Cuộc sống của nàng dâu nửa đêm được mẹ chồng xách làn đưa đi đẻ
- 07:38 31-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chị Hải sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo miền Bắc. Từ nhỏ, chị sớm xa gia đình lên thành phố học. Ra trường chẳng bao lâu chị lấy chồng rồi ở lại Hà Nội. Chồng chị cũng cùng quê, bố mẹ anh đều là những người lao động chất phác.
Lúc mới cưới, vì chỉ làm dâu được vài ngày, vợ chồng chị đã sớm xuống Hà Nội để làm việc nên chị chưa hiểu được mẹ chồng là bao. Ngày đó ấn tượng ban đầu của một cô gái trẻ mới về nhà chồng là mẹ chồng khó tính, hay quát mắng mọi người.
Chị kể: “Mới đầu mình rất sợ mẹ chồng. Ngay đến cả gọi điện về quê thăm hỏi gia đình, giỗ chạp, lễ Tết các thứ mình cũng luôn ngại mỗi khi gọi cho bà. Mỗi khi bà nhắc nhở điều gì đó, mình lại sợ làm phật ý bà. Phần nữa sợ bà mắng mỏ như những người khác”.
Nhưng rồi mọi suy nghĩ về mẹ chồng khó tính dần tan biến, thay vào đó chị dần cảm nhận được tình yêu của bà lớn lao như trời bể. Chị thấm thía rằng chỉ khi sống với nhau bằng sự chân thành, thấu hiểu chị mới rõ được tình yêu thương, cũng như sự lo lắng của mẹ chồng dành cho mình.
Chị Hải chia sẻ: “Đợt mình mang bầu mẹ chồng thường xuyên gọi điện hỏi han, rồi dặn dò đủ các kiểu. Không những thế để đảm bảo sức khỏe cho mẹ con mình, bà thường xuyên gửi đồ sạch trong quê ra. Nhiều khi nhớ nhà, muốn về quê chơi cho khuây khỏa, nhưng mẹ chồng nhất định không cho về. Bà dặn ở lại dưỡng thai vì đi đường xa mệt, có gì bà sẽ ra chơi”.
Chị Hải rất hạnh phúc khi có người mẹ chồng thấu hiểu (Ảnh minh họa).
Tình cảm mẹ chồng nàng dâu càng trở nên gắn bó hơn khi chị về quê sinh con. Tháng đó, chồng chị đang ở nước ngoài, nên để chị về quê một mình.
Do trên đường xe hỏng, điện thoại hết pin mẹ chồng gọi mãi không được nên ngủ không yên giấc. Sợ con dâu có mệnh hệ gì, bà bắt xe ôm ra đứng đợi ở bến xe tới hơn 1h sáng. Cũng may, khi bà đang định quay xe đi về thì thấy chiếc xe khách có chị chạy vào bến. Bà lo lắng ngó lên, ngó xuống khi thấy con dâu bà chạy lại ôm chầm lấy chị. Vừa nói vừa khóc, khi đó chị hiểu bà đang lo lắng biết bao nhiêu.
Rồi chị hạ sinh con trai đầu lòng. Lẽ ra ngày vượt cạn có chồng, có mẹ đẻ ở bên động viên nhưng ai cũng bận việc này việc kia. Chỉ có chị và mẹ chồng xách làn cùng nhau tới bệnh viện. Khi đó, chị mới thấm thía bà thương chị biết nhường nào. Nhìn ánh mắt lo lắng của bà khi chị vào phòng mổ chị bật khóc nức nở.
Những ngày chị ở cữ, dù công việc đồng áng bộn bề, nhưng từ ngày con dâu về sống cùng bà chưa một lần mắng mỏ chị. Bà thường xuyên dặn con dâu: “Con cố gắng ở cữ, kiêng nước lạnh không sau này tay chân yếu. Mẹ ngày xưa không ai làm cho chứ bây giờ có mẹ rồi, con cứ yên tâm nghỉ dưỡng chăm con. Thức chăm con đã mệt rồi còn làm gì nữa. Sau khỏe hẵng giúp mẹ”.
Nhiều bà con xóm làng tới chơi, thấy chị ngồi bế con, còn mẹ chồng nấu cơm rửa bát không ít người khích bác: “Con dâu gì mà để mẹ chồng bận rộn thế kia. Chết dở, dâu thành phố thế này thì sao mà được bà ơi”. Nói rồi họ quay sang vỗ vai mẹ chồng chị. Dù thế, bà vẫn bình tĩnh “Nó mới sinh được mấy tháng phải kiêng cữ, có làm tôi cũng không cho làm. Không mai này hậu sản khổ”.
Dù mẹ chồng đảm đang hết việc nhà, nhưng thương mẹ đêm hôm lọ mọ pha sữa cho con dâu, cho cháu chị bỗng thấy tủi. Càng nghĩ càng thương bà nhiều. Có hôm, 7h sáng chị đang ngủ, mẹ chồng vào lay chị dậy hỏi "Mẹ mua con gà làm thịt rồi, giờ con thích ăn luộc hay nấu cháo để mẹ làm". Chị chưa kịp nói gì bà cười "mẹ biết mày thích ăn luộc rồi, để mẹ xuống làm, ăn cho có sữa".
Có hôm mẹ chồng đi chợ, chị tranh thủ dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, cho gà lợn ăn dù không thành thạo nhưng chị vẫn làm rất tốt. Khi về thấy chị lọ mọ mẹ chồng lại trách “Mẹ bảo để đấy cơ mà con ơi. Nhanh lên nghỉ ngơi lúc nào khỏe hẳn thì làm”. Chị nghe thế lại rớt nước mắt, chị thương mẹ chồng biết bao nhiêu.
Tới nay con chị đã hơn 4 tuổi, chị trở lại thành phố làm việc, nhưng lòng vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ chồng (Ảnh minh họa).
Những ngày qua khi chồng vẫn ở Hà Nội lo công việc thì mẹ chồng là người ở bên động viên chị nhiều nhất. Mẹ đẻ chị cũng thương con, nhưng chỉ tới thăm được vài ba hôm lại về lo việc đồng áng, vì thế phần lớn sự mệt nhọc đều đổ hết lên vai mẹ chồng.
Chị vẫn nhớ lắm, có những đêm con chị khóc, mẹ chồng đứng ngồi không yên chạy vào bế cháu. Thế là 2 mẹ con thay nhau thức. Cũng may qua 3 tháng bé trộm vía ngoan hẳn, để bà và mẹ được ngủ. Những khi đó, chị mới thấu mẹ chồng chị hiền lành, thương con cháu biết nhường nào.
Đôi lần bà mở lòng tâm sự với chị chuyện xưa kia bà cưới, lấy chồng, sống với mẹ chồng ra sao. Chị đôi lần không cầm được nước mắt. Chị nhớ rõ câu nói: "Mẹ không được may mắn vì bà nội con qua đời sớm. Chưa được báo hiếu bà đã mất rồi. Thương cha con nhiều lắm". Nói rồi bà nhìn chị trìu mến. Khi đó, chị nước mắt cứ rưng rưng.
Tới nay con chị đã hơn 4 tuổi, chị trở lại thành phố làm việc, nhưng lòng vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ chồng. Còn bà hẳn nhớ cháu nhiều lắm khi tuần nào cũng gọi điện hỏi thăm.
Chị biết bà thương cháu nên cứ mỗi tháng lại về quê một lần. Chị chỉ mong sao thời gian trôi nhanh, anh chị kiếm được nhiều tiền mua căn nhà rộng rãi đón bà ra sum vầy. Có làm được như thế chị mới yên tâm, phần nào báo đáp được sự tin yêu của mẹ chồng.
Tác giả bài viết: Thanh Bình