10 khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Olympic 2016
- 16:33 23-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thế vận hội mùa hè Rio đã giới thiệu một thế hệ mới các ngôi sao Olympic, chứng kiến không ít hình ảnh kỳ lạ và thú vị... được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.
“Rio 2016 đã không phải là một thảm họa lớn như nhiều người dự đoán trước ngày khai mạc. Kỳ Olympic này có đầy đủ những cảm giác mạnh và cả những sự kiện gây tranh cãi khiến nhiều người bị cuốn vào các cuộc bàn luận”, kênh CNN (Mỹ) đánh giá khi lựa chọn những khoảnh khắc của Olympic 2016.
Dầu bôi trơn. Trong lễ khai mạc và bế mạc, VĐV cầm cờ của đoàn Tonga, Pita Taufatofua, đã xuất hiện trên sân Maracana với kiểu “thời trang sáng bóng”. “Anh như một bức tranh sơn mài sống động. Cảm ơn Tonga, cảm ơn Pita Taufatofua, cảm ơn anh về thứ dầu đẹp trên người”, một khán giả có tên Curt Wagner ở Chicago chia sẻ trên mạng xã hội Twitter.
Bực mình. Trong lúc đợi tới lượt bơi, Michael Phelps nhìn chằm chằm về phía ngôi sao người Nam Phi Chad le Clos, một trong những đối thủ chính của anh thời gian qua. Tại Rio 2016, siêu kình ngư Mỹ giành tới năm HC vàng và một HC bạc. Trong khi đó, Clos chỉ có hai HC bạc, thua thành tích của chính anh tại London 2012 (một vàng, một bạc).
Áp đảo. Simone Biles, 19 tuổi, được đánh giá là nữ VĐV thể dục không thể ngăn cản ở Rio. Cô giành tới bốn HC vàng và một HC đồng, trong đó có hai tấm HC vàng toàn năng quý giá cá nhân và đồng đội.
Bể bơi đổi màu. Hai bể thi đấu cạnh nhau nhưng màu nước khác hẳn nhau, tại trung tâm thể thao dưới nước Maria Lenk. Nước trong một bể đổi từ màu xanh da trời sang màu xanh lá cây sau chỉ một đêm, khiến các VĐV e ngại trước phần thi chung kết nội dung nhảy cầu 10 m nữ hôm 9/8. Nhưng sau khi lấy mẫu nước xét nghiệm, ban tổ chức khẳng định không có ảnh hưởng xấu gì tới VĐV thi đấu, vì màu nước biến đổi chỉ là do tảo biển. Hôm đó, khi quan sát từ khán đài, VĐV Tom Daley (Anh) đặt câu hỏi trên Twitter: "Chuyện quái gì xảy ra thế này?".
Biểu cảm ấn tượng. Nữ VĐV bơi Trung Quốc Fu Yuanhi đã khiến cộng đồng mạng thích thú, khi cô diễn tả niềm vui của mình bằng một loạt vẻ mặt tươi cười khác nhau trong lúc trả lời phỏng vấn truyền hình, sau khi giành HC đồng 100m ngửa. “Tôi phải lòng Yuanhi mất rồi”, một người hâm mộ chia sẻ. “VĐV bơi Trung Quốc đã giành được tình yêu từ khắp nơi trên thế giới”, tờ Huffington Post của Mỹ bình luận.
Bất khả chiến bại. Usain Bolt không chỉ chiến thắng thuyết phục ở cả hai cự ly chạy nước rút, mà anh còn có thời gian để quay mặt về phía ống kính của các phóng viên nở nụ cười tươi khi lướt qua họ trên đường về đích phần thi bán kết 100m.
Trống vắng. Tình trạng khán đài bị bỏ trống xảy ra ở nhiều nhà thi đấu tại Olympic 2016, thậm chí ngay cả tại sân tổ chức môn điền kinh.
Tinh thần thể thao. Trên đường chạy 5000m nữ, Nikki Hamblin của New Zealand vấp ngã, vô tình khiến Abbey D'Agostino của Mỹ ngã theo. Nhưng họ không tranh cãi mà giúp nhau đứng dậy tiếp tục cuộc đua. VĐV Mỹ sau đó phải cần tới xe lăn để di chuyển khỏi chỗ thi đấu, nhưng tinh thần thể thao cao thượng giữa hai VĐV là một khoảnh khắc đáng nhớ của Rio 2016.
Sự trưởng thành ngoạn mục của các sao Olympic mới. Tại Rio 2016, có hai VĐV lớn lên cùng giấc mơ trở thành một người hùng thể thao giống như Michael Phelps, và nay chính bản thân họ đã trở thành những ngôi sao thu hút sự chú ý không kém thần tượng của mình năm xưa.
Nữ kình ngư Katie Ledecky, 19 tuổi, giành bốn HC vàng và một HC bạc, phá hai kỷ lục thế giới tại đường bơi Rio 2016. Hồi còn là bé gái 10 tuổi, cô đã chụp một bức hình cùng Phelps, người khi ấy đã nổi danh với 6 HC vàng Olympic có được từ Athens 2004. Hôm 15/8, Phelps và Ledecky đã cùng nhau tái hiện bức ảnh nổi tiếng. Và lần này, Katie có lẽ còn hạnh phúc hơn gần mười năm về trước khi cô trở thành người đặt bút ký vào một tấm poster tặng VĐV vĩ đại nhất lịch sử Olympic.
Joseph Schooling (trong ảnh), 21 tuổi người Singapore, cũng từng chỉ là một cậu bé khi đứng chụp hình cùng nhà vô địch Olympic và xin chữ ký của Phelps năm 2008. Còn tại Rio 2016, Schooling đã bất ngờ đánh bại thần tượng thời thơ ấu, qua đó giành HC vàng 100m bơi bướm. Anh trở thành VĐV Singapore đầu tiên giành HC vàng Olympic.
Thách thức. Feyisa Lilesa của Ethiopia bắt chéo hai cánh tay trên đầu, khi anh cán đích ở vị trí thứ hai đường chạy marathon, trong ngày thi đấu cuối cùng của Rio 2016. Đó là một dấu hiệu thay lời tuyên bố ủng hộ tình đoàn kết của bộ tộc người Oromo, dân tộc đông nhất ở Ethiopia (chiếm gần 40 phần trăm dân số). Nhưng với hành động đó, anh được CNN cho là có lẽ sẽ không thể trở về nhà. Tờ Guardian của Anh đưa tin Lilesa đang phải tìm kiếm nơi tị nạn sau hành động biểu tình đó.
“Đó là một tình huống rất nguy hiểm cho người Oromo ở Ethiopia. Trong chín tháng qua, hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Họ sẽ giết tôi, nếu tôi về nhà. Tôi không có một visa khác. Có lẽ tôi ở lại đây, Brazil. Còn nếu tôi có thể được cấp visa, tôi sẽ sang Mỹ”, VĐV 26 tuổi trả lời các phóng viên sau cuộc đua.
Tác giả bài viết: Nguyễn Phát