Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chủ tịch Lào Cai lên tiếng về tin chủ mỏ vàng là em lãnh đạo tỉnh

Chủ tịch tỉnh Lào Cai mới đây đã lên tiếng trước thông tin chủ mỏ vàng bị sập tại Mà Sa Phìn, huyện Văn Bàn, Lào Cai là em của một lãnh đạo tỉnh.
Luật ngầm ở bãi vàng Mà Sa Phìn
Vùi xác giữa bãi vàng Mà Sa Phìn
► Lào Cai công bố 7 người chết vụ sập hầm vàng
Lào Cai: 150 triệu đồng… 'bịt mồm' người thân nạn nhân sập mỏ vàng?
Đáng sợ hiện trường vụ sập hầm vàng khiến ít nhất 9 người chết
Lào Cai: Phát hiện nhiều thi thể sau vụ sạt lở ở mỏ khai thác vàng  

Theo báo cáo số 239/BC - UBND về thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra của UBND tỉnh Lào Cai, có 11 người chết và mất tích cùng 7 người bị thương vì mưa lũ, sạt lở đất núi tại khu vực mỏ vàng Mà Sa Phìn ngày 20/8/2016.

Ngày 29/8, ông Đỗ Văn Duy - Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, Lào Cai cũng xác nhận với phóng viên báo Lao động qua điện thoại: "Tôi xin xác nhận với Quý báo rằng, sau khi tích cực xác minh, cho đến cuối giờ chiều 28/8, chúng tôi đã ghi nhận có 9 người chết , 2 người mất tích và 7 người bị thương trong vụ sạt lở tại mỏ vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn.

Tất cả nạn nhân đều đã rõ danh tính và nguyên nhân gặp nạn, đều là người của công ty cổ phần vàng Nhẫn".

Trước đó đã từng có ý kiến cho rằng, chính quyền giấu thông tin người chết khi ban đầu chỉ báo cáo tỉnh cũng như thông tin có 2 người chết, ông Duy khẳng định: ''Chúng tôi không giấu mà đó là thông tin ban đầu và phải tiếp tục xác minh, cử người về các địa phương kiểm tra đối chứng thì mới dám công bố".
 

Vô vọng tìm người thân trên đỉnh Mà Sa Phìn. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Ngày 26/8, báo chí đưa tin, trao đổi bên lề cuộc họp đánh giá công tác kiểm tra thực địa vụ sạt lở tại mỏ vàng Mà Sa Phìn khiến nhiều người chết, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai – ông Đặng Xuân Phong đã trả lời thông tin chủ nhân bãi vàng là em của một lãnh đạo tỉnh Lào Cai, vì vậy mà thông tin về số người chết tại bãi vàng bị chậm trễ.

Ông Phong cho hay: "Chúng tôi cũng có nghe thông tin này nhưng chưa xác minh được. Chúng tôi sẽ cho làm rõ".

Về vấn đề có hay không vàng tặc trên địa bàn Mà Sa Phìn, ông Phong khẳng định cũng có nghe thông tin. Tuy nhiên, để có báo cáo cụ thể, chính quyền sẽ yêu cầu công ty Nhẫn báo cáo lại, yêu cầu Sở Lao động tỉnh sẽ có báo cáo về thông tin lao động chui không có hợp đồng lao động.

Ông Phong cũng cho hay đến giờ chưa phát hiện nhưng sẽ cho kiểm tra về thông tin công ty Nhẫn bán cổ phần khai thác cho người ngoài vào khai thác và công ty đứng giữa ăn chênh lệch.

Chưa hết, như Báo điện tử Trí thức trẻ đã thông tin, ngày 24/8, 4 ngày sau khi xảy ra vụ lở đất kinh hoàng, lũ cuốn các lán trại khu vực khai thác vàng ở thôn Mà Sa Phìn, Văn Bàn, tỉnh Lào Cai khiến nhiều người chết có thông tin cho rằng, một nhóm người đưa các công nhân này đi lao động tại Công ty cổ phần Nhẫn (Lào Cai) đã đến xã Cam Cọn gửi lời động viên, chia sẻ các gia đình và đưa cho gia đình mỗi nạn nhân 150 triệu đồng để không đưa ra pháp luật.

Ông Vũ Đức Nghĩa – Chủ tịch UBND xã Cam Cọn khi trao đổi với phóng viên Trí thức trẻ xác nhận việc có người đưa đến cho gia đình các nạn nhân bị tử vong trong trận mưa lũ ngày 19/8, ở xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn mỗi gia đình 150 triệu đồng.

Ông Nghĩa thông tin rằng, những người về địa phương để đưa tiền hỗ trợ không phải là người của công ty vàng mà là người đã đến thuê các lao động này đi làm việc.

"Khi những người này mang tiền đến để hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân, họ cũng đã xuống làm việc với UBND xã Cam Cọn nên không thể có việc dùng tiền bịt miệng dân.

Việc người ta khắc phục như vậy cũng phải ghi nhận trách nhiệm của họ bởi vì vụ việc này là điều không ai mong muốn", ông Nghĩa nói.

Trước đó như đã thông tin, rạng sáng ngày 20/8, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tại mỏ vàng Mà Sa Phìn thuộc xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai bị sạt lở nghiêm trọng, vùi lấp nhiều lán trại của công nhân. Ngoài ra, các địa bàn trọng điểm Sa Pa, Bát Xát cũng chịu ảnh hưởng do mưa lũ, sạt lở.

Tuy nhiên, trong báo cáo thiệt hại về người của tỉnh Lào Cai chỉ có 2 người chết, 4 người bị thương. Trong khi người dân địa phương phản ánh với báo chí về con số người chết lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là tại mỏ vàng Mà Sa Phìn.

Sau khi báo chí thâm nhập hiện trường, ghi nhận phản ánh của người dân thì đến ngày 23/8, chính quyền địa phương đã thông báo lại con số tử vong là 7 người, đó là những người mà cơ quan chức năng đã xác định được danh tính.

Danh sách người bị nạn tại xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn do Lào Cai công bố:

Người chết

1. Hoàng Văn Từ (SN 1976; quê Lâu Thượng, Võ Nhai, Thái Nguyên; làm việc tại Công ty CP Nhẫn)

2. Phạm Văn Tự (SN 1977; quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa; làm việc tại Công ty CP Nhẫn)

3. Bàn Văn Nhung (SN 1966; quê Bảo Yên, Lào Cai; lao động (LĐ) tự do)

4. Bàn Văn Lợi (SN 1999; quê Bảo Yên, Lào Cai; LĐ tự do)

5. Bàn Văn Ngân (SN 1999; quê Bảo Yên, Lào Cai; LĐ tự do)

6. Triệu Văn Bách (SN 1982; quê Bảo Yên, Lào Cai; LĐ tự do)

7. Trương Văn Nhất (SN 1996; quê Bảo Yên, Lào Cai; LĐ tự do)

8. Chu Đình Ngao (SN 1965; quê Ngân Sơn, Bắc Cạn; LĐ tự do)

9. Hà Văn Thực (SN 1992; quê Bảo Thắng, Lào Cai; LĐ tự do)

Người mất tích

1. Lục Thị Chiến (SN 1965; quê Ngân Sơn, Bắc Cạn; LĐ tự do)

2. Phạm Văn Huynh (SN 1983; quê Thường Tín, Hà Nội; LĐ tự do)

Người bị thương

1. Phạm Văn Dương (quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa; làm việc tại Công ty CP Nhẫn)

2. Phạm Văn Thực (quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa; làm việc tại Công ty CP Nhẫn)

3. Phạm Văn Hà (quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa; làm việc tại Công ty CP Nhẫn)

4. Bùi Văn Hà (quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa; làm việc tại Công ty CP Nhẫn)

5. Bàn Văn Chí (SN 1989; quê Bảo Yên, Lào Cai; LĐ tự do)

6. Trương Văn Sơn (SN 1993; quê Bảo Yên, Lào Cai; LĐ tự do)

7. Lý Văn Mão (quê Bảo Yên, Lào Cai; LĐ tự do)

Tác giả bài viết: Minh Tú (tổng hợp)