan tâm hết lòng của nhạc sĩ, cô gái ấy chỉ cười mà không nói gì. Cứ ngỡ rằng cô ấy không có tình cảm với mình nên sau một thời gian, nhạc sĩ không đến tìm cô nữa.
Vậy nhưng 20 năm sau, một người bạn tìm đến trách nhạc sĩ đã làm cho cô gái ấy phải chờ đợi quá lâu. Ai hỏi cô ấy cũng nói có chồng đang ở nơi xa. Nhạc sĩ tâm sự: “Khi ấy tôi ân hận lắm. Cô ấy không nói gì có nghĩa là đã ngầm đồng ý. Vậy mà tôi không hiểu ra, lại trách nhầm cô ấy. Nếu lúc đó, cô ấy mở lòng hơn hoặc tôi tinh ý hơn thì tôi đã có được người mình yêu rồi”. Thương cô gái ấy vì mình mà lỡ mất tuổi xuân, nhạc sĩ viết nên bài hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” cùng những lời ca tha thiết. Những mối tình dang dở trôi qua chóng vánh nhưng với nhạc sĩ, suốt đời ông không quên được ánh mắt, nụ cười của người con gái ông yêu. Theo ông, “người có thể mất, tình yêu có thể không nắm giữ được nhưng cái dư âm thì còn mãi cho đến chết”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống trong nỗi cô đơn.
Tài hoa bạc mệnh
Rồi trái tim đa tình của chàng nhạc sĩ tài hoa cũng có lúc “dừng chân” sau những si mê của tuổi trẻ. Năm 26 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tý yêu và kết hôn với một người phụ nữ đẹp. Ông tủm tỉm cười: “Thời trẻ tôi trông cũng đào hoa lắm. Với tôi, phụ nữ ai cũng đẹp và những người con gái tôi yêu đều là hoa khôi”. Nhạc sĩ hết mực thương yêu, chiều chuộng vợ, yêu đến quên cả sáng tác nhạc. Tuy vậy, sau khi cô con gái đầu lòng ra đời được vài tháng, vợ ông đã đột ngột qua đời. Nỗi đau quá lớn khiến ông “chết” một thời gian dài. Ông còn tưởng trái tim mình đã trở nên băng giá, cho đến khi gặp được nghệ sĩ Bạch Lê qua lời giới thiệu của một người bạn - nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Trước vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm của bà Bạch Lê, trái tim nhạc sĩ mới có cơ hội thổn thức trở lại.
Dù biết nghệ sĩ Bạch Lê đã có con riêng, hai người vẫn nhanh chóng đi đến kết hôn. Vài năm sau, nhạc sĩ được làm cha lần thứ hai. Đắm chìm trong hạnh phúc khi con gái bé bỏng sinh ra giữa thời bom đạn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nảy sinh cảm hứng viết nên ca khúc “Mẹ yêu con” bất hủ. Nhạc sĩ chia sẻ rằng, người vợ thứ hai chỉ dành cho ông một thứ tình cảm hời hợt bởi nỗi lo cơm áo đã khiến trái tim bà quên cả cách yêu thương. Thế nhưng bất chấp tất cả, ông vẫn toàn tâm toàn ý với vợ con.
Sau này về già, cô con gái lớn lấy chồng đã sang Đức định cư. Đến ngày sinh nở, bà Bạch Lê sắp xếp đồ đạc lên đường sang nước ngoài thăm con, cháu. Ngày chia tay, ông đã linh cảm bà sẽ không bao giờ quay lại nữa. Thương nhớ vợ, nhạc sĩ viết bài hát “Con sáo sang sông”. Bài hát có đoạn: “Ai đưa con sáo sang sông, để cho con sáo sổ lồng bay xa. Ở đây còn lại một mình ta… Sổ lồng thì sáo cứ bay, đừng quên công của bấy nay ta xây lồng…”. Vừa lẩm nhẩm bài hát, nước mắt người nhạc sĩ già lại rơi xuống. Ông thổn thức: “Khi Bạch Lê bỏ đi, tôi vì thương nhớ vợ mà lâm vào cảnh ốm đau, rồi bị tai biến, đi lại phải có người dìu. Một thời gian sau khi tôi hoàn thành ca khúc “Con sáo sang sông”, có lẽ nghe được lời bài hát đó, bà Bạch Lê đã quay trở về. Tuy nhiên, bà ấy về được vài năm thì cũng qua đời. Tôi sống một mình từ đó đến nay đã hơn 10 năm, cô quạnh lắm. Giờ đây tôi chẳng còn ai để thương yêu nữa”.
Trải qua thời trai trẻ đào hoa, sống và yêu hết mình, có lẽ chẳng bao giờ ông nghĩ đến cuối đời mình phải chịu cảnh hiu quạnh như thế. Mà cũng chẳng ai tưởng tượng được, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam sẽ có ngày rơi vào cảnh nghèo đơn chiếc, muốn đi không có người dìu, ốm đau phải chịu dơ bẩn, thèm ăn không có người mua cho, không đủ tiền thuốc thang trị bệnh. Một người nghệ sĩ lớn luôn lấy tình yêu đất nước, con người làm mục đích sống, giờ đến cuối đời vẫn đi tìm một chữ “tình” đúng nghĩa dành cho mình.
Tác giả bài viết: Uyên Phương