Ông chủ Asanzo & chiến lược tiền đẻ ra tiền
- 10:20 01-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thế mà chưa tới một năm sau, câu chuyện của anh Tam không chỉ về chiếc ti vi màn hình phẳng mà còn về màn hình cong, về những chiếc máy lạnh lắp không kịp bán, về kế hoạch làm những chiếc máy lọc nước, chiếc máy quạt hơi nước và đặc biệt tham vọng chinh phục 20% “người tiêu dùng giàu có” còn lại của thị trường điện tử. Tất cả đều mang thương hiệu Asanzo và “made in Vietnam”. Đặc biệt, điều thú vị nhất Tam tiết lộ, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của công ty đã bằng cả năm 2015, trên 1.200 tỉ đồng.
Không nghĩ ra điều mới mẻ nào trong ngày coi như vứt đi !
Chiếc ti vi giá rẻ hiệu Asanzo vẫn đang chiếm đến 70% tổng doanh thu của công ty, điều gì khiến anh lại tiếp tục “bươn chải” với những sản phẩm điện tử “khó nuốt” khác như máy lạnh, ti vi màn hình cong, những sản phẩm đang được định vị là của “nhà giàu”?
Thật ra đời sống của một công nghệ rất ngắn. Ngay cả người khổng lồ như Google năm qua cũng khuấy động thế giới công nghệ với đợt tái cấu trúc lớn, chuyển đổi thành công ty con của Alphabet. Hoặc một thương hiệu điện thoại của Trung Quốc đang làm mưa làm gió bằng các chiến dịch marketing lớn tại thị trường VN trước cũng chỉ là nhà sản xuất chuyên làm đầu đĩa, loa âm ly. Hoặc cách đây 1 - 2 thập niên, cái tên Samsung của Hàn Quốc được người tiêu dùng biết đến là máy cassette nghe băng đĩa, nay những sản phẩm đó gần như biến mất, thay vào đó là chiếc smartphone và nhiều sản phẩm điện tử gia dụng khác. Điều này chứng tỏ không có gì là bất biến cả, đặc biệt với những sản phẩm số, điện tử thì tuổi thọ càng khó dài. Thế nên, việc Asanzo năm ngoái thành công rực rỡ với chiếc ti vi màn hình phẳng, năm nay thắng ti vi màn hình cong hay vài năm nữa nghe đến Asanzo, người ta lại nhắc đến chiếc máy lạnh tiết kiệm năng lượng bằng công nghệ Nhật... là điều rất bình thường.
Vậy điều gì sẽ được xem là không bình thường với ông chủ Asanzo?
À, chỉ có ngồi yên, không suy nghĩ gì mỗi ngày, không có ý tưởng mới trong thời gian dài… là không bình thường. Tôi quan niệm cuộc sống phải luôn sáng tạo, đổi mới không ngừng để tạo ra sản phẩm tiện ích mới tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, tiện ích cho người sử dụng. Một ngày không có ý tưởng, không làm cái gì đó hay suy nghĩ về điều mới mẻ nào đó... coi như ngày đó vứt đi! Mà, cuộc sống ngắn ngủi quá, không cho phép mình vứt những khoảng thời gian quý giá và sống trong không khí thụ động như vậy.
Nhiều người Việt nhún vai tỏ ý nghi ngờ khi nghe một nhãn hàng điện tử được gắn mác “made in Vietnam”. Anh nghĩ gì về điều đó?
Điều đó dễ hiểu mà! Cái tên Việt Nam chưa và rất khó để có tên trên bản đồ ngành điện tử, điện tử gia dụng thế giới. Lịch sử đã được viết bởi những quốc gia lớn như Đức, Ý, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn… Tôi không tham vọng ghi tên Asanzo vào bản đồ công nghệ điện tử thế giới, nhưng tôi tham vọng phải làm bằng được những sản phẩm điện tử phổ cập đến từng gia đình dân Việt bằng mức giá tốt nhất mà người dân của tôi chấp nhận và sở hữu được. Tôi không nghiên cứu để làm ra chiếc ti vi mới khi thế giới đã có sẵn và đi trước chúng ta hàng mấy thế kỷ. Tôi mua công nghệ cao của họ, cái lõi của sản phẩm, tôi tổ chức sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 500 công nhân từ các vùng quê nghèo VN đến, thay vì tôi chỉ cần bỏ tiền ra để nhập sẽ tiện hơn rất nhiều nhưng muốn công nghệ tốt, nhập 100% sẽ không có giá rẻ được. Những phần phụ còn lại, tôi cũng nỗ lực đặt mua khuôn từ nước ngoài, đầu tư thuê gia công ngay trong nước. Tôi quan niệm thế này, khi dốc sức dốc lòng để làm một sản phẩm cho người Việt dùng, hãy nghĩ đến những điều tử tế trước. Tôi tự hào mình đã suy nghĩ và hướng đến những điều tử tế khi thẳng thắn nói rằng tôi đang làm chiếc ti vi này, cái máy lạnh này là hàng Việt bằng công nghệ Nhật.
Sản phẩm bằng công nghệ Nhật, có nghĩa là nhập từ Nhật và chỉ lắp ráp tại VN?
Ảnh: NVCC
Vậy hiện tại, sản phẩm của Asanzo được nội địa hóa bao nhiêu phần trăm?
Chỉ khoảng 30%. Còn lại, ngoài nhập khẩu thiết bị công nghệ cao, tôi phải liên kết sản xuất với doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại VN. Tuy nhiên, điều đáng buồn là DN trong nước chưa cung cấp được cho Asanzo những sản phẩm mang tính công nghệ, chỉ là những sản phẩm phụ đơn giản như ống nhựa, giấy, xốp, hộp carton… Tham vọng của tôi đặt ra trong một năm tới là phải nội địa hóa được 60%, chẳng hạn liên kết để làm con chíp, bảng mạch và một số bộ phận đã thành công.
Làm công nghiệp hỗ trợ đừng chờ hỗ trợ
Câu chuyện của anh nghe có vẻ giống nhận xét rằng, DN Việt “không làm nổi con ốc vít” trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu?
À không, tôi không đồng ý với “cáo buộc” đó đâu. Chúng ta không thể và từ bỏ ngay suy nghĩ đó nếu đặt quyết tâm phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách đĩnh đạc. Vấn đề là DN Việt đa số nhỏ, không thể đầu tư khuôn mẫu cho một sản phẩm lên tiền tỉ để phục vụ các công ty lớn được, DN lớn phải đầu tư khuôn mẫu cho họ làm. Chẳng hạn, muốn làm màn hình ti vi, tôi phải đặt khuôn đẹp từ Nhật, mỗi cái trung bình khoảng 1 tỉ đồng. 10 sản phẩm, riêng về tiền khuôn đã là 10 tỉ đồng, rồi đưa về thuê làm gia công trong nước, bảo đảm nghìn cái như một. Vấn đề là có mấy nhà đầu tư chịu đầu tư một cái khuôn cho nhà gia công trị giá tiền tỉ như vậy? Nên hiểu câu chuyện “không làm được con ốc vít”của DN nội từ việc không có sự đồng hành ban đầu của các công ty lớn chứ không phải câu chuyện năng lực.
Ngoài câu chuyện khuôn mẫu, DN Việt khó tham gia vào chuỗi cung ứng là thiếu sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Chẳng hạn, sợi dây điện để cắm chiếc ti vi hay chiếc ấm điện nấu nước, trông đơn giản nhưng đòi hỏi chất lượng an toàn tuyệt đối. Bởi người dùng thường cắm dây điện quanh năm suốt tháng, nếu làm không bảo đảm sẽ xảy ra cháy nổ rất nguy hiểm. Tôi cố gắng làm việc với vài DN trong nước nhưng không thành công vì họ khó đáp ứng bằng chất lượng đó với mức giá cạnh tranh trong khi các DN ngoại khác với kinh nghiệm gia công xuất khẩu cho các hãng điện tử lớn của thế giới, làm rất dễ và giá rất tốt.
Anh có quan tâm đến chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ của quốc gia?
Ngành điện tử Việt đi sau, thật ra hơi khó để đẩy nội địa hóa lên 50 - 60% như Thái Lan hiện tại. Bởi có những thiết bị người ta đã nghiên cứu, đã có sẵn và rất tốt, kinh doanh trong một thế giới phẳng, nhắm không đầu tư nghiên cứu nổi hoặc nghiên cứu những cái thế giới đã làm và làm rất tốt, tốt nhất nên mua để dành tâm huyết cho những lĩnh vực khác. Tỷ lệ nội địa hóa của một sản phẩm điện tử Việt thật ra chỉ đạt tầm 10%, muốn tăng lên 30 - 50%, DN phải tự đầu tư, ngay cả những khuôn xốp lót sản phẩm. Thực tế, muốn đẩy mạnh nội địa hóa một sản phẩm, ngay chính DN đó phải chủ động tìm đến nhà cung ứng, bàn chuyện hỗ trợ đầu tư với họ mới quan trọng, không nên ngồi yên trông chờ nhà cung ứng đến gõ cửa chào hàng hay từ một chính sách hỗ trợ nào đó. DN muốn phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, không nên chỉ... chờ hỗ trợ.
Với những sản phẩm điện tử tiêu dùng mới, công ty có kế hoạch mở rộng đầu tư ngoài nhà máy hiện tại ở TP.HCM hay một kế hoạch mua bán sáp nhập nào không?
Tôi thuộc tuýp người muốn có miếng đất, tự tay đặt những viên gạch để xây nhà lên hơn là mua một “xác” nhà có sẵn, cho dù là nhà đẹp. Việc tìm kiếm những viên gạch ưng ý để làm nên một ngôi nhà sẽ thú vị hơn rất nhiều so với việc mua ngay cái nhà có sẵn, đúng không? Tuy nhiên, tôi không nuôi tham vọng chiến thắng nhân loại ở vị trí người đi đầu mà bắt buộc phải luôn có sản phẩm theo kịp xu hướng thời đại. Đi sau, nhưng cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả, dịch vụ hậu mãi tốt là những gì Asanzo đã làm và đã thắng.
Tôi không có chiến lược mở rộng đầu tư bằng việc mua lại các nhà máy khác mà sẽ tự tay xây. Hiện máy lạnh chỉ mới nhập và lắp ráp, đã tung ra thị trường thử nghiệm 5.000 chiếc trong 3 tháng hè vừa qua, cũng chưa quảng bá nhiều nên chưa tự tin để mở rộng đầu tư ồ ạt như sản phẩm ti vi trước đây. Con số này quá khiêm tốn so với hơn 30.000 chiếc máy lạnh LG được bán ra trong mùa hè và các nhãn hàng Toshiba, Sharp còn cao hơn nữa. Máy lạnh Asanzo chừng nào bán được 10.000 chiếc/tháng, sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất tầm 100 tỉ đồng nữa, song song mở rộng làm tủ lạnh… Kế hoạch chung là sẽ đầu tư tiếp nhà máy rộng 17.000 m2, đặt tại H.Củ Chi (TP.HCM) với tổng đầu tư khoảng 500 tỉ đồng trong tương lai gần. Cứ đi ắt sẽ đến thôi mà! (cười lớn).
Do sản phẩm bình dân nên Asanzo dễ dàng thắng nhờ vào kênh phân phối truyền thống?
Đúng! Tôi có hơn 2.000 đại lý “ruột”, 4.000 đại lý thứ cấp và hai kênh phân phối hiện đại lớn là Chợ Lớn và Điện máy Xanh. Tôi thành công và gầy dựng được thương hiệu Asanzo có được như hôm nay là nhờ vào kênh bán hàng truyền thống và hiện họ thiếu hàng gì, tôi cung cấp ngay sản phẩm đó. Tuy nhiên, thị trường đang có khoảng 20% người giàu chưa tin vào thương hiệu Asanzo, nếu có cạnh tranh, thuyết phục số này bỏ tiền ra mua sản phẩm mình, phải có công nghệ mẫu mã cao cấp. Chiến lược sắp đến của Asanzo sẽ đầu tư mạnh ở phân khúc cao cấp này. Hơn nữa, trong xu thế phát triển, số đại lý truyền thống cũng giảm sút đến phân nửa so với 5 năm trước. Tôi nghiệm ra rằng, nếu không theo kênh phân phối hiện đại, sẽ bị tụt hậu. Chiến lược 5 năm tới của Asanzo sẽ đẩy mạnh làm hàng cao cấp, lấy tiền từ 20% khách hàng còn lại này, đó cũng là đối tượng không quan tâm nhiều đến giá cả mà là chất lượng thương hiệu.
Tiền phải “đẻ” ra tiền
Nếu so với 2 năm trước, thương hiệu cá nhân của ông chủ Asanzo cũng thay đổi rất nhiều?
Tôi không làm để lấy danh tiếng. Làm phải có lợi nhuận để nuôi công ty bằng chất xám của mình. Sau đó là chia sẻ với cộng đồng, người gặp hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Việc tham gia vào những dự án xã hội như đồng hành với nạn nhân chất độc màu da cam, người nghèo, trẻ khuyết tật… mang lại cho tôi nhiều cảm xúc rất khó nói. Từ đầu năm đến nay, công ty chi khoảng 2 tỉ đồng cho những hoạt động này. Tôi muốn mình là DN kiếm tiền giỏi và làm từ thiện xã hội cũng giỏi, đặc biệt những việc làm đó phải có hiệu ứng xã hội tốt.
Quan điểm của anh về đồng tiền thế nào?
Tôi là người biết sử dụng đồng tiền và biết điều khiển nó để “đẻ” ra tiền nhiều hơn. Tiền, trước hết nó khiến mình và những người xung quanh mình hạnh phúc hơn. Tôi cũng sẵn sàng chi tiền để đầu tư công nghệ hiện đại hơn, hậu mãi cho khách hàng, làm công tác xã hội, thậm chí quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết rõ hơn nhưng không sẵn sàng chi cho việc xây biệt thự nhà đẹp hay chi dùng quá nhiều mua sắm cho bản thân, gia đình. Biết đủ là đủ, đó cũng là cách tôi giáo dục con cái.
Anh có thần tượng không? Là ai vậy?
Tôi thích những người quyết liệt, nói là làm và làm cho bằng được, nhưng không thích thần tượng. Những vĩ nhân, có chăng, cũng chỉ là nhân tố tạo động lực giúp mình phát triển thôi. Tôi không muốn theo đường lối của ai cả, phải có lối đi riêng của mình, lối đi tự tạo ngay dưới chân mình, làm giống người ta không tồn tại được lâu đâu.
Những thương hiệu điện tử lớn thế giới đều thành công từ mô hình công ty gia đình. Anh có nghĩ sẽ viết câu chuyện về một Asanzo của VN như câu chuyện của Samsung, Hyundai…?
(Cười lớn) Tôi có đọc những câu chuyện của các công ty gia đình và hiện đang điều hành công ty theo kiểu gia đình. Tuy nhiên, câu chuyện của thế kỷ 21 khác rất nhiều so với thế kỷ trước. Phạm Văn Tam hôm nay có thể “bứt phá ngoạn mục” để thành công với Asanzo nhưng con cái tôi chưa chắc. Tôi hiểu sự đào thải của thị trường thế kỷ này cao gấp ngàn lần. Nên cho con tri thức, điều mà thế hệ của mình chưa đạt được, từ đó, con cái sẽ tự quyết định tương lai của chúng. Nhân đây, tôi muốn nói, nhiều bạn trẻ lập nghiệp có nền tảng gia đình tốt, thường không chịu học hỏi, không có kiến thức cốt lõi ngành nghề mình theo đuổi, lại không biết thế mạnh của mình, gia đình thiếu định hướng, nên đa số khó thành công là vậy.
Tôi không làm để lấy danh tiếng. Làm phải có lợi nhuận để nuôi công ty bằng chất xám của mình. Sau đó là chia sẻ với cộng đồng, người gặp hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ |
Tôi tự hào mình đã suy nghĩ và hướng đến những điều tử tế khi thẳng thắn nói rằng tôi đang làm chiếc ti vi này, cái máy lạnh này là hàng Việt bằng công nghệ Nhật |
Vài nét về anh Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Asanzo Việt Nam |
Rất cám ơn anh về cuộc trò chuyện này !
Tác giả bài viết: Nguyên Nga