8 năm bị giam cầm và lạm dụng trong hầm tối của cô gái bị bắt cóc từ năm 10 tuổi chấn động thế giới
- 10:32 22-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bạn sẽ làm gì khi đột nhiên bị bắt cóc khi 10 tuổi, bị giam giữ trong hầm tối và phải chịu đủ mọi sự hành hạ về cả thể xác lẫn tinh thần? Bạn có thể chịu đựng được một cuộc sống của nô lệ tình dục hay không? Vậy mà cô bé Natascha Kampusch, đến từ nước Áo đã phải chịu đựng điều đó trong suốt 8 năm - từ năm 10 tuổi cho đến năm 18 tuổi. Tuổi thơ của cô gái bỗng nhiên trở thành quãng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời với đủ mọi cung bậc cảm xúc sợ hãi, ghê tởm, đau đớn...
Năm 2006, Natascha trốn thoát khỏi nơi giam cầm, kết thúc một trong những vụ bắt cóc dài nhất trong lịch sử hiện đại, nơi tuổi thơ của cô bé đã trôi qua trong "địa ngục trần gian".
Buổi chiều định mệnh
Natascha Kampusch là một cô gái người Áo sinh ra trong gia đình không có hạnh phúc trọn vẹn. Cha cô tiêu tiền như nước và mẹ cô phải đối mặt với việc làm thế nào để gia đình có đủ tiền sống, chi trả cho những hóa đơn dồn dập. Đôi lúc áp lực trong cuộc sống khiến bà trút giận lên con gái mình.
Tất cả mọi thứ đều thay đổi khi Natascha 10 tuổi và bị bắt cóc. Điều trớ trêu là ngày bị bắt cóc cũng là ngày đầu tiên cô đến trường một mình. Mẹ cô luôn bảo vệ cô quá mức và Natascha muốn cảm giác độc lập nhưng bất hạnh thay, cô đã chọn nhầm ngày. Cô không biết rằng chỉ một quyết định nhỏ đó đã khiến cô phải chịu đựng nhiều năm trời bị nhốt trong căn hầm bí mật.
Cô bé Natascha Kampusch bị bắt cóc khi tự mình đi bộ đến trường.
Vào ngày 2/3/1988, tại thành phố Viên, nước Áo, một người đàn ông lái chiếc xe buýt nhỏ phóng tới gần cô bé. Lợi dụng lúc vắng người, gã lao ra và nhanh chóng khống chế, ép bé vào trong thùng sau của chiếc xe. Người đàn ông đó là Wolfgang Priklopil, 36 tuổi, một kỹ thuật viên viễn thông. Gã sống cùng với bố mẹ ở Strasshof, cách thành phố Viên nửa giờ đi xe ô tô.
Sau khi vụ việc xảy ra, một cuộc tìm kiếm quy mô lớn được cảnh sát tổ chức để tìm kiếm cô bé mất tích. Thậm chí, cảnh sát đã lục soát cả chiếc xe buýt nhỏ của Priklopil nhưng kẻ bắt cóc đã kịp xóa mọi dấu vết. Cuộc tìm kiếm bé Natascha trở thành một bí mật suốt nhiều năm sau đó. Còn bố mẹ của bé thì gần như trở nên điên loạn vì nỗi đau khổ mất con.
Đã chuẩn bị cho kế hoạch bắt cóc một cách cẩn thận từ trước, Priklopil đưa cô bé vào một căn hầm không có cửa sổ, cao hơn 1m, nằm bên dưới gara ô tô của căn nhà nơi hắn ở. Một chiếc quạt máy thông gió được cài sẵn để cung cấp không khí cho căn hầm.
Căn hầm nhìn từ bên ngoài và chân dung kẻ bắt cóc.
Ác mộng 3069 ngày
Trong cuốn tự truyện của mình, cô kể đã bị đánh đập trên 200 lần một tuần, bị xích với kẻ bắt cóc trong khi cả hai ngủ trên giường của hắn, bị ép cắt tóc và làm việc với tình trạng gần như khỏa thân, giống như một nô lệ trong nhà và tất nhiên việc lạm dụng tình dục diễn ra thường xuyên hơn khi cô bé bắt đầu dậy thì.
Kampush nói rằng Priklopil, kẻ bắt cóc buộc cô phải gọi hắn là “Ông chủ của tôi”, “Nhạc trưởng” và nói với cô rằng: “Mày không còn là Natascha nữa. Giờ mày thuộc về tao”.
Kampush kể cô bị Priklopil đánh đập tàn tệ tới mức xương cô bị gãy. Hắn rất ghét và tức giận mỗi khi cô khóc kêu đau. Kết quả của những cơn tức giận đó là cô gái bị Priklopil lao tới bóp cổ, nhấn cô xuống nước cho tới khi bất tỉnh.
“Tôi vẫn nhớ rất rõ cảm giác ớn lạnh xương sống khi Priklopil đập liên tiếp vào đầu tôi vào hôm đầu tiên”, cô cho biết. Thậm chí, cô gái đã cố gắng tự tử một vài lần nhưng không thành công.
Bên trong căn hầm nơi cô bé Natascha phải sinh tồn trong suốt 3096 ngày.
Trong tâm tư non nớt của cô bé lúc bấy giờ đã dần hiểu được hoàn cảnh nên học cách chấp nhận sự thật rằng cô sẽ phải ở lại trong căn phòng tối ấy và phục vụ gã đàn ông kia. Cô bé đã biết kiềm chế cảm xúc, thôi van xin và chỉ khóc khi đêm về vì thương nhớ cha mẹ. Natascha ngày càng ngoan ngoãn nghe theo lời tên bắt cóc và lên kế hoạch để giải thoát mình.
Natascha muốn gã đàn ông tin rằng cô bé đã chấp nhận cuộc sống với hắn và cũng đã đưa ra một số yêu cầu nhưng hắn không đồng ý tất cả. Natascha yêu cầu được xem tivi và có sách vở để học nhưng kẻ bắt cóc chỉ cho phép cô bé có sách vở và một chiếc đài nhỏ chỉ với vài kênh nước ngoài vì hắn sợ rằng các kênh trong nước có thể phát tin tức về việc tìm kiếm cô bé.
Trong 6 tháng đầu, Natascha bị nhốt trong phòng cả ngày lẫn đêm. Sau đó, Priklopil cho phép cô ban ngày lên nhà trên nhưng ban đêm phải trở về phòng giam ngủ. Những lúc y vắng nhà, Kampush cũng bị nhốt trong phòng. Vài năm sau, căn phòng được nâng cấp tương đối tiện nghi hơn.
Ngày này qua ngày khác mọi sinh hoạt của Natascha chỉ diễn ra trong căn phòng 5m2 nên cô bé đã dành toàn bộ thời gian để đọc sách và nghe đài. Ý thức việc không được tới trường có thể khiến mình trở nên lạc hậu vì thế cô bé luôn cố gắng đọc tất cả những gì gã đàn ông cho phép và nghe tất cả những chương trình trên chiếc đài nhỏ.
Từ tháng 6/2005, Kampush được phép đi dạo trong vườn nhà. Từ tháng 2/2006, thỉnh thoảng Natascha được phép ra khỏi nhà. Có một lần Priklopil đưa Natascha đi trượt tuyết vài giờ. Tuy nhiên, Wolfgang Priklopil luôn biết nắm đúng tâm lý của Kampush tới mức biết rõ cô phản ứng thế nào nên hắn hoàn toàn có thể điều khiển Kampush theo ý muốn.
Cô bé Natascha phải tự học cách sinh tồn suốt 8 năm bị giam giữ (Ảnh cắt từ bộ phim Ác mộng 3096 ngày).
Giải thoát
Ngày 23/8/2006, Kampusch thoát khỏi sự giam cầm khi đã 18 tuổi. Sáng 23/8/2006, Natascha có nhiệm vụ dùng máy hút bụi làm vệ sinh chiếc BMW 850i trong sân vườn. Tới gần trưa, có một người gọi điện cho Priklopil. Vì chiếc máy hút bụi quá ồn nên Priklopil bước ra ngoài để nghe điện thoại. Thừa dịp, Natascha nhảy hàng rào chạy trốn, vượt qua một con lộ khoảng 200 m, lại vượt rào và nhờ người qua đường gọi cảnh sát tới. Tuy nhiên, không ai quan tâm đến tình cảnh của cô.
Cuối cùng Natascha gõ cửa sổ nhà một bà cụ 71 tuổi và nói: “Cháu là Natascha Kampusch”. Ngay lập tức cảnh sát có mặt sau khi nhận được cú điện thoại của bà cụ. Natascha lập tức được đưa đến đồn cảnh sát thành phố Deutsch Wagram. Cảnh sát mau chóng xác định được cô gái đích thực là Natascha Kampusch qua xét nghiệm ADN, một vết thẹo trên người và sổ thông hành (tìm thấy trong phòng nhốt Natascha).
Cô bé cuối cùng cũng tự giải thoát cho mình sau 3096 ngày bị giam hãm.
Khi bị bắt cóc, Natascha cân nặng 45 kg. Tám năm sau, em chỉ cao thêm được 18 cm và cân nặng 48 kg. Natasha cho biết ăn uống rất thất thường trong suốt thời gian bị giam cầm. Trong khi đó, Priklopil hay tin Natascha bỏ trốn đã lấy xe chạy trốn cảnh sát đến một trạm ga xe lửa ở ngoại ô Vienna. Kẻ bắt cóc điên loạn này đã nhảy vào đầu xe lửa tự tử chết. Trước đó, y có nói với Natascha rằng “cảnh sát sẽ không bao giờ bắt được ta lúc còn sống”.
Tháng 9/2010, Natascha giới thiệu hồi kí đầu tay nhưng mang đầy kinh nghiệm thực tế của mình. Cô trở nên mạnh dạn hòa nhập cộng đồng bằng việc trả lời báo chí, dẫn chương trình truyền hình “Trò chuyện với Natascha Kampusch”. Cuốn sách 3.096 ngày sống trong “địa ngục” đã đánh dấu sự hòa nhập thực sự với cộng đồng của cô gái.
Ngày 28/2/2013, Natascha Kampusch đã tham dự buổi ra mắt một bộ phim mang ý nghĩa đặc biệt. Bộ phim này được sản xuất dựa trên quãng đời kéo dài 8 năm bị bắt cóc của cô. Bộ phim mang tên: Ác mộng 3.096 ngày, được phát hành khắp Châu Âu.
Hiện nay, Natascha Kampusch sống hạnh phúc bên gia đình và đứng đầu một quỹ từ thiện chuyên cứu giúp những phụ nữ bị lạm dụng.
Sau chuỗi ngày bị ám ảnh bởi quá khứ, giờ đây Natascha có thể dũng cảm kể lại câu chuyện của cuộc đời mình.
Cuốn tự truyện 3069 ngày địa ngục của Natascha đã gây chấn động thế giới.
Bộ phim dựng lại câu chuyện có thật của Natascha đã được trình chiếu ở nhiều nơi trên thế giới.
Tác giả bài viết: hongnam/theo Hồng Nam