Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Có cả học sinh “ngồi nhầm lớp” ở trường THCS?

Liên quan đến vụ phụ huynh xin cho con ở lại lớp xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng, những ngày qua, phóng viên tiếp tục nhận được phản ánh tại Trường THCS thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cũng có tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Phụ huynh xin cho con ở lại lớp: Sở Giáo dục sẽ khảo sát tình trạng “ngồi nhầm lớp”
Phụ huynh "nằng nặc" xin trường cho con ở lại lớp 1 vì chưa biết đọc, biết viết

Ghi nhận của PV, về thực trạng xin cho con ở lại lớp, nhiều năm qua, học sinh (HS) đã học hết Tiểu học ở các trường trên địa bàn thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề) được lên lớp 6 nhưng nhiều em chưa đọc, viết trôi chảy khiến cho công việc của giáo viên (GV) càng nặng nề hơn, khi vừa dạy kiến thức lớp 6 vừa “bổ túc” kiến thức ở cấp… Tiểu học.

Để làm rõ thông tin, PV đã tìm gặp một số HS đang học lớp 6 tại Trường THCS thị trấn Lịch Hội Thượng năm học 2016-2017. Một số em cũng như phụ huynh xác nhận, các em chưa thể đọc, viết được như HS lớp 6 bình thường khác. Em T. (hiện đang học lớp 6) thừa nhận, bản thân em chưa đọc được một cách trôi chảy.

 

Em T. lên lớp 6 nhưng đọc chữ không được trôi chảy.


Để kiểm chứng, PV mở cuốn sổ tay, chỉ cho các em dòng chữ “Doanh nghiệp số 1 Việt Nam” và “Do chương trình phát triển Liên Hợp Quốc xếp hạng” nhờ các em đọc.

Nhìn vào cuốn sổ tay, em T. chỉ đọc được mấy chữ “Số 1 Việt Nam”, còn chữ “Doanh nghiệp” thì em không đọc được liền mà đánh vần từng chữ cái rồi ngừng lại thú nhận: “Con không đọc được”. Dòng chữ “Do chương trình phát triển Liên Hợp Quốc xếp hạng” thì T. chỉ đọc được chữ “Do”, còn các chữ khác em không ghép được.

Ông N. (cha của em T.) cho biết: “Con được lên lớp 6 nhưng gia đình rất lo vì cháu đọc chưa thành thạo như nhiều học sinh khác. Chúng tôi nghe nói học sinh học chung với cháu rất nhiều cháu cũng tình trạng như cháu. Bây giờ nhà trường cho lên lớp thì biết vậy mà không dám cho cháu ở lại vì sợ cháu buồn chán. Chúng tôi chỉ mong thầy cô ở cấp 2 giúp cho các cháu học tiến bộ hơn”.

PV hỏi em T. về việc học của năm trước, em kể: “Năm ngoái, con học lớp 5G ở điểm trường lẻ thuộc ấp Giồng Giữa. Năm đó lớp tụi con có 2 thầy dạy nhưng thầy ít kêu tụi con đọc bài lắm. Còn bữa nào thầy kêu đọc bài mà không đọc được là thầy dùng tay đánh vào đầu nên tụi con sợ”.

Ông N. xác nhận: “Năm ngoái nghe các cháu nói bị thầy đánh, tôi rất buồn, lên gặp thầy và có góp ý với thầy. Các cháu vốn học yếu, gọi lên đọc bài không được mà bị đánh thì sợ nên học càng yếu hơn”.

Cũng với mấy dòng chữ mà PV đưa cho em T. đọc, PV đưa cho một em HS khác tên M. thì em này cũng đọc không khá hơn so với em T. bao nhiêu.

 

Em M. lên lớp 6 vẫn chưa đọc rành chữ.


Đến Trường THCS thị trấn Lịch Hội Thượng, một cán bộ quản lý (xin không nêu tên) xác nhận: “Nhiều năm qua, cứ vào đầu năm học, chúng tôi đều tổ chức khảo sát chất lượng của học sinh lớp 6. Kết quả, có khoảng từ 30-40% học sinh có học lực yếu trở xuống, trong đó có nhiều em kém. Với những học sinh này, chúng tôi vẫn cho các em học lớp 6 nhưng phân loại cụ thể. Những em nào yếu thì chúng tôi phân công giáo viên trường mình bồi dưỡng cho các em để các em nắm kiến thức cơ bản tốt hơn. Còn những học sinh kém, chúng tôi phối hợp với trường tiểu học mà các em học trước đó để cùng nhau bồi dưỡng cho các em. Hết học kỳ 1, khảo sát lại thì còn khoảng 20% yếu, tiếp tục bồi dưỡng cho đến học kỳ 2 thì các em có tiến bộ hơn, chỉ còn khoảng 5% yếu. Số này chúng tôi tiếp tục bồi dưỡng trong hè để các em đạt loại trung bình. Vì tình trạng này mà giáo viên ở trường chúng tôi vất vả lắm, vừa dạy kiến thức cấp THCS, vừa bồi dưỡng lại kiến thức cấp tiểu học cho các em”.

Được biết, bình quân mỗi năm Trường THCS thị trấn Lịch Hội Thượng đón khoảng từ 240-260 HS vào lớp 6. Nếu như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 100 HS “ngồi nhầm lớp”.

Tác giả bài viết: Bạch Dương