Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Luật sư từ chối tranh luận vì… người dân không được vào dự phiên tòa

Để đảm bảo trật tự cho phiên tòa, lực lượng hỗ trợ tư pháp chỉ cho phép những người là đại diện hợp pháp của người bị hại, thân nhân người bị hại, những người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan có giấy triệu tập của tòa án. Cho rằng như vậy là vi phạm Hiến pháp, vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho phía bị hại từ chối tranh luận và rời phòng xét xử khi phiên tòa đang diễn ra.
Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khiến 1 người tử vong.

Ngày 15/8, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ" đối với Đặng Thị Thuấn (SN 1982, trú tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh, Nghệ An). Đây là lần thứ 3 phiên tòa phúc thẩm được diễn ra. 2 lần trước, phiên tòa đã bị hoãn theo đơn xin hoãn của bị cáo và vắng mặt một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Người nhà bị hại đã tập trung trước cổng tòa án và kéo lên trụ sở UBND tỉnh Nghệ An để phản đối.
 
Để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong quá trình diễn ra xét xử, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa chỉ cho phép những người có giấy mời, giấy triệu tập của tòa án vào phòng xét xử.

Vào chiều ngày 27/11/2015, khi phiên sơ thẩm kết thúc với bản án 24 tháng tù giam đối với bị cáo Thuấn, ngoài ra Thuấn cùng với chủ xe phải liên đới bồi thường cho bị hại 560 triệu đồng, cấp dưỡng nuôi 4 con và mẹ của nạn nhân từ 400-500 nghìn đồng/tháng/người, người nhà bị hại Phạm Văn Tuấn (trú tại xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng đã kéo đến trụ sở UBND huyện Hưng Nguyên la hét, xô đẩy cổng để phản đối phán quyết của TAND huyện này.

Sau đó, đại diện hợp pháp của người bị hại đã có đơn kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt, tăng mức đền bù đối với bị cáo Thuấn. Đặng Thị Thuấn cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo cáo trạng của Viện KSND, vào khoảng 20h40 ngày 18/3/2015, Nguyễn Hữu Tưởng (SN 1986, trú tại xã Thành Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) điều khiển xe ô tô BKS 37A-116.78 chở theo Đặng Thị Thuấn và ba người khác theo Quốc lộ 46 hướng Nam Đàn - Vinh. Sau đó, Tưởng nhờ Thuấn điều khiển xe hộ.

Thuấn điều khiển xe đến vòng xuyến xã Hưng Đạo thì rẽ trái theo đường tránh Quốc lộ 1A hướng ra Bắc để đi theo đường Quốc lộ 46B về Tp. Vinh. Khi đến đoạn giao cắt giữa đường tránh Quốc lộ 1A và Quốc lộ 46B (địa phận xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An), Thuấn điều khiển đến trung tâm điểm giao cắt thì có người trên xe nhắc “rẽ phải” nên đánh tay lái rẽ phải.

Tại thời điểm đó, Thuấn không giảm tốc độ xe dẫn tới xe lấn làn đường, đâm vào xe ô tô BKS 37C-074.01 do anh Phạm Văn Tuấn điều khiển chở theo 4 người khác đang dừng đèn đỏ trên Quốc lộ 46B. Hậu quả, anh Tuấn tử vong trên đường đi cấp cứu, ông Nguyễn Văn Thu (ngồi trên xe anh Tuấn) bị tổn hại 15% sức khỏe. Xe ô tô của anh Tuấn cũng bị hư hỏng nặng, thiệt hại 448 triệu đồng.

Ngày 6/6/2015, Công an huyện Hưng Nguyên đã có quyết định trả chiếc xe ô tô BKS 37A-116.78 cho chủ phương tiện là ông Nguyễn Hữu Tịch và xe ô tô BKS 37C – 074.01 cho bà Hồ Thị Huyền (vợ anh Tuấn). Khi chiếc xe được trả, ông Nguyễn Hữu Tịch (bố anh Tưởng) đã nhanh chóng bán chiếc xe cho một người khác. Chiếc xe sau đó đã bị sửa chữa làm mất dấu vết va chạm của vụ tai nạn giao thông.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nhân chứng của vụ án là ông Hoàng Văn Sơn (trú tại xã Hưng Tây) đã thay đổi lời khai so với bản khai tại cơ quan điều tra. Ông Sơn khẳng định lịch trình của chiếc ô tô BKS 37A – 116.78 không đúng như cáo trạng viết đồng thời khẳng định chiếc xe ô tô do Thuấn điều khiển đã vượt đèn đỏ và đâm trực diện vào xe của anh Tuấn.

 
Bị cáo Đặng Thị Thuấn nhận lỗi về mình nhưng khẳng định là không vượt đèn đỏ.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho phía bị hại cho rằng trong vụ án này, Viện KSND huyện Hưng Nguyên truy tố Đặng Thị Thuấn tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là chưa hợp lý. Cần phải áp dụng khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự, vì bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Bên cạnh đó, vị luật sư còn cho rằng cơ quan chức năng đã bỏ sót tình tiết tăng nặng đối với Đặng Thị Thuấn vì đã không chấp hành chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, cụ thể là đã vượt đèn đỏ gây tai nạn giao thông hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; CQĐT không kiểm tra nồng độ cồn của lái xe gây tai nạn; Nhân chứng khách quan của vụ án là ông Hoàng Văn Sơn không được tham gia vào quá trình khám nghiệm hiện trường; Vật chứng quan trọng của vụ án là chiếc xe ô tô BKS 37A-116.78 đã được trao trả cho chủ phương tiện khi việc điều tra chưa hoàn tất…

Nhận định đây là một phiên tòa phức tạp nên sáng ngày 15/8, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Nghệ An đã thắt chặt an ninh trước cổng tòa. Chỉ có những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người có giấy triệu tập và giấy mời của Tòa án mới được vào phòng xét xử. Người nhà bị hại tỏ ra bất bình khi nhiều người dân không được vào theo dõi phiên tòa.

Nhiều lần, luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại và người nhà bị hại đề nghị chủ tọa cho phép tất cả người dân đang đứng ngoài cổng tòa được vào phòng xét xử. Chủ tọa phiên tòa cho biết, đây là phiên xét xử công khai, tất cả người dân đều có quyền tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, theo quy định, vấn đề bảo vệ an ninh phiên tòa là trách nhiệm của lực lượng công an.

Trong quá trình xét xử, Chủ tọa phiên tòa cũng nhiều lần nhắc nhở người thân của bị hại và người dân tham dự phiên tòa giữ trật tự, không gây ồn ào ảnh hưởng đến việc xét hỏi của HĐXX.

 
Đại diện hợp pháp của người bị hại tại phiên tòa, tuy nhiên đến phiên xét xử buổi chiều, phía bị hại không vào tòa để phán đối việc lực lượng cảnh sát không cho tất cả người dân có mặt vào phòng xét xử.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thuấn thừa nhận nguyên nhân vụ việc xuất phát từ lỗi của bị cáo. Bị cáo cũng khẳng định mình không vượt đèn đỏ và gây tai nạn đồng thời đề nghị tòa cho phép mình được thỏa thuận đền bù với bị hại. Trả lời câu hỏi của luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại, Thuấn cho biết sau khi vụ tai nạn xảy ra, trước sự chứng kiến của 1 cán bộ Công an huyện Hưng Nguyên, bác sỹ đã lấy máu để kiểm tra nồng độ cồn trong máu bị cáo. Tuy nhiên tình tiết này không được đề cập đến phiên xét xử sơ thẩm.

Bị cáo xin được hưởng án treo vì đang nuôi con nhỏ và để làm việc, kiếm tiền đền bù cho phía bị hại. Trong khi đó, phía bị hại bác bỏ những lời khai của bị cáo Thuấn trước tòa. Chị Huyền - vợ nạn nhân Tuấn khẳng định có nhân chứng chứng kiến bị cáo Thuấn vượt đèn đỏ gây nên vụ tai nạn khiến chồng chị tử vong. Các nhân chứng cũng khẳng định với đại diện bị hại là thời điểm sau khi tai nạn xảy ra, bị cáo Thuấn vẫn tỉnh táo, bò lên xe ngồi, trên xe có chai rượu bị vỡ.

Đầu giờ chiều, việc xét xử được tiếp tục. Phía bị hại yêu cầu lực lượng cảnh sát phải để tất cả người dân có mặt vào phòng xét xử. Không được đáp ứng yêu cầu, đại diện hợp pháp của người bị hại cũng không vào tham gia phiên tòa dù thư ký tòa án đã ra tận cổng mời vào.

Phiên tòa được tiếp tục dù phía bị hại từ chối vào tham dự. Vị luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại cho rằng Tòa đã vi phạm hiến pháp nên từ chối tranh luận và bỏ về khi buổi xét xử mới được bắt đầu.

Đại diện Viện KSND tỉnh đề nghị trả hồ sơ điều tra lại vì xuất hiện những tình tiết mà trong phiên xét xử không thể làm rõ. HĐXX quyết định kéo dài thời gian nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 18/9 tới.

Ngay sau đó, người nhà bị hại cùng với di ảnh, khăn tang đã kéo đến cổng UBND tỉnh Nghệ An khiến an ninh trật tự và giao thông đi lại khu vực này bị ảnh hưởng. Công an tỉnh Nghệ An, Công an TP Vinh đã huy động lực lượng đảm bảo trật tự, phân luồng giao thông. Đến 18h30 trật tự ở khu vực này mới được vãn hồi khi người nhà bị hại Phạm Văn Tuấn rời đi.

Tác giả bài viết: Hoàng Lam