Nghệ An: Vì sao phụ huynh quyết liệt từ chối mô hình VNEN?
- 14:50 30-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
► Hết dự án VNEN, phụ huynh yêu cầu quay về mô hình giáo dục truyền thống
► Nghệ An: Hàng trăm phụ huynh tụ tập tại trường tiểu học phản đối VNEN
► Sở GDĐT Nghệ An: Nếu phụ huynh không đồng ý thì bỏ VNEN
Trường tiểu học Nguyễn Trãi trước thềm năm học mới
VNEN chưa phát huy được hiệu quả?
Trường tiểu học Nguyễn Trãi (phường Quán Bàu, TP.Vinh, Nghệ An) là 1 trong 2 trường tiểu học trên địa bàn TP.Vinh được triển khai thí điểm dự án mô hình trường học mới VNEN từ năm 2010.
Sau 6 năm thực hiện, nhiều phụ huynh đang có con theo học tại trường này trở nên lo ngại và cho rằng mô hình này chưa thực sự phù hợp ở thời điểm hiện tại.
Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, tư thế ngồi học trong VNEN không phù hợp ảnh hưởng cột sống, vai và thị lực. Học sinh tiếp thu chương trình học mới chậm, kết quả yếu. Bài vở ở lớp ít, học sinh ở lứa tuổi tiểu học không thể tự học hay tự thảo luận.
Chính vì vậy, đồng loạt phụ huynh kiến nghị nhà trường dừng chương trình mô hình trường học mới VNEN.
Chị Trần Thị M. (trú khối 4, phường Quán Bàu, TP.Vinh), có con đang học lớp 3 tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi, cho rằng chương trình VNEN đúng là khuyến khích trẻ tự học. Tuy nhiên, học theo nhóm nên chỉ phù hợp với những học sinh có năng lực, mạnh dạn mới phát huy được.
Chương trình VNEN chỉ cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản chứ không đem lại những kiến thức nâng cao như chương trình học truyền thống. Thậm chí nhiều phụ huynh đã xin cho con được chuyển trường nhưng không được vì các trường trên địa bàn đã quá tải.
“Con tôi tính vốn nhút nhát nên khi học theo chương trình mới này cháu khó phát huy được. So với các bạn cùng trang lứa, cháu nó bị đuối hơn hẳn khi học VNEN. Tôi phải cho cháu đi học thêm ngoài để bổ sung thêm kiến thức mới an tâm”, chị M. lo lắng cho biết.
Cùng nỗi lo với chị M., chị N.T.L. cũng tỏ ra lo lắng khi đã nhiều lần kiến nghị nhà trường quay trở lại giảng dạy theo mô hình truyền thống nhưng chưa có kết quả. Theo chị L., không những phải đóng góp tiền để mua đồ dùng học tập cho con nhiều hơn, mà tài liệu học theo chương trình VNEN không có các phần bài tập nâng cao như trong chương trình sách giáo khoa, bài vở ít nên khó khăn trong việc chủ động hướng dẫn con ở nhà.
Hiện phường Quán Bàu chưa có trường trung học cơ sở, học sinh sau khi học hết chương trình tiểu học có thể lựa chọn trường để phù hợp với nơi ở của mình. Với thực tế này, nhiều bậc phụ huynh cũng tỏ ra lo ngại: “Nếu như trường cấp 2 đó giảng dạy theo phương pháp truyền thống thì sẽ như thế nào? Liệu con em chúng tôi có thể hòa nhập và bắt nhịp lại được với cách học đó không”.
Tiếp tục VNEN hay quay lại chương trình cũ?
Cô Trần Thị Nga, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trãi cho biết, trường có 825 học sinh trên 22 lớp học. Một số phụ huynh đã xin cho học sinh chuyển trường vì cho rằng chương trình VNEN không phù hợp với con em mình.
Sau khi nhận được những phản ánh của phụ huynh về việc dạy học theo mô hình trường học mới VNEN, nhà trường đã nhanh chóng phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến phụ huynh và báo cáo với cấp trên để có hướng giải quyết.
Nhiều phụ huynh kéo đến trường phản ánh học VNEN
Trước những phản ứng mạnh của một số phụ huynh, ngày 28/8, Trường tiểu học Nguyễn Trãi đã tổ chức họp, lấy ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh về việc thực hiện mô hình giáo dục mới. Ngay sau buổi họp này, ban giám hiệu nhà trường cùng đại diện Sở Giáo dục – Đào tạo Nghệ An đã trực tiếp gặp gỡ phụ huynh để tháo gỡ các vướng mắc.
Ông Thái Khắc Tân, trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố Vinh cho biết, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nhưng trong quá trình đổi mới phải phù hợp với từng vùng, trường cụ thể.
Trong quá trình đó, việc ghi nhận những ý kiến của phụ huynh cũng rất quan trọng. Cuối tháng 5/2016, sau khi kết thúc 4 năm triển khai mô hình VNEN, Sở đã có chỉ đạo các trường trong dự án tổng hợp, đánh giá hiệu quả để từ đó có thể phát huy được các thế mạnh và điều chỉnh những điều chưa đạt.
Trước những ý kiến xung quanh mô hình dạy học chương trình VNEN mà phụ huynh phản ánh, Sở này cũng đã giao cho Trường tiểu học Nguyễn Trãi tổng hợp ý kiến của phụ huynh. Sau khi tổng hợp được ý kiến, ban giám hiệu nhà trường có thể quyết định bỏ VNEN, hay tiếp tục hoặc có thể song song hai chương trình với nhau.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục – Đào tạo Nghệ An, năm học 2012-2013 đến 2015-2016, chương trình thí điểm trường học mới VNEN được triển khai ở 73 trường tiểu học trên toàn tỉnh với 1.047 lớp và 27.030 học sinh tham gia (trong đó, học sinh vùng dân tộc miền núi chiếm 70%). Tổng kinh phí dự án cấp cho tỉnh Nghệ An là 47,8 tỷ đồng. |
Tác giả bài viết: Ngọc Hoa