Ocean Group: “Một thời vang bóng” nay thua lỗ, nợ nần chồng chất
- 06:51 03-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từng là một tập đoàn đa ngành có tiếng, nhưng sau sự cố ông Hà Văn Thắm bị bắt, tới nay Ocean Group lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất: Lỗ lũy kế tới 2.229 tỷ đồng, có dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 480 tỷ đồng.
Ocean Group đối mặt nhiều khó khăn sau biến cố ông Hà Văn Thắm bị bắt hồi cuối 2014
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Nêu ý kiến sau khi soát xét Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2016 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - OGC), Hãng kiểm toán AASC đã đề cập đến một số vấn đề, trong đó có việc tồn tại các yếu tố không chắc chắn có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty mẹ.
Cụ thể, theo thuyết minh báo cáo tài chính, tại thời điểm ngày 30/6, nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn khoảng 481,6 tỷ đồng, số lỗ lũy kế của công ty đến ngày 30/6 đã là 2.229 tỷ đồng. Đồng thời, công ty này còn có dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh.
OGC cho biết, hiện công ty đang tiếp tục thực hiện các dự án của mình và cũng đang tìm kiếm các đối tác để chuyển nhượng các dự án với giá phù hợp. Đồng thời, tích cực thu hồi các khoản công nợ từ hỗ trợ vốn ngắn hạn cho đối tác và các khoản đã góp vốn vào các dự án đầu tư. Khả năng hoạt động liên tục của OGC phụ thuộc vào khả năng thực hiện các vấn đề nêu trên.
Tập đoàn Đại Dương thành lập vào tháng 5/2007, niêm yết trên sàn HSX với mã OGC. Tập đoàn này có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và từng là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất nước với các thương hiệu đình đám như Ocean Bank, Ocean Hospitality, Ocean Sercurities, Ocean Mart…
Tuy nhiên, nhiều thương hiệu trên nay đã chỉ là dĩ vãng. Sau cú sốc ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch tập đoàn này bị bắt vào cuối năm 2014, kế đến là hàng loạt lãnh đạo của Ocean Bank liên tục vướng vòng lao lý, Ocean Group tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ và đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, OCG ghi nhận lỗ trước thuế 478,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 16,6 tỷ đồng). Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, tập đoàn lỗ ròng 504 tỷ đồng, chủ yếu là do lỗ ở công ty mẹ (lỗ 472 tỷ đồng).
Cổ phiếu OCG từ mức 36.000 đồng thời điểm mới niêm yết năm 2010 nay đã “bốc hơi” tới 96% thị giá, còn 1.600 đồng vào thời điểm chốt phiên 1/9 sau khi giảm sàn phiên này.
Hàng loạt vấn đề đơn vị kiểm toán không thu thập được bằng chứng, số liệu
Trở lại với báo cáo tài chính bán niên soát xét của OGC, kiểm toán viên đồng thời cũng đưa ra kết luận ngoại trừ với hàng loạt vấn đề.
Cụ thể, tại ngày 30/06/2016, Công ty mẹ và Công ty Cổ phần Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH) - một công ty con của OGC - đang ghi nhận một số khoản trả trước cho người bán ngắn hạn, trả trước cho người bán dài hạn, các khoản phải thu ngắn hạn khác và khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác sau khi trích lập dự phòng với số tiền gần 540 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kiểm toán viên cho biết “không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi và thực hiện thủ tục thay thế để đánh giá giá trị dự phòng cần trích lập” do tại ngày lập báo cáo, công ty mẹ và OCH cùng các đối tác liên quan chưa cung cấp đầy đủ thông tin và tài liệu về các giao dịch này.
Ngoài ra, công ty mẹ và OCH đang ghi nhận một số khoản phải thu về cho vay là các khoản hỗ trợ vốn ngắn hạn cho một số công ty và lãi dự thu tương ứng sau khi trích lập dự phòng và bù trừ công nợ, tài sản đảm bảo với số tiền hơn 721 tỷ đồng. Với chi tiết này, Kiểm toán viên cũng không thu thập được đầy đủ các bằng chứng về giá trị có thể thu hồi với số dư trên, cũng như không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để đánh giá giá trị dự phòng cần phải trích lập.
Về việc OGC trích lập bổ sung dự phòng nợ khó đòi đối với khoản phải thu Công ty SDCON tại CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long - công ty con của OGC với số tiền gần 333 tỷ đồng và các số liệu liên quan đến dự án tại tỉnh Quảng Ninh, kiểm toán viên cũng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để thực hiện việc điều chỉnh số liệu hay không.
Bên cạnh đó, tại ngày 30/6, OGC cũng đang đánh giá một số khoản phải thu từ cho vay ngắn hạn, khoản phải thu dài hạn khác cho một số công ty với số tiền hơn 883 tỷ đồng có khả năng thu hồi trên cơ sở bù trừ công nợ, mặc dù công ty chưa ký thỏa thuận với các đối tác này về việc bù trừ công nợ phải thu, phải trả phát sinh từ các hợp đồng kinh tế khác nhau.
OGC còn có thể có một số nghĩa vụ tiềm tàng theo các điều khoản ký kết trong hợp đồng nguyên tắc liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần CTCP Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail).
“Công việc soát xét thông tin tài chính giữa niên độ bao gồm việc thực hiện các cuộc phỏng vấn, chủ yếu là phỏng vấn những người chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính kế toán, thực hiện thủ tục phân tích và các thủ tục soát xét khác. Một cuộc soát xét về cơ bản có phạm vi hẹp hơn một cuộc kiểm toán được thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và do vậy không cho phép chúng tôi đạt được sự đảm bảo rằng chúng tôi sẽ nhận biết được tất cả các vấn đề trọng yếu có thể được phát hiện trong một cuộc kiểm toán”, bà Cát Thị Hà, Phó Tổng giám đốc ASSC cho biết.
Tác giả bài viết: Bích Diệp