Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng, vì cho rằng Ban đền bù GPMB gây thất thoát hàng chục tỷ đồng?

Liên quan tới dự án xây dựng hồ điều hòa tại xã Hưng Lộc (TP Vinh, Nghệ An) hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Quá trình giải quyết liên quan tới đền bù giải phóng mặt bằng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân. Họ cho rằng, việc đền bù là chưa thỏa đáng và đền bù sai gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Vừa khởi sắc đã vụt tắt !

Thực hiện đề án chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu vực sình lầy, chua phèn, quy hoạch thành vùng nuôi trồng thủy hải sản nhằm phát triển kinh tế cho nhân dân, vào năm 2008, UBND xã Hưng Lộc đã ký hợp đồng giao khoán đất cho nhiều hộ dân trong xã. Được sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện tới xã, nhờ sự cần cù chịu khó, sự nỗ lực của người dân, trong một thời gian ngắn, khu đất rộng hàng trăm héc ta lâu nay cơ bản là bỏ hoang hóa, như vùng “đất chết” bỗng nhiên bùng “sức sống mới”.

Mạnh dạn thực hiện đề án nuôi trồng thủy hải sản cá rô phi đơn tính theo định hướng của chính quyền địa phương, nhiều gia đình đã vay mượn, thậm chí bán đất ở để có tiền đầu tư đào ao, làm hồ nuôi cá tại khu vực được ủy ban xã giao khoán. Với mỗi hộ giao khoán trên dưới gần 1 héc ta, UBND xã trực tiếp làm hợp đồng, thời gian giao khoán là 20 năm. Quá trình đề án bắt đầu đi vào thực tế, phía UBND cũng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm để người dân có thêm “động lực” để phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời “vực dậy” vùng đất hàng trăm héc ta không rơi vào cảnh phí phạm, hoang hóa.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ sức dân, hàng trăm héc ta đất nghèo, phèn chua trở thành những trang trại, ao nuôi trồng thủy sản hết sức bài bản. Nhìn những vựa ao lớn, không chỉ chính quyền địa phương, mà ngay cả những hộ nhận giao khoán cũng như thấy “mở cờ trong bụng” vì nghĩ tới một ngày mai với hiệu quả kinh tế do những hồ nuôi thủy sản này mang lại. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, trong những năm đầu tiên đi vào sản xuất, người dân đã vấp phải nhiều rủi ro hết sức lớn. Việc cải tạo hồ, cũng như nước hồ chưa phù hợp khiến việc nuôi cá không mang lại hiệu quả, cá chết trắng ao, nhiều gia đình khóc ròng trước nguy cơ nợ lại chồng thêm nợ.

 

Nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ "mất cần câu cơm" lại dính vào vòng kiện cáo liên quan tới đền bù GPMB dự án Hồ điều hòa (Ảnh:HP)


Đau đáu với nỗi lo của nhân dân, chính quyền các cấp địa phương lại tiếp tục “xắn tay áo” cùng nhân dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Nhờ tiếp cận các phương pháp kỹ thuật, xử lý tốt ao hồ trước khi nuôi trồng, học hỏi tốt kỹ thuật nuôi trồng thủy sản nên những thiệt hại dần được khắc phục. Tuy nhiên, để “vùng đất chết” ấy hồi sinh như bây giờ thì người dân đã phải “còng lưng”, kiên nhẫn cải tạo mất mấy năm trời đằng đẵng. Và khi việc chăn nuôi bắt đầu đi vào chuyên nghiệp, bắt đầu có chút hưởng lợi từ sản xuất với giá trị ước đạt từ 200 đến 300 triệu đồng/năm/hộ thì cũng là lúc họ nhận được quyết định thu hồi đất để làm dự án hồ điều hòa.

Tin thu hồi đất về tận làng, nhiều hộ gia đình nháo nhác, lo lắng vì sắp phải đối diện với nguy cơ không có việc để làm, hết “cần câu cơm” để kiếm tiền cho gia đình mình. Dù xót xa khi mới hưởng lợi từ những “đứa con” phải sát sao, cực nhọc kia chưa được bao lâu, nay phải bỏ để nhường lại cho dự án của địa phương, người dân vẫn đồng lòng, nhất trí để dự án được thực thi. Vì hơn ai hết, họ hiểu rằng chính dự án này sẽ mang lại cái đẹp cho cả quê hương vốn dĩ được xem là vùng ven thành phố, nghèo nàn này.

Phản đối vì đền bù chưa thỏa đáng?

Đứng trước nguy cơ mất đất sản xuất, mất nguồn thu nhập chính, nhiều gia đình chạy đôn chạy đáo chuyển đổi ngành nghề nhưng xem chừng thật sự rất khó khăn với họ. Đã vậy, trong quá trình chủ đầu tư là UBND TP Vinh thực hiện việc đền bù GPMB có nhiều điều chưa rõ ràng, thỏa đáng nên người dân lại phải ngược xuôi kiến nghị các cơ quan chức năng sở tại.

“Chúng tôi vẫn còn đó bao khoản tiền vay ngân hàng đầu tư vào ao nuôi trồng nhận khoán từ địa phương. Việc đền bù tài sản trên đất như tính toán của đơn vị đền bù rõ ràng là chưa hợp tình, hợp lý. Từ một vùng đất phèn chua, bỏ hoang, chúng tôi là những người mạnh dạn dám bán cả đất, vay mượn đầu tư hàng trăm triệu vào đó để tìm ra khởi sắc mới cho vùng đất ấy cũng như đề án phát triển kinh tế chung của địa phương. Nay vừa mới nhận được chút hiệu quả từ đề án thì bỗng nhiên bị thu hồi. Tới thời điểm này chúng tôi mới chỉ nhận giao khoán được 7 năm trong thời hạn giao khoán là 20 năm. Việc đền bù như vậy là chưa thể được, chúng tôi không tham, nhưng chỉ mong các cơ quan chức năng nhìn nhận bao quát sự việc này. Tiền đầu tư vào hàng trăm triệu, giờ vừa mất đất sản xuất, lại đền bù chưa phù hợp như vậy thì tiền đâu chúng tôi trả nợ đã vay để đầu tư, tiền đâu để chúng tôi có cái ăn, để nuôi con cái.” – nhiều hộ dân phản ánh với PV.

Người dân cho rằng, việc cơ quan chức năng chỉ đền bù tài sản trên đất và công đào đắp là sai, chưa đúng với chủ trương chung. Cũng chính vì chưa chấp nhận phương án đền bù từ phía Ban đền bù GPMB TP Vinh nên nhiều hộ vẫn chưa chấp nhận giao đất, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị liên quan thực hiện dự án.

Trao đổi với PV về những thắc mắc của người dân, Phó trưởng ban đền bù GPMB TP Vinh, ông Nguyễn Tất Hoài Nam cho rằng: “Chúng tôi cũng đã xem xét hết sức kỹ lưỡng về quy định của Nhà nước, thậm chí còn tận dụng, xin chủ trương đền bù làm sao đó để tạo lợi ích cao nhất cho người dân. Cũng đã nhiều lần họp, giải quyết thắc mắc, và tuyên truyền để người dân lắng nghe, thấu hiểu nhưng họ vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án. Chúng tôi vẫn đang kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, tài liệu để xác minh nguồn gốc đất. Nếu là đất giao khoán, nguồn gốc không phải của các hộ gia đình thì làm sao có thể xé rào mà đền bù tiền đất được…”.

 

"Việc đền bù chúng tôi đã làm đúng, một số chỗ vẫn còn khiếu kiện nên đang tiếp tục xem xét lại, người dân khiếu kiện, ông Uy tố cáo là không chính xác..." - ông Nguyễn Tất Hoài Nam nói. (Ảnh:HP)


Liên quan tới việc này, người dân đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng từ địa phương tới trung ương. Họ cho rằng nếu cơ quan chức năng vẫn không làm rõ, không thực hiện công khai, minh bạch thì họ sẽ không chịu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Trước sức ép của các hộ dân, UBND tỉnh Nghệ An, UBND TP Vinh cũng đã tổ chức đối thoại, tuy nhiên tới nay thì vẫn chưa thể tìm ra tiếng nói chung với người dân.

Không chỉ phản đối việc đền bù giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, người dân còn phản đối mạnh mẽ việc phía Ban đền bù GPMB TP Vinh thực hiện đền bù, chi trả tiền có dấu hiệu chưa đúng với thực tế nguồn gốc đất lâu nay tại địa phương. Họ cho rằng, nhiều gia đình nhận tiền đền bù đất nhưng thực chất không phải đất của họ đáng được đền bù, có dấu hiệu làm khống hồ sơ giấy tờ để trục lợi bất chính tiền dự án. Liên quan tới nội dung tố cáo này, ông chủ nhiệm hợp tác xã cũ của xã Hưng Lộc là Nguyễn Quang Uy (SN 1949, xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc)  cho rằng các đơn vị liên quan thực hiện chi trả đền bù sai với thực tế, gây thất thoát tiền của nhà nước lên tới khoảng trên 20 tỷ đồng nên đã làm đơn gửi cơ quan chức năng và CA tỉnh Nghệ An để được xem xét làm rõ.

Qua xác minh của PV từ nhiều nguồn thông tin, đặc biệt là các văn bản liên quan tới việc thực hiện đề án đối với khu nuôi trồng thủy hải sản giao khoán cho nhân dân phát triển kinh tế nằm trong sự việc này thì việc người dân đòi đền bù đất gắn liền với tài sản trên đất không phải là không có cơ sở. Còn việc tố cáo của chủ nhiệm hợp tác xã cũ, nguyên là phó chủ tịch xã Hưng Lộc về việc Ban đền bù GPMB đền bù sai gây thất thoát hàng chục tỷ đồng đúng sai thế nào, kính mời bạn đọc theo dõi trong bài tiếp theo.

Tác giả bài viết: Hoàng Phạm