Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Biển miền Trung sẽ tự đào thải độc tố'

Theo qui luật về thủy lực, động lực học cũng như xét về mặt kiến tạo, có thể khẳng định rằng, biển miền Trung có thể tự làm sạch những chất ô nhiễm như phenol, xyanua, hydroxit Fe2, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Tại hội nghị Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế sáng nay, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, họ rất cần nắm bắt những thông số chính xác về mức độ an toàn của môi trường biển để có thể trả lời cho người dân.

“Mỗi lần chúng tôi đi kiểm tra hiện trạng môi trường biển, ở đâu người dân cũng hỏi “Biển đã an toàn chưa? Cá biển đã ăn được chưa? Nước biển có an toàn để tắm không?

Chỉ khi các nhà khoa học công bố kết quả phân tích hiện trạng môi trường biển mới có cơ sở để người dân tin tưởng”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh nêu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị đưa ra dự báo cho tương lai gần cũng như xa. Cần có thông báo về cơ chế tự phục hồi của môi trường biển: Độc tố trong nước biển sẽ bay hơi, hòa tan hay sẽ đi đâu, về đâu? Các ngưỡng về phenol và xyanua thì giới hạn cho phép là giới hạn nào? Cần có báo cáo cụ thể vì VN chưa có tiêu chuẩn cố định về ngưỡng an toàn của những độc tố này...

“Bộ Y tế kết luận quá chung chung", đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Hợp, giảng viên Trường ĐHKH - ĐH Huế sau khi nghe báo cáo.

PGS.TS Hợp nêu quan điểm, đã là báo cáo hiện trạng thì phải có thông tin về nguồn ô nhiễm, hội nghị cần giải thích bản chất vấn đề cá chết là gì? Do phenol, do xyanua hay từ nguồn độc tố nào? Nếu do phenol, xyanua hay sắt thì bộ phận nào của công ty Formosa gây nên?
 

PGS.TS Nguyễn Văn Hợp, Giảng viên Trường ĐHKH-ĐH Huế

“Báo cáo của các nhà nghiên cứu cũng nói rằng độc tố trong biển đang giảm dần. Vậy đã giảm đến đâu? Căn cứ vào đâu để xác định độc tố trong nước biển giảm theo thời gian? Có sự so sánh với các vùng biển không bị ô nhiễm, với quá khứ (trước thời điểm hiện trạng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt - PV) hay không?”, PGS.TS Nguyễn Văn Hợp hỏi.

Trước kết luận của Bộ Y tế liên quan đến vấn đề chất lượng hải sản đánh bắt, ông Hợp cho rằng “đây là kết luận mang tính chung chung” và chưa “phản ánh hết thực trạng vấn đề”.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định, kết luận của Bộ căn cứ trên các kết quả phân tích, đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

“Chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương khuyến cáo người dân sử dụng nguồn hải sản sạch, hải sản trong vùng được công bố bảo đảm chất lượng và không nhiễm độc tố. Thời điểm hiện tại, chưa thể khẳng định tất cả nguồn hải sản tại vùng biển miền Trung có thể ăn được hay chưa”, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.
 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Biển miền Trung sẽ tự đào thải độc tố. Ảnh: Quang Thành

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến, phân tích, đánh giá từ các đại biểu tham dự, trong đó có các ý kiến của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

“Trong đó các ý kiến đều nêu bật 3 vấn đề cần quan tâm liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra trên vùng biển một số tỉnh miền Trung trong thời gian qua. Ba vấn đề này cũng chính là những gì mà nhân dân đang quan tâm: Môi trường biển đã sạch chưa? Cá biển đã ăn được chưa? Nước biển đã an toàn để tiếp tục nuôi trồng thủy, hải sản hay chưa?”

“Nhiều cơ quan bộ, ngành, hàng trăm nhà nghiên cứu, nhà khoa học dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã vào cuộc, công ty Formosa cũng đã bị truy trách nhiệm và xin lỗi toàn thể nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường trong quá trình xả thải.

Việc chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục làm là tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ một số khu vực có dòng xoáy cục bộ, khả năng phân tán các chất trong nước kém, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải. Triển khai đồng bộ các hoạt động quan trắc, giám sát trên biển, trên đất liền; đặc biệt giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ công ty Formosa Hà Tĩnh”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chia sẻ, vấn đề “biển sạch” liên quan đến nhu cầu chính đáng của đồng bào miền Trung. Mặc dù, đến thời điểm này, có những nhân tố chưa thể đạt được trọn vẹn mong muốn của bà con nhưng thông qua báo cáo đánh giá của hội nghị, có thể khẳng định rằng, đây là những tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy diễn biến chất lượng nước biển, diễn biến liên quan đến mô hình hệ sinh thái đang có chiều hướng tích cực.

“Từ đó chúng ta xác định qui luật rất rõ ràng: Khả năng tự làm sạch, những qui luật về thủy lực, động lực học cũng như xét về mặt kiến tạo thì có thể khẳng định rằng, khu vực này hoàn toàn có thể tự làm sạch những chất ô nhiễm như phenol, xyanua, Hydroxit Fe2…Chúng ta có thể khẳng định rằng, môi trường tự nhiên cũng như biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải độc tố”, ông Hà nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Quang Thành