'Không phải cô giáo cứ tát tai, sỉ nhục là học sinh giỏi'
- 17:33 23-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
► Nữ sinh bị cô giáo sỉ nhục, tát tai xin chuyển trường
► Bị cô giáo sỉ nhục, nữ sinh… đòi chết
Vụ việc nữ sinh đòi tự tử vì bị cô giáo tát tai, cho cả lớp sỉ nhục tại trường THCS Trần Quốc Toản (Nha Trang, Khánh Hòa) thu hút sự quan tâm của cộng đồng những ngày qua.
Sau khi có đơn tố cáo cô Lê Văn Ý Ny, Tổ trưởng bộ môn Văn của trường khủng bố tinh thần con mình, bà Nguyễn Khánh Tường Vy đã làm thủ tục chuyển trường cho con gái.
Trên cộng đồng mạng, nhiều ý kiến bức xúc với cách hành xử của nữ giáo viên.
Đơn tố cáo của phụ huynh gửi các cấp tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: An Bình
Không thể cứ đánh là học sinh giỏi lên
Bạn Nguyên Phương kể lại câu chuyện tương tự, khi con gái chị vào lớp 1. Cô chủ nhiệm mâu thuẫn với cô ruột cháu là giáo viên trong trường nên không cho học sinh khác chơi với con. Ai chơi sẽ bị đuổi học.
"Bé nhà mình về khóc kể lại câu chuyện. Mình lên trường gặp các học sinh rồi nói chuyện với cô hiệu trưởng. Sau đó, nữ giáo viên phải xin lỗi con mình trước lớp", người mẹ kể.
“Là giáo viên, ngoài truyền đạt cho học sinh kiến thức, việc dạy các em điều hay lẽ phải để sau này làm người có ích cho xã hội, vô cùng quan trọng. Nhưng, nữ giáo viên có quá nhiều hành động không đẹp (chửi mắng đồng nghiệp, sỉ nhục, đánh đập và thu tiền học sinh). Cô vẫn đứng trên bục giảng và là Trưởng bộ môn văn. Cũng may, gia đình kịp thời phát hiện, nếu không chuyện đau lòng có thể đã xảy ra”, một bạn đọc bình luận.
Bạn Thu Trinh cho rằng, thầy cô là cha mẹ thứ hai của các em, vậy mà để xảy ra tình trạng trên, làm ảnh hưởng tâm lý và học tập của học sinh. "Mong nhà trường có biện pháp để không còn tái diễn trường hợp như trên nữa".
Theo bạn đọc Bình Nam, giáo dục bằng phương pháp đánh và sỉ nhục học sinh là rất phản cảm, nhất là với nữ sinh học lớp 8 đang độ tuổi trưởng thành, nhiều thay đổi về tâm lý.
"Tôi không phải người trong cuộc, chưa biết rõ thực hư, nhưng có nhiều cách dạy học trò, không thể đánh là học sinh giỏi được. Nhà trường phải hợp tác với giáo viên, giáo viên phải liên hệ với phụ huynh để dạy các cháu", Trường Nguyễn nêu quan điểm.
Cũng theo bạn đọc này, "tôi từng trải qua thời học sinh, có thể bị đánh chửi, tôi nhịn hết. Nhưng tôi không thể sống hay học tập với môi trường mà không có bạn bè hay bạn bè sỉ nhục".
Độc giả Nguyễn Xuân Phú cho rằng, cô giáo dạy văn trước hết phải là người có đạo đức, lòng nhân ái, biết quan tâm học trò. Những việc làm gây áp lực với học sinh là rất phản giáo dục.
Bên cạnh những ý kiến chỉ trích hành động của cô giáo Ny, có độc giả đề nghị mọi người nên nhìn vụ việc khách quan hơn, chưa nên kết luận vội vàng.
Cô giáo sai hoàn toàn nếu xâm phạm học sinh
Chia sẻ với Zing.vn, PGS.TS Nguyễn An Chất, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn, cho rằng: Hành động xâm phạm thân thể và xúc phạm tinh thần học sinh là sai hoàn toàn, bị pháp luật nghiêm cấm. Vụ việc này không chỉ liên quan tâm lý nữ sinh, mà còn ảnh hưởng nhiều học sinh khác.
Theo nhà nghiên cứu tâm lý này, hành vi của cô Ny không mang tính chất sư phạm, đi ngược chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Giáo viên đều đã trải qua đào tạo về sư phạm, được dạy hành xử thế nào, có những đức tính gì và chăm sóc học sinh ra sao.
“Hành vi đánh học sinh của cô Ny còn ảnh hưởng cách nhìn nhận của xã hội đến các thầy, cô giáo khác”, ông Chất nói.
Đồng tình quan điểm trên, bạn đọc tên Tuân bình luận: Con sâu làm rầu nồi canh. "Tôi vẫn ám ảnh mãi cảnh cô chủ nhiệm dạy lớp 8 và 9 cho bạn gái tát thẳng vào mặt bạn trai trong tiết học. Vì thế, tôi hiểu hành động đó phản giáo dục thế nào".
Học văn là học làm người |
Tác giả bài viết: Hoàng Như
Nguồn tin: