Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trùm buôn gỗ lậu Hà “đen” cải trang làm công nhân nuôi tôm

Trước khi bị bắt về hành vi “vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng”, Hà “đen” từng có 2 tiền án phạt 8 năm 9 tháng tù giam về tội "Cố ý gây thương tích" và "Cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng".
Ngày 20-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã cơ bản hoàn tất việc lấy lời khai đối với nghi can Lê Hồng Hà, tức Hà “đen” (48 tuổi, quê huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), tạm trú tại xã Đạm Bri, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Hà là trùm đường dây khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ lậu tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, rạng sáng ngày 8-7, khi lực lượng thuộc Bộ Công an triệt phá đường dây khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép tại rừng phòng hộ giáp ranh giữa 3 tỉnh Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Phước, thuộc các tiểu khu 390A, 396, 397, lâm trường Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) thì Hà “đen” đã nhanh chân bỏ trốn.

Sau 42 ngày lẩn trốn, chiều 18-8, lực lượng chức năng vây bắt khi y đang cải trang làm công nhân nuôi tôm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 

Trùm buôn gỗ lậu Hà "đen" tại cơ quan Công an tỉnh Lâm Đồng.

Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết ban đầu đối tượng này tỏ ra rất lì lợm, khai báo quanh co hòng chối tội, gây khó khăn cho công tác điều tra. Hà “đen” chỉ khai nhận, mới khai thác gỗ trái phép tại rừng phòng hộ gần thủy điện Đồng Nai 5, huyện Bảo Lâm được khoảng 10 ngày thì bị cơ quan chức năng phát hiện, phải bỏ trốn. Số gỗ đối tượng này khai thác chưa nhiều.

Tuy nhiên, các điều tra viên đã đưa ra những chứng cứ có liên quan đến vụ án khiến cho nghi can này không thể chối cãi. Hà “đen” dè dặt khai báo, thừa nhận mình chính là người cầm đầu đường dây triệt hạ gỗ rừng tại các tiểu khu 390A, 396, 397, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm.

 

Công an tỉnh Lâm Đồng lấy lời khai trùm lâm tặc Lê Hồng Hà (48 tuổi, quê Nghệ An) để điều tra làm rõ.

Bước đầu đối tượng này cho biết y đã thuê người khai thác gỗ tại đây từ tháng 12-2015 cho đến khi bị phát hiện vào ngày 8-7. Tuy nhiên, vẫn giải thích quanh co, chưa khai ra đường dây, cũng như những nhân vật tiếp tay đưa trót lọt số lượng gỗ lớn ra khỏi rừng mà không gặp trở ngại nào.

Khi đường dây khai thác gỗ rừng trái pháp luật bị lộ, Hà “đen” lập tức bỏ trốn xuống thăm vợ con tại quận Gò Vấp TP HCM . Ngay sau đó, để tránh khỏi sự truy bắt của lực lượng công an, đối tượng này liên tục di chuyển qua nhiều địa điểm khách nhau tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước.

 

Gần 10 đối tượng dưới trướng của Hà "đen" bị lực lượng Công an bắt giữ và lấy lời khai ngày 8-7, tại tiểu khu 390A, Lộc Bắc, Bảo Lâm, Lâm Đồng.

Từ nguồn tin của trinh sát, khoảng 15 giờ 30 ngày 18-8, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bắt được Lê Hồng Hà khi y đang cải trang làm công nhân nuôi tôm tại xã Phước Hòa, huyện Tân Thành.

Thượng tá Phạm Xuân Thủy, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết trước đó, khi hay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng phát lệnh tra nã Lê Hồng Hà, vợ của đối tượng này đã từ TP HCM lên Lâm Đồng xin cho chồng ra đầu thú nhưng Hà “đen” vẫn tiếp tục lẩn trốn.

 

Nhưng cây gỗ dổi trăm năm tuổi bị nhóm lâm tặc Hà "đen" triệt hạ tại tiểu khu 390A, Lộc Bắc, Bảo Lâm.

Một chi tiết quan trọng khác là trước khi bị bắt, Lê Hồng Hà từng có có 2 tiền án về tội cố ý gây thương tích (9 tháng tù) và cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng (8 năm tù).

Hà “đen” bị khởi tố và bị bắt tạm giam trong thời gian 8 tháng để điều tra mở rộng vụ án. 10 nghi can là “đàn em” của Hà “đen” có liên quan đến vụ án này cũng đã bị Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố, bắt giam.

 

Hàng trăm phách gỗ dổ thuộc nhóm 2 lực lượng chức năng phát hiện tại tiểu khu 390A, Lộc Bắc, Bảo Lâm.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 8-7, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) và Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20) đã mật phục, bắt quả tang nhóm “lâm tặc” khoảng 20 người đang khai thác gỗ tại Thủy điện Đồng Nai 5, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Qua thống kê thiệt hại, có tổng cộng 109 cây gỗ quý (ước tính hơn 330m3) thuộc nhóm 2 (nhóm quý hiếm, hạn chế khai thác) bị đốn hạ trong thời gian dài.

Tác giả bài viết: Đình Thi