Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cơn ác mộng bị quấy rối tình dục của phụ nữ Ấn Độ

Sau một ngày dài mệt mỏi, Neha Khandelwal đang ngủ thiếp trên xe buýt từ công sở về nhà thì giật mình vì cảm giác có người đang sờ soạng trên ngực.

79% phụ nữ Ấn Độ từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng. Ảnh minh họa: Hindu Times


Người đang đờ đẫn vì buồn ngủ, phải mất một phút, cô gái 26 tuổi mới ý thức được chuyện gì đang xảy ra. Người đàn ông ngồi bên cạnh đang sờ ngực cô, theo Guardian.

"Tôi cảm thấy mình thật vô năng, ai cũng có thể tùy ý sờ soạng mà không cần để ý đến tôi", Neha nói.

Đa phần phụ nữ Ấn Độ đều từng bị quấy rối tình dục trên đường phố hay tại những nơi công cộng. Theo ActionAid, một tổ chức phi chính phủ Ấn Độ, 79% phụ nữ nước này từng bị quấy rối tình dục hoặc bị bạo hành nơi công cộng.

Một tổ chức tình nguyện có tên Blank Noise từ năm 2004 đã bắt đầu các chiến dịch chống lại nạn quấy rối nơi công cộng ở Ấn Độ. Hồi tháng 6, tổ chức này phát động chiến dịch WalkAlone - Đi bộ Một mình, khuyến khích phụ nữ đòi lại quyền được đi bộ một mình ở nơi công cộng một cách an toàn.

Chiến dịch kêu gọi phụ nữ Ấn Độ đi bộ vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, trong vòng ba tuần, vừa đi vừa ngâm nga hát, vung tay vung chân thoải mái, cho tới khi không còn cảm giác sợ hãi.

Tháng trước, Blank Noise phát động một chiến dịch kéo dài một tuần, yêu cầu những phụ nữ từng bị quấy rối gửi bộ quần áo họ mặc lúc đó để trưng bày nơi công cộng.

"Trong một xã hội mà ở đâu cũng tràn ngập cảnh báo chớ có đi chỗ này chỗ kia, người ta dễ dàng nảy sinh quan niệm đổ lỗi cho nạn nhân. Bản thân người bị hại cũng im lặng và xấu hổ. Điều này khiến việc kỳ thị giới tính và xâm hại tình dục kéo dài thành vòng luẩn quẩn", Jasmeen Patheja, người sáng lập Blank Noise cho biết. "Chúng tôi muốn thay đổi điều đó".

Blank Noise thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận về chủ đề quấy rối tình dục trên đường phố Ấn Độ, nâng cao nhận thức của người dân, công khai các hành vi phạm tội, và dạy phụ nữ các kỹ năng tạo không gian an toàn.

Khandelwal đang sống ở Bangalore, thủ phủ tỉnh Karnataka, tây nam Ấn Độ. Sau khi học xong một khóa ở Blank Noise, cô đã dám đi bộ một mình dọc phố Yelahanka vào 22h30, thời điểm được cảnh báo là không an toàn cho phụ nữ.

Hiểu rõ những rủi ro mình sẽ gặp phải, cô luôn mang theo chiếc chìa khóa nhà lớn bằng kim lại như vũ khí.

"Tôi biết mình đang phải đối mặt với nguy cơ nào, nhưng tôi vẫn làm thế vì nó rất quan trọng. Được tự do đi lại cực kỳ quan trọng", cô nói.

"Sống yên bình là quyền cơ bản của con người", Patheja nói. "Khi những câu chuyện gây sợ hãi lan ra cộng đồng, ý thức về sự nguy hiểm gia tăng. Blank Noise chống lại sợ hãi bằng cách bước chân vào nó, nghi vấn nó và đối đầu với nó. Nếu đi bộ một mình là nguy hiểm, chúng ta nên cam chịu, hay là nên tìm cách can thiệp và thay đổi hoàn cảnh?"

Trên website của Blank Noise, những người phụ nữ tham dự chiến dịch Đi bộ Một mình cho biết, họ đã cảm thấy tự tin hơn. Chaitra Rao tâm sự, cô đã thử đi bộ trong làng Koppa, bang Karnataka và cảm thấy mình được "giải phóng".

Một cô gái khác là Atreyee Majumder, leo khắp ngọn đồi Kohima ở bang Nagaland và cảm thấy "thật là tự do thoải mái".

Không chỉ giải quyết nỗi sợ tâm lý, chiến dịch này còn giúp phụ nữ xuất hiện tại những con đường vốn chỉ có bóng dáng đàn ông.

Satya Gummuluri, một tình nguyện viên lâu năm của Blank Noise cho biết, mỗi lần đi đường mà cảm thấy lo lắng, "tôi đều trò chuyện với bản thân, nói rằng mình đang tạo ra một hình ảnh trong tâm trí người khác rằng, thật bình thường khi một phụ nữ đi ra ngoài cho dù trời đã khuya".

Mặc dù cho tới nay, số người tình nguyện tham gia chiến dịch còn chưa nhiều, nhưng các nhà tổ chức hy vọng nó sẽ làm nên những thay đổi quan trọng về quyền phụ nữ ở Ấn Độ.

Khandelwal nói rằng, lúc mới bắt đầu đi bộ, cô vô cùng cảnh giác với xung quanh, cho đến khi nhìn thấy một người mẹ dắt hai đứa con và con chó đi dạo.

"Hình ảnh bà mẹ và lũ trẻ lập tức khiến tôi an tâm", Kandelwal nói. "Tôi tin rằng chiến dịch là giải pháp đúng đắn. Để đường phố an toàn hơn, sự hiện diện của phụ nữ ở nơi công cộng phải được coi là bình thường, chứ không phải là điều đặc biệt".

Patheja cho biết, những nỗ lực cảnh báo và phòng chống quấy rối tình dục nơi công cộng của tổ chức đang đạt được những thành công nhất định. Báo chí và truyền thông cũng đã thay đổi cách đưa tin về các vụ xâm hại tình dục.

"Những vụ như thế không còn bị che giấu nữa, sự phủ nhận hay im lặng cũng bị phá vỡ", bà nói.

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh