Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mỹ ký thỏa thuận quân sự với Ấn Độ, “nắn gân” Trung Quốc ở Biển Đông

Việc Mỹ và Ấn Độ ngày 29/8 cùng nhau ký kết một thỏa thuận quân sự chung cho phép hai nước sử dụng các căn cứ quân sự của nhau đã tạo điều kiện thuận lợi cho Washington trong việc thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực được coi là cửa ngõ của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (trái) và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar (Ảnh: Quint)


Theo RT, nhân chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tới Mỹ, Washington và New Delhi ngày 29/8 đã cùng nhau ký kết Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA), vốn đã được hai nước chuẩn bị suốt hơn 10 năm qua. Theo tinh thần cam kết chung, hai bên sẽ được phép sử dụng các căn cứ hải, lục, không quân của nhau để tiếp nhiên liệu và sửa chữa trang thiết bị quân sự trong các cuộc diễn tập quân sự, các sứ mệnh nhân đạo hoặc cứu trợ thảm họa.

Thỏa thuận này được xem là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ nhằm kiềm chế sự bành trướng hung hăng trên biển của Trung Quốc.

“Việc ký kết thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện để công tác hậu cần phục vụ cho các hoạt động quân sự của hai nước diễn ra dễ dàng và hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar hôm qua, đồng thời khẳng định thỏa thuận mới sẽ hỗ trợ cho việc duy trì an ninh trên biển cũng như góp phần đảm bảo tự do hàng hải trên toàn thế giới.

Trước khi LEMOA được ký kết, quân đội Mỹ và Ấn Độ thường xuyên phải xin ý kiến và chờ phản hồi của nhau mỗi khi bên nào đó muốn sử dụng căn cứ quân sự của bên còn lại. Thỏa thuận mới ra đời đã xóa đi rào cản này. Theo đó, Mỹ từ nay có thể tăng cường các hoạt động nhằm duy trì sự hiện diện của hải quân và không quân nước này ở Biển Đông, đẩy mạnh các cuộc tuần tra hàng hải và hàng không tại khu vực này nhằm phát đi tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc như cách Washington vẫn làm trong thời gian qua.

Mặc dù không đề cập tới Trung Quốc trong cuộc họp báo nhưng cả Bộ trưởng Carter và Bộ trưởng Parrikar đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự do thông thương trên biển đối với Mỹ và Ấn Độ.

“Ấn Độ và Mỹ cùng chia sẻ mối quan tâm về vấn đề tự do hàng hải và hàng không cũng như việc giao thương không bị cản trở, như một phần trong việc duy trì trật tự pháp quyền tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Parrikar nói.

Trung Quốc từ trước tới nay vẫn luôn phản đối các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải và hàng không của Mỹ tại Biển Đông, đặc biệt là ở gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên vùng biển này. Ngày 12/7, tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết bác yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” do Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông, nhưng Bắc Kinh ngang ngược không công nhận và lớn tiếng tuyên bố không thực thi phán quyết này.

Tác giả bài viết: Thành Đạt