90% kẻ xâm hại tình dục trẻ em là người quen
- 17:16 23-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lạm dụng, xâm hại tình dục ở trẻ em đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Theo số mới đây của Bộ LĐTBXH và UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong 5 năm (2011-2015), Việt Nam phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ. Số vụ trẻ bị xâm hại tình dục lên tới 5.300 vụ.
Điều đáng nói hơn 90% kẻ xâm hại tình dục là người quen và 47% trong đó đó là họ hàng, gia đình của nạn nhân. Cũng theo các chuyên gia con số trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” thực tế số ca trẻ bị xâm hại tình dục còn cao hơn rất nhiều.
Lỗi do bố mẹ?
Nền kinh tế phát triển khiến cho nhiều bậc phụ huynh không còn thời gian chăm sóc con cái khiến trẻ dễ bị rơi vào nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại. Nhiều ý kiến cho rằng số ca trẻ bị xâm hại tình dục ở Việt Nam liên tục gia tăng là do bố mẹ Việt đang coi nhẹ nguy cơ con có thể bị lạm dụng, xâm hại. Hoặc khi con bị kẻ xấu lạm dụng, xâm hại bố mẹ lại thỏa hiệp không đứng lên đấu tranh cho con vì sợ những điều tiếng trong xã hội…
Thạc sĩ Tâm lý học, Nguyễn Thị Mai Hương, Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Hiện nay một bộ phận không nhỏ bố mẹ còn thiếu hiểu biết, chưa có kiến thức và kỹ năng nuôi con trong thời đại bùng nổ thông tin. Những tâm sự thầm kín của trẻ khó có thể nói được với bố mẹ do thiếu sự gần gũi chia sẻ. Cha mẹ cũng khó có những tác động giáo dục giới tính phù hợp với con.
Trẻ tò mò tự tìm hiểu có thể sẽ tiếp nhận những thông tin lệch lạc, bị bạn bè lôi kéo, người thân lạm dụng… Điều này dẫn tới nguy cơ trẻ dễ bị lạm dụng, xâm hại mà bố mẹ không hề hay biết”.
Trẻ tò mò tự tìm hiểu có thể sẽ tiếp nhận những thông tin lệch lạc, bị bạn bè lôi kéo, người thân lạm dụng. Ảnh: Doctorinsta.
Hậu quả khi trẻ bị lạm dụng, xâm hại
Một đứa trẻ khi bị lạm dụng, xâm hại tình dục chúng sẽ bộc lộ nỗi đau qua chỉ số hành vi, nhận thức, thể chất và tình cảm.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Hương cho hay, ở những đứa trẻ bị lạm dụng, xâm hại hành vi và ngôn ngữ lời nói của chúng có thể không phù hợp với lứa tuổi. Khi chơi cùng trẻ khác hoặc với búp bê, động vật có những trò chơi mang tính tình dục không phù hợp. Thậm chí trẻ còn có biểu hiện thủ dâm. Các em còn có biểu hiện đái dầm, ị đùn thường xuyên hơn hoặc cư xử thụt lùi so với lứa tuổi hoặc không phù hợp chuẩn mực đạo đức như: nói tục, mút ngón tay…
Trẻ bị lạm dụng, xâm hại thường có ý tưởng hoặc ý định tự sát, mất lòng tin, mơ hồ, nhầm lẫn, hồi tưởng, tự ti… Các em thường khó tập trung vào việc học. Nhiều em có thể gặp ác mộng lặp đi lặp lại.
Trạng thái xúc cảm của trẻ thường có xu hướng mất cân bằng, thần kinh luôn căng thẳng. Bé sẽ có thái độ tội lỗi, xấu hổ, giận dữ, cuồng nộ, hung hăng, buồn, đau đớn, lo lắng, sợ bị tấn công hoặc một điều gì đó.
Ngoài ra trẻ còn có những tổn thưởng nhất định về thể chất như rối loạn hoạt động tình dục; Đau hoặc rát ở bộ phận sinh dục, dễ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, mang thai…
“Tác động tổn thương của trẻ bị lạm dụng, xâm hại cũng rất khác nhau tùy thuộc vào khả năng tự hồi phục (Resilience) của cá nhân. Khả năng tự hồi phục chính là khả năng “bật dậy” sau một sự kiện biến cố trong cuộc sống”, Ths Mai Hương nói.
Tác giả bài viết: Hà Quyên - Ngọc Minh
Nguồn tin: