Những ngôi trường có một không hai trên thế giới
- 15:56 29-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nằm ở Lagos, thành phố lớn nhất Nigeria, trường nổi Makoko hoàn toàn tọa lạc trên mặt nước. Trường bao gồm cả phòng học và khu vui chơi, được thiết kế đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn cho 100 học sinh trong mọi điều kiện thời tiết. Ảnh: Nleworks.
Tại Copenhagen (Đan Mạch), các học sinh trường Ørestad Gymnasium& có thể trải nghiệm cảm giác học tập, vui chơi trong khối lập phương khổng lồ bằng thủy tinh. Trên thực tế, nó giống như lớp học có số lượng học sinh lên đến hơn 1.100 em. Không gian rộng lớn được chia thành khu nhỏ với chỗ ngồi thoải mái. Người ta tin rằng, thiết kế đặc biệt này có thể giúp học sinh phát triển tính linh hoạt và lối tư duy sáng tạo. Ảnh: FB.
Bên cạnh bề ngoài tươi sáng, trường trung học Wahroonga ở Australia còn nổi tiếng nhờ phương pháp giảng dạy có một không hai. Tại đây, mỗi học sinh học tập theo chương trình riêng do phụ huynh và giáo viên thống nhất điều chỉnh. Các em cũng có thể chủ động đề nghị chỉnh sửa nhằm tăng hoặc giảm tiến độ học tập sao cho bản thân thoải mái nhất. Ảnh: Wahroongaprep.
Tại trường Big Picture ở Rhode Island (Mỹ), học sinh lựa chọn học những gì họ thích. Các cố vấn là chuyên gia trong các lĩnh vực sẽ hỗ trợ, tư vấn để giúp học sinh phát hiện và theo đuổi đam mê. Điều đó đồng nghĩa với việc, mỗi người chỉ học những kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp tương lai của mình. Hiện tại, 55 trường khác ở Mỹ cũng áp dụng phương pháp giảng dạy này. Ảnh: Bigpicture.org.
Trường Carpe Diem ở Ohio (Mỹ) không có phòng học. Trong phòng chính, mỗi học sinh ngồi ở một ô, sử dụng máy tính để học tập theo chương trình riêng. Các em tự học và nhờ giáo viên giúp đỡ nếu gặp vấn đề không hiểu. Carpe Diem nhận học sinh từ lớp 3 đến lớp 12. Ảnh: Carpediemschool.
Trong khi phụ huynh thường nhắc nhở con tránh xa các nguy hiểm, giáo viên tại trường Brightworks Life lại giúp các em có cơ hội tiếp cận với những "mối đe dọa" đó. Học sinh chơi đùa với lửa, tháo lắp các thiết bị gia dụng hay vẽ tranh trong mỗi ngày đến trường. Với phương pháp này, các em được trực tiếp tham gia xây dựng chương trình học cho bản thân. Ảnh: Sfbrightworks.org.
Trường phi giới tính ở Stockholm (Thụy Điển) chú trọng nguyên tắc bình đẳng giữa các học sinh. Giáo viên không được phép sử dụng những từ như "anh ấy", "cô ấy". Thay vào đó, thầy cô gọi học trò bằng tên hoặc dùng đại từ "họ", "các em". Nhà trường hy vọng phương pháp này có thể góp phần xóa bỏ định kiến giới tính cho thế hệ tương lai, giúp các em trưởng thành khỏe mạnh về mặt tinh thần. Ảnh: Newsweek.
Trường Concord ở New Hampshire (Mỹ) được coi như ngôi trường rực rỡ sắc màu nhất nước. Trường bao gồm nhiều "hành lang học tập" và không gian riêng phục vụ nhu cầu học tập. Ngoài ra, Concord cũng có khu vực dành cho học sinh tự học hay sinh hoạt nhóm. Trường phủ sóng Wifi trong các hành lang. Hành lang trung tâm là nơi trao đổi giữa thầy và trò. Ảnh: Archiscene.net.
Tại AltSchool ở thung lũng Silicon (Mỹ), chương trình học được xây dựng nhằm phát triển lối tư duy linh hoạt và kỹ năng công nghệ cho trẻ. Học sinh sử dụng iPad trong quá trình học, hoàn thành danh sách các hoạt động và học cách dùng phần mềm mô hình 3D để thiết kế khu vui chơi. Trường nhận học sinh trong độ tuổi từ 4 đến 14. Ảnh: Business Insider.
Trường Steve Jobs ở Amsterdam (Hà Lan) cũng xây dựng kế hoạch học tập riêng cho từng học sinh nhằm giúp các em phát triển tài năng, kỹ năng và theo đuổi đam mê của mình. Mỗi 6 tuần, học sinh, phụ huynh và giáo viên sẽ đánh giá, điều chỉnh kế hoạch. Trường nhận trẻ từ 4 đến 12 tuổi. Ảnh: Stevejobsschool.
Trường Blue Man ở New York chú trọng bồi đắp lòng trắc ẩn và phát triển tinh thần sáng tạo cho học sinh. Các nhà sáng lập tin rằng, một trường học giống khu vui chơi sẽ khuyến khích trẻ dành nhiều thời gian hơn cho học tập. Học sinh từ lớp 2 đến lớp 8 thảo luận về việc tái chế, tạo mô hình 3D về thành phố New York và tham gia các hoạt động kích thích trí mò mò của trẻ. Ảnh: Washingtontimes.
Thay vì chịu đựng các tiết học buồn tẻ trong phòng học thông thường, học sinh trường Vittra Telefonplan ở Thụy Điển trải nghiệm những giờ thú vị trong khuôn viên được thiết kế như một thế giới diệu kỳ. Tại đó, các em có thể leo núi, thám hiểm hang động hay nói chuyện với cây trong không gian mở khổng lồ. Học sinh sử dụng máy tính để nắm bài giảng, làm bài tập về âm nhạc, vũ đạo, mỹ thuật. Ảnh: Rosan Bosch.
Tại trường Alpha ở Toronto (Canada), học sinh được đối xử ngang hàng với thầy cô giáo. Giáo viên đóng vai trò như người quan sát và chỉ đưa ra lời khuyên thay vì bắt buộc học trò. Trường không có bài tập về nhà, chấm điểm, đánh giá hay thời khóa biểu cố định. Học sinh lựa chọn lớp học yêu thích, không phụ thuộc vào độ tuổi, hay ngày đến trường và nội dung học. Ảnh: Billionnews.
Tại ngôi trường được mệnh danh là trường xanh nhất thế giới, cỏ phủ kín mái nhà và sân sau, học sinh dành phần lớn thời gian ở ngoài trời. Trong những ngày nắng ấm, các lớp học diễn ra trên bãi cỏ. Nhà trường tin rằng, môi trường học tập gần gũi với thiên nhiên giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Ảnh: Archdaily.
Tại trường Saunalahti ở thành phố Espoo (Phần Lan), học sinh tự lựa chọn chỗ ngồi hoặc nói chuyện phiếm với bạn bè trong giờ học. Các em thậm chí có thể nhảy lên ghế hay nằm nghỉ trên sofa nếu mệt mỏi. Trường còn có thư viện, phòng thể dục, phòng hội nghị và câu lạc bộ thanh thiếu niên để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí của học sinh. Ảnh: Finland.fi.
Tác giả bài viết: Nguyễn Sương
Nguồn tin: