Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vị thế bá chủ thế giới của Mỹ sắp bị thay thế?

Hôm 21/8, The National Interest (TNI) của Mỹ dẫn lời nhà sử học lừng danh Michael Lind đồng thời là thành viên cao cấp tại tổ chức Nước Mỹ mới (NAF), cho rằng, vị thế siêu cường duy nhất hay bá chủ của Mỹ đang dần mờ nhạt và sắp biến mất.

Ông Michael Lind cho rằng, về ngắn hạn, nước Mỹ chắc chắn sẽ ngày càng giàu hơn. Tuy nhiên, vì nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Phi đang phát triển rất nhanh nên tỷ trọng của Mỹ trong sự giàu có toàn cầu chắc chắn sẽ giảm. Tỷ trọng sức mạnh quân sự của Mỹ so với của toàn cầu cũng sẽ giảm.

Primacy (tính ưu việt hay vị trí dẫn đầu ) là một khái niệm trong các mối quan hệ quốc tế. Nó có thể được hiểu là phân cực (một nước có thể ở riêng một “cực” về quyền lực quân sự và kinh tế, cực còn lại là phần còn lại của thế giới) hay bá chủ (một chức năng đặc biệt trong cộng đồng quốc tế phụ thuộc lẫn nhau). Theo TNI, dù hiểu theo nghĩa phân cực hay bá chủ thì “vị trí dẫn đầu” của Mỹ đều đang đi đến hồi kết.

 

Ảnh minh họa
 

Nhiều viện chính sách, các ngân hàng đầu tư và các công ty tư vấn đều có chung dự đoán rằng, tới khoảng năm 2050, thế giới sẽ có ba cực kinh tế gồm Mỹ, Trung Quốc, châu Âu hoặc thậm chí là 4 nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững.

Báo cáo “The World in 2050” (Thế giới năm 2050) của Tập đoàn kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) của Mỹ cho hay, năm 2050, Trung Quốc sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, Mỹ và Ấn Độ chiếm 14%, châu Âu chiếm 12%. Tổng 4 nước này chiếm 60% GDP toàn cầu.

Nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu (Economist Intelligence Unit), thuộc tạp chí The Economist cũng cho ra kết quả tương tự. Theo đó, đến năm 2030, ba nền kinh tế lớn nhất của thế giới sẽ là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Đến năm 2050, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giàu hơn cả 5 nước ở các vị trí tiếp theo cộng lại là Indonesia, Đức, Nhật Bản, Brazil và Vương Quốc Anh.

Thế giới ngày mai sẽ đa cực, chứ không đơn giản là lưỡng cực hay ba cực. Giai đoạn từ năm 1914 đến năm 2014 có thể được miêu tả chính xác là "thế kỷ của Mỹ". Trong Thế chiến I, GDP của Mỹ vượt qua cả Đế quốc Anh (bao gồm các quốc gia tự trị, các thuộc địa, các lãnh thổ bảo hộ, các lãnh thổ ủy thác và các lãnh thổ khác do Anh cai trị và quản lý cộng lại).

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama


Trong thế giới đa cực bị chi phối bởi Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ cùng nhiều quốc gia khác, không quốc gia nào còn là bá chủ về quân đội, tài chính hay thương mại.

Chính vì vậy, theo TNI, bức tranh tổng thể đã khá rõ ràng. Đến giữa thế kỷ này, thế giới sẽ có 4 cực Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu và Mỹ. Trong thế giới đó, không có siêu cường duy nhất nào như nước Mỹ ở Thế kỉ 20 còn tồn tại để đóng vai trò gọi là “người bảo hộ an ninh toàn cầu” và thúc đẩy một bộ quy tắc kinh tế riêng. Thay vào đó, Mỹ vẫn tiếp tục là một trong ba hay bốn cường quốc kinh tế lớn, và một trong hai hay ba cường quốc quân sự, nhưng sẽ không còn là nền kinh tế lớn nhất hay siêu cường duy nhất.

Về lý thuyết, Mỹ có thể đảm bảo sức mạnh bằng cách duy trì liên minh xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, điều này khó đạt được bởi châu Âu có thể chào đón viện trợ của Mỹ để tránh các mối đe dọa từ Trung Đông và Bắc Phi, nhưng họ sẽ không thể cùng Mỹ làm đồng minh để chống lại Trung Quốc trong trường hợp xảy ra Chiến tranh Lạnh.

Dù phải mất một thời gian khá dài để hệ thống mới thay thế đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu, nhưng hai chức năng bá quyền khác của Mỹ hiện đang “xuống cấp” nghiêm trọng. Thứ nhất, Mỹ sẽ không còn là thị trường ưa thích đầu tiên của các quốc gia đang có hướng xuất khẩu như cách mà Mỹ đang làm để thúc đẩy sự phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Thứ hai, dù hiện tại Mỹ vẫn là bá chủ quân sự ở 4 khu vực: Đông Á, Châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ, nhưng khi Trung Quốc phát triển, ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á bị đe dọa. Mối đe dọa này sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa với sự phát triển của Ấn Độ.

Trong suốt thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ đóng vai trò bá chủ của Liên minh Thế giới tự do do Mỹ dẫn đầu. Đối với các quốc gia khác trong liên minh, Mỹ là một người bảo hộ về quân sự, một thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu và đồng USD là đồng dự trữ quốc tế.

Tuy nhiên, một thế kỉ sau, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2014, GDP của Trung Quốc đã vượt qua cả Mỹ. Sự nổi lên của Trung Quốc là nguyên nhân gián tiếp, hoặc là một trong những yếu tố dẫn đến sự thụt lùi của Mỹ cả về kinh tế và chính trị. Sự ủng hộ của Trung Quốc đã giúp Nga chống lại Mỹ và các đồng minh phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngoài ra,  Trung Quốc đang cố xây dựng nhiều tổ chức quốc tế mới nhằm thay thế các tổ chức hiện đang nằm dưới sự ảnh hưởng lớn của Mỹ. Ví dụ, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) được cho là đối thủ của IMF, Ngân hàng thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

 

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Tác giả bài viết: Phạm Khánh