Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lạ lùng chuyện nam thanh niên hợp duyên với... ma

Khi chưa lập gia đình thì anh bỗng dưng bị “ma nhập” chạy đi khắp nơi, nói lảm nhảm giống tiếng tàu khiến gia đình và người trong làng vừa lo sợ vừa tò mò kéo đến xem. Ngày hôm sau anh lại trở nên tỉnh táo như lúc bình thường, nghe mọi người kể lại sự việc, nghĩ “số trời” đã định cho anh theo con đường làm nghề Dàng, Pựt.
Bà Pựt (còn gọi là bà Bụt) là tên gọi những người phụ nữ hành nghề thầy cúng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng. Đây là nghề thường xuyên thức đêm, gần gũi với khói hương trong các nghi lễ tâm linh.

Trong khi các thầy Tào nam chuyên lo đám tang thì thầy Pựt nữ lại chuyên lo các lễ giải hạn, mừng nhà mới, gọi hồn… Dù cuộc sống xã hội hiện đại hơn, trình độ dân trí nâng cao nhưng nhu cầu rước mời thầy Pựt đến nhà làm lễ không hề giảm.
 

Thầy Pựt Lưu Thị My đang ngồi trước mâm cúng làm đám giỗ cho một gia đình ở xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng)

Nghề gần gũi với khói hương

Những người hành nghề thầy Pựt được chia thành nhiều loại tùy theo dân tộc như Pựt Nùng, Pựt Ngạn, Pựt Tày… để thực hiện, tổ chức những nghi lễ mang tính tâm linh. Khi đến nhà thí chủ hành lễ, các thầy Pựt mang theo đồ nghề là chùm xóc, quạt phẩy, bộ trang phục dành riêng được các thầy giao lại, khó có thể tìm thấy ở ngoài chợ. Riêng Pựt dân tộc Tày có nhánh Pựt tính, tức là khi hành nghề có cây đàn tính đệm theo lời hát. Bụt tính có hai phái: Phái miền Tây Cao Bằng, người hành nghề là phụ nữ, đàn tính có ba dây; phái miền Đông, người hành nghề là nam giới (gọi là Dàng), đàn tính chỉ có hai dây.

Theo bà Lưu Thị My (54 tuổi) ở xóm Thôm Pong, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) là người theo nghề làm Pựt đã nhiều năm nay: “Đã từ xa xưa, các thầy đồng nam cũng do các cô đồng nữ truyền nghề cho, khi đắc đạo thì ban pháp danh là Dàng nên thầy đồng nam có tên là Dàng. Nghĩa là thầy dạy nghề gọi là Tản, học trò mới học nghề gọi là Dàng. Để chỉ học trò là nam giới. Khi không hành nghề gọi là Pựt, tiếng Nùng gọi là Sở, tiếng Ngạn gọi là Chẩu, khi hồn nhập vào người thì người ta lại gọi họ là Gường, Tản, Mọn…

Những thứ không thể thiếu khi tiến hành làm lễ là mâm 5 bát gạo, 3 bát dàn hàng ngang cúng theo Then thì một bát cúng tổ sư của Then, một bát cúng Vua Bếp, một bát cúng tổ tiên gia chủ, một bát cúng binh mã của Then, một bát gạo vía có đặt quả trứng bên cạnh có cắm lọng che khi hành lễ Then sẽ gọi vía gia chủ siêu tán vào quả trứng để nhập vào áo Vía cả gia đình. Trong mâm lễ có đặt tiền chân hương, tùy thuộc vào lễ lớn nhỏ mà số tiền ít hay nhiều”.

Cũng như nghề thầy Tào, người hành nghề Then cũng phải tuân theo đạo pháp. Tất cả các thầy Tào, Then, Dàng… đều phải tuân thủ đạo pháp được đặt ra trong lễ cấp sắc. Nó được thầy cấp sắc gói lại trong gói giấy nhỏ đặt trên bàn lễ gọi là vía để sau này cho vào túi nhỏ màu hồng treo ở bàn thờ tổ. Trong lễ cấp sắc cho các học trò trước khi bước vào hành nghề, các sư phụ đọc rành rọt từng điều giới luật như không được sát sinh bừa bãi, không trộm cắp, không kiêu ngạo, không ngu muội tham lam, không mưu ngầm hãm hại người khác, không ăn uống, chơi bời lãng phí, không được bất trung, bất nghĩa, bất tín, kính cẩn với Đạo, coi việc Đạo là việc trọng nhất.

Ngoài ra, các thầy hành nghề liên quan đến tâm linh còn phải kiêng kỵ một số điều khi đã bước chân vào hành nghề như không chửi trời, đất, thánh thần; không gian dối; không dùng pháp để làm hại người; không ăn thừa đồ ăn của người khác; không qua dưới sào phơi quần áo; không qua dưới nhà sàn bẩn; không ngồi ăn cơm với trẻ; không ăn thịt trâu, bò, chó; không từ chối khi người cần giúp… đó là những điều luật bất cứ người hành nghề Bụt, Dàng, Tào nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt nếu muốn công thành danh toại.

Ngược lại, nếu người hành nghề phạm vào một trong những điều trên thì quyền năng dần sẽ bị truất. Sự truất quyền năng này thể hiện dưới các dạng khi bói phán đoán không chính xác, lễ cúng không linh nghiệm, dân không trọng dụng. Nhất là việc giữ đức độ trong khi hành nghề cũng như trong cuộc sống gia đình, nếu tham nhân tình bỏ vợ hoặc bỏ chồng để giao du chơi bời, kết giao với người bất lương.
 

Trang phục đầy đủ gồm cả chiếc quạt của thầy Pựt khi hành nghề

Duyên số của thầy Pựt

Theo thầy Dàng Lương Văn Coóng (49 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cho hay: “Bất cứ thầy Pựt hay Dàng nào trước khi hành nghề đều trải qua hiện tượng “Pựt théc”, có nghĩa là trời bắt phải làm nghề này bằng cách cho nhập thần vào xác nói năng bằng thứ tiếng lạ lùng và có khả năng viết được chữ Nho, Nôm và từ sau đó căn nguyên buộc phải theo nghề này. Đó là những người đang yên lành bỗng nhiên bị “nhập thần” và trở thành Dàng, khi hành lễ chỉ cần thắp hương lên rồi từ “khắp nhập” và xuất thần. Có lẽ căn nguyên của tôi buộc tôi phải như vậy, duyên số đã tạo vần buộc tôi theo con đường hành nghề Dàng, Pựt này”.

Thầy Coóng cho biết thêm: “Để theo nghề này thì phải có có công đức cao, tính tình trầm lắng, hiền từ, không được tham vọng và mưu cầu quá độ hoặc đố kỵ với người khác, nhờ vậy những thầy Pựt đều ít mắc các bệnh lặt vặt và có tuổi thọ cao. Nhờ biết bói toán, xem số, giải hạn, làm đám ma chay được đông đảo bà con quý mến, tuy vậy vẫn phải tự răn mình không tham lam tiền bạc, vô tư, hễ ai cần đến lại lên đường hành nghề giúp đỡ. Nghề này cũng bận rộn theo mùa, bận nhất là đầu năm và cuối năm vì có nhiều lễ hội và nhiều đợt giải hạn”.

Từ thời thanh niên còn khỏe mạnh, anh Coóng cũng bình thường, chất phác như những người cùng trang lứa. Tuy nhiên, khi chưa lập gia đình thì anh bỗng dưng bị “ma nhập” chạy đi khắp nơi, nói lảm nhảm giống tiếng tàu khiến gia đình và người trong làng vừa lo sợ vừa tò mò kéo đến xem. Ngày hôm sau anh lại trở nên tỉnh táo như lúc bình thường, nghe mọi người kể lại sự việc, nghĩ “số trời” đã định cho anh theo con đường làm nghề Dàng, Pựt giống những người thầy đi trước anh liền khăn gói sang nhà “thầy” Hán, một thầy mo nổi tiếng ở Tả Phầy, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) để xin nhận làm học trò.

Quyết định đường đột này khiến cả gia đình phản đối nhưng vì đam mê anh vẫn không từ bỏ. Mặc dù cách nhà thầy hơn chục cây số nhưng với chiếc xe đạp cổ, anh Coóng vẫn ngày ngày đến nhà hoặc theo thầy đi khắp nơi để học nghề.

“Những ngày đầu thầy cho nhận mặt chữ, rồi viết chữ. Khi đã thành thạo thì tôi được đi theo để lấy kinh nghiệm dần, vừa đi vừa học hỏi và rút kinh nghiệm, Thầy nhiệt tình chỉ bảo cho từng chút nên tôi cũng tiếp thu được nhiều trong một thời gian ngắn. Suốt nhiều năm ròng rã, hai thầy trò đã rong ruổi khắp vùng từ trong huyện ra các tỉnh, cứ ở đâu có đám, cúng, có người mời đến là đi”, thầy Coóng chia sẻ.

Tác giả bài viết: Thiên Phong - Minh Phượng