Luật ngầm ở bãi vàng Mà Sa Phìn
- 09:40 27-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
►Vùi xác giữa bãi vàng Mà Sa Phìn
► Lào Cai công bố 7 người chết vụ sập hầm vàng
► Lào Cai: 150 triệu đồng… 'bịt mồm' người thân nạn nhân sập mỏ vàng?
► Đáng sợ hiện trường vụ sập hầm vàng khiến ít nhất 9 người chết
► Lào Cai: Phát hiện nhiều thi thể sau vụ sạt lở ở mỏ khai thác vàng
Theo tìm hiểu của PV, ở Mà Sa Phìn, chỉ có duy nhất công ty cổ phần Nhẫn Lào Cai được quyền khai thác vàng.
Tại văn bản 368/GP-UBND, tỉnh Lào Cai đã cấp phép khai thác vàng cho công ty cổ phần Nhẫn với tổng diện tích khai thác 26,03 ha, thuộc khu vực Sà Phìn và Tsu Ha. Thời hạn khai thác là 11 năm với công suất 59kg vàng/năm.
Một nguồn tin của VietNamNet cho hay, tình trạng khai thác khoáng sản thổ phỉ ở Mà Sa Phìn diễn ra từ mấy năm nay. Ở đây không chỉ có vàng mà còn có những khoáng sản quý hiếm như vonfram, titan... Giá của vonfram lúc cao nhất lên đến 300 triệu/ tấn. Vì lợi nhuận, nên các bưởng vàng tứ xứ lũ lượt kéo về đây để khai thác. Giang hồ tứ xứ cũng quần tụ nơi đây để phân chia lãnh địa và cát cứ.
Không thể khai thác vào nơi đã có chủ, các bưởng vàng quyết định “đánh” vào các khu vực lân cận. Tuy nhiên, họ chỉ được hoạt động nếu được sự chấp thuận của ông chủ duy nhất có tên là H.H.
Tỉ lệ ăn chia cũng tuỳ theo quan hệ của bưởng vàng với H.H. Có thể là 50-50, 60-40. Sau khi “cấp quyền” cho các bưởng vàng, phía ông chủ H.H sẽ cử một người giám sát quá trình khai thác để dễ ăn chia. Cùng làm ăn với vợ chồng H.H là một người rất có máu mặt tên T.V. Tuy nhiên, T.V không bao giờ lộ mặt mà chỉ đứng đằng sau để “đối ngoại”.
Một hầm vàng dài tầm 200m khoét sâu vào lòng núi tại Mà Sa Phìn.
“Bọn nó kinh lắm, chỉ cần liếc qua là biết mỏ ngon hay không ngon, vonfram khai thác được bao nhiêu, chất lượng như thế nào. Thế nên, không một đồng tiền “phế” nào có thể lọt qua vợ chồng ông chủ H.H cả”- một người từng buôn quặng ở Mà Sa Phìn nhiều năm nay cho biết.
Sau khi thoả thuận xong tỉ lệ ăn chia, vợ chồng H.H cử người giám sát. Thậm chí, còn cung cấp nguồn điện để máy móc hoạt động.
Cứ như thế, những phu vàng bắt đầu khoét sâu vào những quả đồi. Những hang ếch sâu hoắm với nhiều ngõ ngách bắt đầu xuất hiện. Một đường hầm bắt đầu xuất hiện trong lòng các quả đồi. Và, đó là một trong những nguyên nhân xảy ra các vụ sạt lở vùi chôn những phu vàng xấu số.
Hàng chục phu vàng lũ lượt bỏ trốn khỏi khu vực bãi vàng sạt lở mà chúng tôi gặp khi cuốc bộ vào Mà Sa Phìn, khi được hỏi làm việc cho ai, tuyệt nhiên không ai nhắc đến công ty Nhẫn Lào Cai. Ai cũng lấm lét, sợ hãi. Những bưởng vàng mà chúng tôi nghe qua, chỉ là Minh Sẹo, Hiểu Linh... Tuy nhiên, những cái tên ấy vẫn phải “nộp phế” đều đặn cho ông chủ H.H.
Vì sao cặp vợ chồng H.H có thể làm mưa, làm gió, thâu tóm cả Mà Sa Phìn; số lượng khoáng sản quý hiếm như vonfram khai thác được là bao nhiêu và vận chuyển đi đâu? Chúng tôi sẽ trở lại trong những bài viết sau.
Chính quyền bất lực
Theo ông Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn Phạm Bình Minh, huyện có biết tình trạng các mỏ thổ phỉ hoạt động ở đây. Hàng năm, huyện có thành lập các đoàn liên ngành để truy quét, phá huỷ các lán trại và máy móc. Thế nhưng, cứ đẩy đuổi hôm trước thì hôm sau thổ phỉ quay lại theo kiểu “đá ném ao bèo”.
“Nói chung còn vàng là họ còn tìm đến đây. Nhiều lúc chính quyền địa phương đã phải bất lực với tình trạng này" - ông Minh thừa nhận.
Ông Minh đưa cho chúng tôi một tập hồ sơ ghi rõ các cuộc kiểm tra, truy quét thổ phỉ. Thành phần Ban chỉ đạo truy quét hầu hết do ông Phạm Bình Minh làm Trưởng ban, ông Phạm Văn Hoằng - Giám đốc công ty cổ phần Nhẫn làm thành viên. Công an huyện cũng có mặt trong hầu hết các cuộc kiểm tra này.
Lán của Trương Văn Sơn có 30 người thì 9 người bị lũ cuốn trôi
Một cán bộ từng làm ở huyện Văn Bàn (xin giấu tên) nói: “ Họ lập các đoàn, ban bệ kiểm tra, tốn kém lắm. Nhưng là để kiểm tra cho xong, để báo cáo”.
Trong quãng thời gian ngắn ngủi trả lời PV sau khi quốc bộ vào Mà Sa Phìn, ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh nói: “Tỉnh sẽ thành lập một đoàn kiểm tra đặc biệt để kiểm tra thông tin về việc tình trạng các hầm vàng thổ phỉ hoạt động ở Mà Sa Phìn”.
Ông Phong cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ hoạt động của công ty Nhẫn Lào Cai. Hỏi về nhân vật T.V, ông Phong cho hay cũng nghe thông tin, nhưng thực hư thế nào thì chưa nắm được.
Sở TM&MT 2 năm không kiểm tra
Trước thông tin về tình trạng vàng tặc lộng hành ở Mà Sa Phìn, chiều 26/8, trả lời VietNamNet, ông Vũ Đình Thuỷ - Trưởng phòng Quản lý khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Lào Cai lại phủ nhận thông tin này.
Theo ông Thuỷ, tại khu vực Mà Sa Phìn không có tình trạng khai thác thổ phỉ. Hỏi về các đợt thanh, kiểm tra của Sở đối với việc khai thác của công ty Nhẫn, ông Thuỷ nói: Từ năm 2015 đến nay, Sở chưa từng tiến hành thanh tra dự án này, chưa có kế hoạch thanh tra.
“Năm 2016, Sở chưa thanh tra là do đang có một đoàn của Thanh tra Chính phủ đang kiểm tra dự án này”- ông Thuỷ đưa ra lý do.
“Giấy phép khai thác thể hiện công ty Nhẫn được phép khai thác vàng. Tuy nhiên, đơn vị này khai thác một khối lượng vonfram rất lớn, phía Sở có nắm được khối lượng hay không?” - PV hỏi
“Hiện Sở chưa nắm được việc công ty Nhẫn có khai thác hay không nên không thể trả lời. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và báo cáo sau”- vị trưởng phòng Khoáng sản đáp.
Mạng phu vàng 150 triệu
Xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên có lẽ là nơi có số người thiệt mạng nhiều nhất đến thời điểm hiện tại. 5 người chết, 3 người bị thương trong đêm mưa lũ 19/8.
Mỗi gia đình có người chết ở Cam Cọn được một nhóm người đến thương lượng và đền bù với số 150 triệu đồng với những thoả thuận “ngầm”.
Một lán trại của phu vàng bị lũ cuốn trôi.
3 người bị thương gồm Trương Văn Sơn (1993), Bàn Văn Chi và Lý Văn Mão (sinh năm 1984), sau khi được sơ cứu ở huyện Văn Bàn, thay vì đưa lên TP Lào Cai điều trị, họ lại vận chuyển về BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.
Bác sĩ bệnh viện này cho biết, bệnh nhân Lý Văn Mão và Trương Văn Sơn hiện đang điều trị tại khoa Ngoại tim mạch; Bàn Văn Chi điều trị tại khoa Chấn thương Chỉnh hình.
Trương Văn Sơn kể lại, thời điểm xảy ra lũ quét, trong lán có 30 người. Mưa lũ ập đến cuốn phăng 9 người. Sơn may mắn bám được vào một cái cọc, dồn hết sức lực bò lên một lán cao hơn và ngất lịm.
Sau khi tỉnh, anh đã được khiêng ra gần UBND xã Nậm Xây rồi được đưa lên một xe ô tô màu trắng, chuyển thẳng về BV Đa khoa huyện Văn Bàn. Vài tiếng sau, có một chiếc ô tô con 4 chỗ đến đón và đưa thẳng xuống BV Đa khoa TƯ Thái Nguyên điều trị. Sơn có hỏi vì sao không đi BV Đa khoa Lào Cai cho gần thì người trên xe nói đi Thái Nguyên sẽ được điều trị tốt hơn.
Vì sao Lào Cai “ém” thông tin người chết và trả lời theo kiểu “nước đến đâu be bờ đến đó”; vì sao mỗi phu vàng thiệt mạng lại được một nhóm người lạ mặt đền bù số tiền 150 triệu với thoả thuận ngầm: không được hé răng với báo chí và cơ quan pháp luật? Và vì sao, trong quãng thời gian 2 năm trời, Sở TN&MT chưa từng thanh kiểm tra dự án này? Câu trả lời, có lẽ liên quan đến hoạt động vàng thổ phỉ với những luật ngầm ở Mà Sa Phìn.
Tác giả bài viết: Hoàng Sang