Kỳ lạ 'đại bàng đất' được cả làng ở Hà Nội sùng bái như thần
- 09:59 27-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ở đình làng Nhân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có xác một con chim ó được dân làng để trang trọng trong tủ kính, tôn thờ như một vị thần. Phía sau câu chuyện này thể hiện tinh thần yêu thiên nhiên, động vật của người dân nơi đây.
Chim ó được ướp xác để trong tủ kính
Đại bàng đất
Theo những người lớn tuổi ở làng Nhân Mỹ, cách đây trên 20 năm, vào những năm 1992 – 1993, người dân Nhân Mỹ thấy một chú chim đại bàng đất (hay còn gọi là chim ó) mới tập bay chuyền, không rõ từ nơi nào đến cây đề ở giữa cánh đồng làng Nhân Mỹ trú ngụ.
Cây đề này nằm ngay trên một mô đất cao, có độ tuổi trên 400 năm, bên cạnh có một chiếc giếng cổ và một am thờ. Người làng gọi đây là miếu Cây Đề.
Chim ó sống ở cây đề cổ thụ được khoảng 11 năm, đến năm 2003, khi xây dựng khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình và khu Thể thao dưới nước bao trùm lên miếu Cây Đề thì cây cổ thụ này cùng miếu được di chuyển đến địa điểm khác.
Trước lúc chặt cây để giải phóng mặt bằng, người dân địa phương thấy chim ó kêu rền rĩ cả ngày cả đêm. Theo người dân, một hôm, khi chim ó đi kiếm ăn về thấy tổ ấm bị chặt phá liền lao đầu vào bức tường chết.
Người dân cho rằng, đó là chim thiêng nên đã phát nguyện góp tiền của thuê thợ ướp xác, thuộc da và cho vào tủ kính để mọi người cùng tưởng nhớ.
Hiện câu chuyện về chim ó còn được ghi thành văn bản rất rõ ràng, được lưu tại đình Nhân Mỹ: “Hồi 17 giờ 30, ngày 05/10/2003, chim ó lao đầu vào vách kính bể bơi Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia. 8 giờ sáng ngày 07/10/2003 chim ó chết.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân yêu cầu ướp xác để lưu niệm sinh vật cảnh này. Hội người cao tuổi tiến hành thuộc, ướp, nhồi chim ó hoa đặt trong lồng kính để người dân chiêm ngưỡng”.
Thủ từ đình làng Nhân Mỹ, người trực tiếp túc trực bên “cụ” chim ó lúc lâm chung bồi hồi kể lại: “Cụ” ấy đã trở thành ký ức của dân chúng tôi suốt mười mấy năm trời. Cây đề cổ thụ đường kính đến gần 2m tỏa bóng mát giữa cánh đồng. Khắp khu vực rộng mênh mông từ Mỹ Đình đến Mễ Trì, Phú Đô chỉ có mỗi cây đề này là to nhất.
Hàng ngày, người dân các nơi đi làm ruộng qua lại đều dừng chân bên gốc cây rồi múc nước giếng uống. Trên cây này có đúng một “cụ” chim ó trú ngụ. Và trong suốt mười mấy năm trời cũng chỉ có mỗi chú chim ó sống cô độc trên cây.
Ban ngày “cụ” đi kiếm ăn chỗ nào không biết, cứ chiều tà là về cây đề ngủ. Hễ hôm nào cụ ó kêu bất thường thì hôm sau trở trời. Lâu dần, dân chúng tôi quen với hình ảnh “cụ” ó đi đi về về, hôm nào thấy vắng là nhớ và lo sợ bị kẻ xấu săn bắn. Cho đến năm 2003 “cụ” ó lao đầu vào tường mà chết”.
Cả làng thay nhau chăm sóc chim ó
Chuyện chim ó “tự tử” có thể do người dân vì lòng yêu quý chim mà nhân hóa lên như vậy. Nhưng dù sao thì đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ của nhiều nông dân ở ngoại ô thành phố.
Bà Nguyễn Thị Sâm, Phó tiểu ban Quản lý Di tích phường Mỹ Đình 1 giới thiệu: “Cụ” chim có sải cánh đến 1,2m, lúc mới chết nặng khoảng 4kg, mắt màu đỏ, mỏ đen, đầu mỏ hơi vàng, chân chì cùng với móng vuốt sắc nhọn.
“Cụ” được đặt trong một chiếc lồng kính cao khoảng 1,2m, dài 1,5m, rộng khoảng 80cm. Từ năm 2003 đến nay là 12 năm nhưng xác “cụ” chim ó vẫn được giữ rất tốt, không bị bọ hay mọt ăn lông.
Bà Sâm cho biết, mặc dù đình làng thờ tứ vị bản cảnh thành hoàng, nhưng sau khi “cụ” chim chết, dân làng đã đưa xác vào đây nghỉ tạm. Mọi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ và chăm lo chỗ an nghỉ cho “cụ”, nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về thủ từ và các thành viên trong Ban quản lý di tích, hội người cao tuổi địa phương.
Việc đưa “cụ” chim vào đình là nguyện vọng của mọi người dân làng Nhân Mỹ. Tuy vậy, vào mỗi ngày lễ, tết... “cụ” chim không được thắp hương thờ tự ở đây vì không thể xếp cùng hàng với tứ vị bản cảnh thành hoàng. Ai muốn nhang khói cho cụ thì phải thắp hương ở một chỗ riêng.
Sau sự kiện “cụ” chim ó lao đầu vào tường “tự tử”, gốc cây đề nơi “cụ” trú ngụ cùng với miếu Cây Đề cũng được các đơn vị thi công khu Liên hợp Thể thao Quốc gia di dời sang vị trí bên cạnh, phía sau hàng rào của khu Thể thao dưới nước và được dân làng chăm sóc thường xuyên. Đến nay, gốc đề cổ thụ vẫn còn và tiếp tục tái sinh xanh tốt, vươn tán rộng như ngôi đình.
Theo sử sách ghi lại, đình làng Nhân Mỹ thờ 4 vị thần hoàng là Lý Bí, Công chúa tiên nữ Phương Dung, Quốc vương Lý Thiên Bảo, Đại tướng Đỗ Tam Lang. Đình bắt đầu xây dựng khi Lý Bí qua đời năm 548 nhằm tưởng nhớ công lao dựng nước của ông.
Để không làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi thờ tự của tứ vị thành hoàng, người dân làng Nhân Mỹ đã đặt thi hài “cụ” chim ó sang vị trí khác nằm ở gian bên phải, cách xa chánh điện. “Cụ” chim ó cũng không được đặt bát hương thờ tự trong đình mà việc nhang khói phải ở địa điểm khác là miếu thờ vọng Cây Đề, nơi gốc đề “cụ” “từng” sinh sống.
Tác giả bài viết: Hữu Sơn