Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Gia đình liệt sĩ bỗng dưng... mất đất

Một gia đình liệt sĩ, 40 năm sinh sống và canh tác ổn định trên mảnh đất đã dày công khai hoang phục hóa, sau một đêm bỗng dưng mất trắng hàng nghìn mét vuông đất chỉ vì sự tắc trách trong quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của chính quyền địa phương.

Đó là những gì đã và đang diễn ra xung quanh vụ việc tranh chấp đất đai giữa Công ty CP Mía đường Sông Con và gia đình mẹ liệt sĩ Lê Thị Thệ ở khối 5, thị trấn Tân Kỳ (Tân Kỳ - Nghệ An).
 

Gia đình mẹ Thệ bỗng dưng... mất đất


Nguồn gốc đất

Năm 1964, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, gia đình mẹ Thệ cùng hàng trăm hộ dân Thanh Cát (Thanh Chương), Đặng Sơn (Đô Lương) tình nguyện lên vùng miền núi Tân Kỳ xây dựng vùng kinh tế mới, định cư ven bờ sông Con, thành lập xóm Thanh Tân thuộc xã Kỳ Tân.

Năm 1972, gia đình mẹ Thệ cùng các gia đình chuyên nghề chài lưới lấy thuyền làm nhà trên sông thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng lên bờ thành lập HTX vận tải Phượng Kỳ (nay là HTX Phượng Đức), được huyện Tân Kỳ giao cho một quả đồi để xây dựng nhà ở (nay là Văn phòng Nhà máy đường Sông Con). HTX Phượng Kỳ chủ yếu vận tải mía cho nhà máy đường, thời kỳ này nhà máy đường còn đóng tại xã Hương Sơn (huyện Tân Kỳ).

Năm 1979, khi UBND tỉnh Nghệ Tĩnh có Quyết định 2086 QĐ/UB cho phép Công ty Dược phẩm Nghệ Tĩnh sử dụng mảnh đất trên (diện tích 16.222m2) để xây dựng xưởng cao Tân Kỳ, các hộ dân trong HTX Phượng Kỳ tự nguyện giao đất và rời HTX về Kỳ Phong (xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ). Tuy nhiên, thời kỳ đó, vì cơ quan nhỏ, công nhân ít, diện tích đất bìa cạnh xưởng cao không sử dụng nên công ty không thu hồi mà trả lại cho địa phương quản lý, trong đó có phần đất của mẹ Lê Thị Thệ.

Đến năm 1997, theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An, Công ty Dược phẩm dược liệu Nghệ An đã bàn giao lại toàn bộ diện tích xưởng cao nói trên (trại dược liệu Tân Kỳ) cho Xí nghiệp Rượu đường Sông Con quản lý và sử dụng. Năm 2004, Công ty Mía đường Sông Con (nay là Công ty CP Mía đường Sông Con) được UBND tỉnh Nghệ An cho thuê 225.378m2 đất theo Quyết định số 1249/QĐ-UB.ĐC ngày 4/8/2004 của UBND tỉnh Nghệ An, để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở nhà máy đường trong thời hạn 20 năm. Ngày 13/8/2004, Công ty CP Mía đường Sông Con ký hợp đồng thuê đất số 82/HĐ-TĐ và ngày 28/9/2004 được UBND tỉnh Nghệ An cấp GCNQSDĐ số AA 172508 với diện tích 225.378m2.

Từ đó đến nay, trên mảnh đất ấy, mẹ Thệ cùng con cháu vẫn sử dụng ổn định để trồng hoa màu và sau này là làm bãi tập kết cát sỏi, không hề có sự tranh chấp với ai. Mặt khác, Công ty Mía đường Sông Con sau khi được UBND tỉnh cấp đất cũng đã xây tường bao xung quanh, cách phần đất của mẹ Thệ cả một con đường, trải qua 5 đời giám đốc, không ai tranh giành là đất công ty. Ấy thế mà, sau 9 năm được cấp bìa, công ty này mới “sực nhớ” là họ có một mảnh đất nằm ngoài bờ tường, liền khởi kiện ra tòa đòi lại đất trong sự ngỡ ngàng của khổ chủ cũng như người dân xung quanh.

Vì sự tắc trách trong quy trình cấp GCNQSDĐ mà xảy ra tranh chấp đất giữa gia đình mẹ Thệ và Công ty Mía đường Sông Con.

Mòn mỏi đi xin đất ở

Theo tìm hiểu, gia đình mẹ Lê Thị Thệ là gia đình truyền thống cách mạng. Chồng mẹ tham gia hỏa tuyến Bình - Trị - Thiên, hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương được một thời gian ngắn thì lâm bệnh sốt rét qua đời. Mẹ sinh được hai người con trai, con trai lớn là Nguyễn Thế Thướng, tuổi mới mười bảy đôi mươi đã viết đơn tình nguyện xin lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc năm 1968 và anh dũng hy sinh năm 1969, nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Con trai thứ là Nguyễn Thế Cường bị dị tật bẩm sinh, mất sức lao động, lưng gù, mắt lồi, chỉ cao 1,2m.

Mảnh đất trên là do gia đình mẹ và gia đình ông Tường, bà Mai (thông gia với mẹ) cùng khai hoang, phục hóa từ những ngày đầu lên bờ thành lập HTX Phượng Kỳ (năm 1972). Năm 1979, khi HTX Phượng Kỳ chuyển vào Kỳ Phong, gia đình ông Tường, bà Mai dù không nằm trong diện phải thu hồi nhưng vẫn theo HTX chuyển đi, nhường lại toàn bộ đất đai và tài sản cho gia đình mẹ. Việc chuyển nhượng đất đai, tài sản giữa hai gia đình có giấy tờ biên nhận rõ ràng, có xác nhận đầy đủ của đại diện HTX vận tải Phượng Kỳ cũng như UBND xã Kỳ Sơn thời điểm đó.

Năm 1994, tròn 30 năm đi xây dựng vùng kinh tế mới Tân Kỳ, xuất phát từ điều kiện tuổi cao sức yếu, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mẹ đã viết đơn xin chính quyền địa phương “xem xét chiếu cố”, giải quyết cho mẹ miếng đất mà ông Tường, bà Mai đã để lại cho mẹ để mẹ làm bìa đỏ và nhờ con cháu làm cho một ngôi nhà để mẹ ở và sản xuất chăn nuôi. Đơn xin đất ở của mẹ được Chi ủy Thanh Tân, Ban quản lý HTX Thanh Tân, Ban Chính sách TBXH xã Kỳ Tân cũng như UBND xã Kỳ Tân xác nhận và đề nghị UBND thị trấn Tân Kỳ, Ban quy hoạch huyện xem xét giải quyết để mẹ có chỗ ở, ổn định cuộc sống lâu dài.

Nguyện vọng xin đất ở của mẹ liệt sĩ Lê Thị Thệ là hoàn toàn đúng đắn, có cơ sở, cũng như phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và theo Khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai sửa đổi năm 2013. Tuy nhiên, nguyện vọng chính đáng đó của mẹ trong suốt 20 năm qua và cho đến khi mẹ nhắm mắt qua đời (tháng 9/2014) vẫn chưa được chính quyền sở tại xem  xét và giải quyết.

Một gia đình chính sách, có nhiều công lao đóng góp, hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc, sinh sống và sản xuất ổn định trên mảnh đất do chính họ tự tay vun xới liệu có xứng đáng được chính quyền cấp đất ở hay không?

Tác giả bài viết: Đức Long - Nhật Minh

Nguồn tin: