Năm 2017 nên thi như thế nào?
- 09:20 30-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm 2015 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi, tình trạng thí sinh chầu trực ở các trường Đại học để rút-nộp hồ sơ và theo dõi bảng điểm liên tục thay đổi đã khiến dư luận xã hội hết sức lo ngại thì năm 2016, những bất cập đó đã được khắc phục, nhưng lại xuất hiện những bất cập khác.
Hiện nay, khi Bộ GD&ĐT dự kiến thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng trong năm 2017, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, năm 2017 vẫn nên tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia nhưng cần phải có những điều chỉnh, cải tiến một số bất cập.
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia
Góp ý về kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Lê Viết Khuyến – nhà nghiên cứu của trường Đại học Bình Dương- nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đánh giá cao việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia như hiện nay.
Bởi đây là hình thức đánh giá mới, phù hợp với xu thế chung thế giới vừa đảm bảo chất lượng tổng thể, độ chính xác tăng cao, vừa giải quyết được hiện tượng tiêu cực, bớt tốn kém.
TS.Lê Viết Khuyến – nhà nghiên cứu của trường Đại học Bình Dương- nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Tuy nhiên, theo ông việc đánh giá tốt nghiệp THPT của học sinh nếu chỉ dựa vào kết quả của 4 môn thi đơn ở kỳ thi quốc gia trong đó có 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ) và một môn tự chọn như hiện nay sẽ tạo cho học sinh thói quen học lệch ngay từ đầu lớp 10. Từ đó mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh THPT tại Nghị quyết 29 không đạt được.
“Không nên phân biệt thành các cụm thi đại học và cụm thi tốt nghiệp, khi mà cả 2 cụm nàyđều có ở tất cả các tỉnh – thành với thành phần coi thi và chấm thi đều nhưnhau”, TS.Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Để khắc phục bất cập trên, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học cho rằng, từ năm 2017, Bộ nên giao hẳn công việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cho các tỉnh, quy trách nhiệm cho người đứng đầu tỉnh – thành nếu để xảy ra tiêu cực tại địa bàn do mình phụ trách đồng thời đề cao vai trò giám sát xã hội, trong đó có sự tham gia của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và giới truyền thông.
Đề thi và đáp án phải được xây dựng dưới dạng trắc nghiệm khách quan là chủ yếu, hướng tới sự chuẩn mực (như Đại học Quốc gia đã và đang thực hiện). Mỗi năm học nên có khoảng 2 đợt thi như vậy.
Với kiểu đề thi như vậy kết quả thi có thể dùng cho một số năm và trong trường hợp thi trên máy tính (như Đại học Quốc gia Hà Nội đang làm) có thể hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử, tiết kiệm thời gian, công khai kết quả sau khi thi và loại bỏ tình trạng thi cử căng thẳng, dồn dập như hiện nay.
Về xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng
Hiến kế cho việc xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017, TS.Lê Viết Khuyến cho rằng:
Thứ nhất, Bộ cần mạnh dạn giao cho một trung tâm khảo thí trong vai trò một tổ chức dịch vụ công ích đảm nhận tổ chức việc xét tuyển sinh chung cho phần lớn các trường, khi các trường có đề nghị.
Để thỏa mãn nguyện vọng lựa chọn ngành đào tạo của người học đồng thời tôn trọng tiêu chí tuyển sinh riêng biệt của từng trường, Bộ nên chọn phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán “chấp nhận trì hoãn” do trường Đại học Thăng Long đề xuất.
Thứ hai, chỉ tiêu tuyển sinh và tiêu chí tuyển sinh vào các trường cần được xem xét chặt chẽ xuất phát từ năng lực đào tạo và sứ mệnh (bậc, hạng) của mỗi trường.
Có thể tham khảo quy định về tuyển sinh của 3 nhóm trường đại học công thuộc Tiểu bang California (Hoa Kỳ) làm thí dụ.
Tại đây để duy trì ổn định chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học công lập, chính quyền tiểu bang đã đưa ra quy định các trường thuộc hệ thống UC (gồm 9 trường được đào tạo tới cấp Tiến sĩ) chỉ được tiếp nhận sinh viên nằm trong tốp 12,5% đầu bảng tốt nghiệp trung học. Trong khi, các trường thuộc hệ thống CSU (gồm 23 trường được đào tạo tới cấp Thạc sĩ) được tuyển sinh viên nằm trong tốp 33% đứng đầu.
Còn riêng các trường thuộc hệ thống đại học cộng đồng (105 trường) và các trường tư không bị khống chế về nguồn tuyển, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học.
Thứ ba, nên cho phép các trường tổ chức xét tuyển vào Đại học và Cao đẳng theo học kỳ để phù hợp với học chế tín chỉ.
Tác giả bài viết: Thùy Linh