Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nợ phải trả của công ty bầu Đức tăng lên 33.000 tỷ đồng

Sau 2 lần bị nhắc nhở vì “chây ì” công bố thông tin, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016.
Trong 6 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai lỗ ròng 1.152 tỷ đồng và còn mắc nợ 26.683 tỷ đồng trong khi nợ phải trả tiếp tục tăng lên hơn 33.000 tỷ đồng.

Lỗ ròng 1.152 tỷ đồng

Cụ thể, trong quý 2/2016, HAG đạt hơn 2.028 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ bò chiếm chủ đạo với 48% là 973 tỷ đồng, doanh thu từ bán bất động sản chiếm 21%, đạt 419 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ 237 tỷ đồng, chiếm gần 12% tổng doanh thu.

Doanh thu gần như không tăng nhưng giá vốn hàng bán lại tăng đến 50% so với cùng kỳ năm trước nên lãi gộp chỉ còn 315 tỷ đồng. Đặc biệt là chi phí lãi vay tăng đột biến lên gấp đôi, lên hơn 500 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, HAG còn chịu lỗ khác gần 942 tỷ đồng, trong đó lỗ thanh lý tài sản hơn 397 tỷ đồng và lỗ từ đánh giá lại các tài sàn không hiệu quả gần 530 tỷ đồng.

Kết thúc quý 2/2016, HAG lỗ sau thuế gần 1.244 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 535 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm doanh thu hợp nhất 3.658 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí Hoàng Anh Gia Lai lỗ ròng 1.152 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 913 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo của HAG thì nguyên nhân lỗ nặng hơn 1.000 tỷ đồng là do thanh lý dự án bất động sản tại TPHCM 413 tỷ, đánh giá lại tài sản không hiệu quả 530 tỷ đồng và lỗ do lãi vay.

Nợ phải trả tăng lên hơn 33.000 tỷ đồng

Đáng chú ý là tính đến 30/6, tổng nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai còn 26.683 tỷ đồng, giảm 416 tỷ đồng so với 27.099 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 10.212 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2015. Ngược lại vay dài hạn giảm tương ứng, từ 18.801 tỷ đồng xuống còn 16.472 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6/2016, khoản mục nợ phải trả của HAG là 33.023 tỷ đồng, tăng 61 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Mặc dù tổng nợ vay giảm, nhưng với việc nợ ngắn hạn tăng lên là điều không lấy gì làm vui vẻ đối với ban lãnh đạo và cổ đông của HAG.

Tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam đã cho biết sẽ có 8.297 tỷ đồng vay ngắn hạn sẽ đến hạn thanh toán vào năm 2016.  Vì vậy, Ernst & Young Việt Nam đánh giá khá bi quan, “nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”.

Trong 6 tháng qua, việc nợ ngắn hạn tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng tiếp tục là gánh nặng trả nợ đối với dòng tiền của Hoàng Anh Gia Lai.

Trong vòng vài tháng qua liên tục các thông tin về việc HAG đám phán với các chủ nợ và xin phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền để tái cơ cấu các khoản vay nhưng  đến thời điểm hiện tại, phương án tái cơ cấu nợ của HAG chưa được Chính phủ phê duyệt.

 
Trụ sở của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: HAGL

Theo một số nguồn tin thì Ngân hàng Nhà nước đã thông qua để xuất của 10 ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho bầu Đức. Cơ quan này cũng đồng ý sẽ trình lên Chính phủ để xin ý kiến về phương án tái cơ cấu nợ cho bầu Đức.

Tuy nhiên, phương án tái cơ cấu nợ trình lên Chính phủ phê duyệt chỉ tái cơ cấu nợ cho những khoản vay để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Còn những khoản nợ liên quan đến bất động sản, HAGL sẽ phải thực hiện theo đúng nghĩa vụ trả nợ trên hợp đồng.

Hiện tại, HAG cũng chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên theo quy định, công ty dự kiến sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 9 tới tại đại bản doanh ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Việc HAG chuyển địa điểm tổ chức lên Phố Núi thay vì tại TP HCM như mọi năm cũng gây chú ý của cổ đông. Dự kiến bầu Đức sẽ đối mặt nhiều chất vấn của cổ đông về vấn đề quản trị công ty và tái cơ cấu nợ trong thời gian sắp tới.

Tác giả bài viết: Phương Diệp

Nguồn tin: