Cải tổ quân đội, Trung Quốc “vượt mặt” Mỹ ở Biển Đông?
- 07:26 27-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đảm nhận chức vụ Tổng Tư lệnh quân đội.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành cải tổ quân đội mạnh mẽ kể từ sau cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít ngày 3.9.2015. Bên cạnh việc cắt giảm 300.000 quân nhân, cải cách nhằm loại bỏ các thành phần tham nhũng trong quân đội, điều chỉnh cơ cấu chỉ huy, hướng đến các hoạt động chung và hợp nhất các trung tâm chỉ huy.
Theo các nhà phân tích, cuộc đại cải cách quân đội của ông Tập giống như những thay đổi trong quân đội Mỹ theo Đạo luật Goldwater-Nichol năm 1986, hướng đến lực lượng thu nhỏ, tác chiến hiệu quả hơn.
Điều này có thể dẫn đến những thách thức mới đối với quân đội Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương, giới hạn khả năng của Mỹ khi can thiệp vào các điểm nóng trong khu vực.
Trung Quốc tăng cường năng lực ở Biển Đông
Hai chuyên gia Joel Wuthnow và Phillip C. Saunders, đến từ Trung tâm nghiên cứu quân đội Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ mới đây đã đưa ra nhận định về vấn đề này trên trang China File.
Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa trong một cuộc tập trận trên biển Đông.
Chuyên gia Mỹ cho rằng, cải cách quân sự có thể giúp Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) triển khai hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt tại Đài Loan hay Biển Đông.
Thành phần của PLA chuyển từ sự tập trung vào lục quân sang lực lượng hỗn hợp cân bằng hơn, bao gồm cả hải quân, không quân và các đơn vị tên lửa. Hải quân và không quân dự kiến sẽ tiếp tục được chú trọng cả về số lượng và ngân sách.
Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược mới có thể cải thiện khả năng của PLA trong việc kết hợp không gian, tác chiến điện tử, không gian mạng vào nhiệm vụ chiến đấu.
PLA sẽ có hệ thống chỉ huy và kiểm soát hiện đại, trong đó các lực lượng được tích hợp chặt chẽ hơn. Điều này góp phần cải thiện khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp.
Đây là những dấu hiệu đặt ra những thách thức mới đối với khả năng can thiệp của Mỹ ở Đài Loan hay Biển Đông. Quân đội Mỹ sẽ phải đối mặt với lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc được trang bị tốt hơn.
Những thách thức này ngày càng trở nên lớn hơn bởi những tiến bộ về vũ khí của PLA, bao gồm tên lửa đạn đạo chống hạm và các cảm biến hiện đại, vốn đã và đang khiến cho lực lượng Mỹ trong khu vực lo ngại.
Chưa thể sớm vượt qua Mỹ
Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại để có thể tiến hành cải cách toàn diện. Một vấn đề quan trọng đó là sự cạnh tranh trong nội bộ quân đội.
Tàu sân bay USS John C. Stennis di chuyển cùng tàu tiếp tế USNS Rainier và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Mobile Bay trên Biển Đông hồi đầu năm nay.
Trong giai đoạn kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, các lực lượng sẽ cạnh tranh để giành được phần ngân sách lớn nhất và chiếm ưu thế độc nhất. Điều này có thể dẫn đến hợp tác một cách hạn chế.
Thách thức thứ hai là tầm ảnh hưởng của lục quân bên trong quân đội Trung Quốc. Mặc dù cải cách nhưng lực lượng trên mặt đất vẫn chiếm quân số lớn nhất và đa số các sĩ quan cấp cao của PLA vẫn sẽ tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Điều này có thể dẫn đến những khó khăn khi các lực lượng quân đội Trung Quốc tiến hành hoạt động chung.
Vấn đề thứ ba là việc quân đội Trung Quốc vẫn còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu. PLA không tham gia vào cuộc chiến tranh quy mô lớn nào trong vòng 35 năm qua. Nghĩa là cách tổ chức, các học thuyết vẫn chưa được kiểm chứng trên thực tế.
Một lý do khác dẫn đến những hoài nghi là việc quân đội Mỹ đang nỗ lực tiếp tục giữ vững vị thế hàng đầu, bằng cách đầu tư phát triển công nghệ mới, các thiết kế mới để tiếp tục duy trì sự hiện diện tại các điểm nóng, như vùng biển ở châu Á.
Việc tăng cường năng lực tác chiến dưới nước và các phương tiện khác sẽ giúp Mỹ bù đắp lại những thiếu hụt trước ưu thế ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Nếu thành công, Mỹ tiếp tục duy trì ưu thế khi đối đầu với Trung Quốc ở Đài Loan hay Biển Đông.
Tác giả bài viết: Đăng Nguyễn
Nguồn tin: