Di dân tới vùng “đất chết”
- 10:20 22-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủy điện Hủa Na có công suất 180 MW, tổng mức đầu tư trên 7.000 tỉ đồng do Công ty CP Thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư, hoạt động từ tháng 9-2013. Để thực hiện dự án, 1.362 hộ dân với hơn 5.000 người tại 14 thôn, bản phải di dời đến nơi ở mới. Sau 3 năm nhà máy thủy điện Hủa Na đi vào hoạt động, nhiều hộ dân thuộc diện di dời vẫn chưa thể ổn định cuộc sống.
Thiếu nước sạch, đất sản xuất
Có mặt tại khu tái định cư (TĐC) Piềng Cu 2, xã Tiền Phong vào những ngày giữa tháng 8-2016, chúng tôi mới cảm nhận hết được nỗi khổ của người dân nơi đây. Giờ làm việc nhưng đi dọc theo con đường nhỏ vào bản, chúng tôi bắt gặp rất nhiều phụ nữ, đàn ông ngồi tụ tập trước nhà vì không có việc làm.
Người dân bản Piềng Cu 2 gặp nhiều khó khăn do không có nước sạch, đất sản xuất
Ông Lê Văn Đạo (42 tuổi) cho biết trước đây, gia đình ông ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong. Năm 2011, khi nhà nước làm thủy điện Hủa Na, gia đình ông phải chuyển đến nơi này. “Ở đây không có đất trồng lúa nước như ban đầu chính quyền hứa, đất rừng cũng không có nên hằng ngày phải đi 20-30 km vào rừng sâu đi lấy măng về bán. Đi bộ cả ngày, vất vả nhưng cũng chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng để mua gạo ăn qua ngày” - ông Đạo buồn bã.
Tại khu TĐC Piềng Cu 1 và khu TĐC Piềng Cu 2 hiện có 137 hộ dân chưa được cấp đất sản xuất lúa nước nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Để nuôi sống gia đình, nhiều người bất chấp nguy hiểm quay lại nơi ở cũ là khu vực lòng hồ thủy điện Hủa Na mưu sinh.
Tại xã Tiền Phong còn có 117 hộ dân khu TĐC Huôi Siu - Huôi Lạn, 31 hộ dân khu TĐC Xốp Cọ - Nậm Niên cũng rơi vào tình cảnh không đất sản xuất.
Bên cạnh đó, các hộ dân còn phải đối diện tình trạng không có nước sạch để sử dụng. Ông Lang Văn Nguyên (ngụ khu TĐC Piềng Cu 2) bức xúc: “Công trình nước sạch ở bản có cũng như không vì hư hỏng mấy năm nay. Thiếu nước sạch, chúng tôi phải sử dụng nước suối bẩn”.
Cắt gạo, không biết lấy gì ăn
Ông Nguyễn Đình Kiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho biết theo phương án thì một nhân khẩu khi chuyển tới khu TĐC sẽ được bố trí 200 m2 đất để trồng lúa nước. Thế nhưng, đã 4 năm nay, người dân vẫn chưa được cấp đất và một số khoản đền bù vẫn chưa được trả.
Theo ông Kiệm, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt nên đời sống người dân rất khó khăn, nếu không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của nhà nước thì khó trụ nổi. “Đến tháng 10-2016, việc cấp gạo cho người dân TĐC thủy điện Hủa Na sẽ dừng, lúc đó không biết người dân lấy gì để sống” - ông Kiệm lo lắng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, thừa nhận có những bất cập trong việc đền bù, TĐC thủy điện Hủa Na, dẫn tới việc người dân gặp khó khăn trong cuộc sống. “Trước năm 2015, sự phối hợp và vào cuộc của thủy điện Hủa Na chưa tốt do họ gặp khó khăn. Ngoài ra, việc khảo sát ban đầu về những điểm khai hoang ruộng nước bất cập nên khi vào thực tế, những điểm này không thể triển khai được. Để người dân có thể ổn định cuộc sống, huyện đã đề xuất phương án chuyển từ sản xuất lúa nước sang cấp đất màu, hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi” - ông Giáp nói.
Liên quan đến hàng loạt công trình ở các khu TĐC như: nước sạch, đường giao thông, nhà văn hóa... bị xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân TĐC thủy điện Hủa Na, ông Giáp khẳng định sẽ yêu cầu chủ đầu tư thủy điện này sửa chữa xong trước ngày 31-12.
Kiến nghị tiếp tục hỗ trợ người dân |
Tác giả bài viết: Đức Ngọc