Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thiên đường dưới lòng đất của trẻ mồ côi Syria

Những trẻ em Aleppo 2-14 tuổi ăn, ngủ, vui chơi và học tập ở một khu trại dưới lòng đất khi những vụ đánh bom vẫn tiếp diễn trên đầu.

Trại trẻ mồ côi dưới lòng đất Moumayazoun ở thành phố Aleppo. Ảnh: Guardian


Trại trẻ mồ côi Moumayazoun (Những đứa trẻ xuất chúng) của vợ chồng anh Asmar Halabi là nơi cưu mang những đứa trẻ mất cha mẹ, nhà cửa do chiến tranh ở thành phố Aleppo.

Theo Guardian, trước cuộc chiến, Halabi vốn là một nhà kinh doanh. Vợ anh từng bị thương trong một cuộc không kích vào trường học hai năm trước. Hiện hai người vẫn chưa có con.

Năm ngoái, sau khi các nhà hoạt động bày tỏ lo ngại trước việc ngày càng nhiều trẻ em nghèo phải vật lộn một mình với cuộc sống, cô nhi viện này ra đời và có không gian cho hơn 100 đứa trẻ.

"Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát về số lượng trẻ em bị mất một hoặc cả cha lẫn mẹ, đáng buồn là con số đó không hề nhỏ", Halabi cho biết.

Được một tổ chức từ thiện và các cá nhân ở nước ngoài hỗ trợ, Halabi và nhóm của anh mất 6 tháng để cải tạo một tòa nhà thành ký túc xá và các lớp học.

Tuy nhiên, trước cường độ ngày càng tăng của các cuộc ném bom, những mục tiêu dân sự như nhà cửa, chợ, bệnh viện, trường học và trại trẻ mồ côi này cũng không còn an toàn. Họ sau đó quyết định chuyển xuống lòng đất hoạt động.

"Khi máy bay đến, chúng tôi xuống hầm với lũ trẻ", Halabi cho biết, thêm rằng ở đây, họ có đầy đủ tiện nghi nhưng không thể ra ngoài. "Chúng tôi từng đưa các em đến những khu vườn để vui chơi. Không may là các cuộc pháo kích và tấn công diễn ra liên tục nên chúng tôi phải hoàn toàn ngừng việc ra ngoài. Chúng tôi quan tâm đến việc đảm bảo sự an toàn cho bọn trẻ".

Halabi cho hay anh và những đứa trẻ đã thay đổi theo một cách bất thường trước cuộc sống khốc liệt mà họ phải đối mặt.

"Ví dụ, chúng từng cảm thấy sợ hãi khi nghe thấy tiếng máy bay, nhưng giờ chúng lại muốn ra ngoài, nhìn lên bầu trời để xem máy bay phản lực hoặc trực thăng mỗi khi nghe thấy tiếng động ở trên đầu", anh kể.

 

Asmar Halabi, giám đốc trại trẻ mồ côi ở Aleppo. Ảnh: Guardian
 

Nhóm của Halabi gồm 25 người, từ đầu bếp, nhân viên bảo vệ cho tới các giáo viên đủ các bộ môn. Họ cũng gồm những nhà tâm lý học làm việc toàn thời gian với một khu vực dành riêng để tư vấn cho những đứa trẻ bị chấn động tâm lý, như Yasmeen.

Yasmeen được các tình nguyện viên tìm thấy khi đang ăn xin trên phố. Cô bé lúc đó run rẩy vì sợ bóng tối sau khi mất cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, hiện em là đứa trẻ phát triển tốt nhất và đứng đầu lớp.

"Thành thật mà nói, khi những đứa trẻ đến đây, chúng tôi gặp rất nhiều vất vả vì chúng đã trải qua rất nhiều biến cố, nhưng sau một vài tháng, chúng đều tiến bộ", Halabi nói. "Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ và giáo dục chúng thành công trong tương lai. Hầu hết bọn trẻ đã mất cả cha lẫn mẹ trong cuộc chiến, có khoảng 5% số em chỉ mất một trong hai cha mẹ nhưng người còn lại thường có vấn đề về tâm thần nên không thể chăm sóc cho con mình".

Hai anh em ruột Omar, 12 tuổi, và Mufedah, 13 tuổi, bị mất cha. Người mẹ bị suy nhược thần kinh rồi sau đó mất tích. Các em bị người chú ruột ép đi xin thức ăn và tiền lẻ ở Aleppo. Hai anh em được nhóm của Halabi tìm thấy khi đang ngủ ở cầu thang tòa nhà chung cư của người chú.

Ngôi nhà mới của các em đầy màu sắc, có xích đu, khu vực làm đồ thủ công, có máy tính và các trò chơi khác. Ở đây có cả một sân khấu, nơi mà các nhà tâm lý học và giáo viên cố gắng giúp đỡ các trẻ em hồi phục chấn thương thông qua các vở diễn.

Không giống như những nhóm hỗ trợ ở các trại tị nạn, nhóm của Halabi không chỉ giúp những đứa trẻ vượt qua ký ức đau đớn mà còn phải chuẩn bị cho các em tinh thần để đối mặt với những thử thách trước mắt.

 

Không gian sống động bên trong trại trẻ. Ảnh: Guardian

 

Các khu vực do phe đối lập kiểm soát đã bị lực lượng chính phủ bao vây gần một tháng nay và dù vòng vây của quân đội ở nhiều nơi bị phá vỡ, phần lớn dân thường Aleppo vẫn bị mắc kẹt.

"Gần đây, chúng tôi đang dựng một vở kịch nói về cuộc bao vây, với những bài rap và bài hát cách mạng, dù lũ trẻ không hiểu hết 'bao vây' thực sự nghĩa là gì" Halabi nói.


Khi khả năng một cuộc bao vây đang ngày càng lớn, họ đã tính sơ tán sang Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cuối cùng vẫn quyết định sẽ không rời đi. Aleppo là nhà của họ và hơn hết, mỗi ngày vẫn có rất nhiều người thiệt mạng, bỏ lại những đứa trẻ tuyệt vọng.

"Chúng tôi giống như một gia đình lớn ở đây," Halabi nói. "Không có trại trẻ mồ côi nào khác ở Aleppo."

Tác giả bài viết: Thảo Phan