Trung Quốc thúc Nga bắt tay thiết lập trật tự mới
- 16:58 16-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại lễ kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẽ ra viễn cảnh rằng một liên minh quân sự với Nga sẽ làm cho NATO "bất lực" và là "dấu chấm hết cho những tham vọng của các cường quốc phương Tây". Tuyên ngôn của người đứng đầu Trung Quốc được giới quan sát chính trị nhận định là một phát ngôn gây "bùng nổ".
Tổng thống Putin trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 6.
"Thế giới đang thay đổi một cách chóng mặt", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gợi ý và cho biết thêm rằng "chúng ta đang thấy Liên minh châu Âu dần sụp đổ, và cùng với đó là nền kinh tế Mỹ cũng như vậy - đó là dấu hiệu một cho trật tự thế giới mới sắp ra đời".
Với áp lực ngày càng lớn đến từ Mỹ trong thời điểm hiện tại, Bắc Kinh và Moscow đều cảm nhận được rằng cả hai có thể phải chịu tổn thương và có thể dấn thân vào một cuộc chiến lớn với các cường quốc bất cứ lúc nào. Trong khi những hệ thống tên lửa chiến lược mà Mỹ triển khai tại các nước đồng minh đang ngày càng hạn chế khả năng tự vệ của Nga và Trung Quốc một khi xung đột xảy ra.
Một phán quyết từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tuyên bố hôm 12/7 đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Bất chấp lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những tuyên bố khiêu khích và hành động làm gia tăng căng thẳng. Nước này cáo buộc các hoạt động tuần tra hàng hải thường niên của Mỹ ở Biển Đông là hành vi "can thiệp nội bộ" và "gây hấn" với Bắc Kinh.
Mất đi tham vọng kiểm soát Biển Đông sẽ là một trở ngại lớn cho những khát vọng kinh tế của Trung Quốc khi có hơn 40% lưu lượng thương mại hàng hải của thế giới đi qua khu vực này bên cạnh nguồn tài nguyên vô cùng to lớn.
Trước những mối lo ngại trên, trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình tuyên bố "mọi thứ sẽ không còn giống trong quá khứ, trong 10 năm tới chúng ta sẽ có một trật tự thế giới mới, trong đó trọng tâm sẽ là sự kết hợp giữa Trung Quốc và Nga".
Sự khẳng định của ông Tập đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ Trung-Nga đang trở nên nồng ấm hơn sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6.
Khi đó, người đứng đầu điện Kremlin đã hoan nghênh mối quan hệ quân sự và kinh tế Trung-Nga ngày một lớn mạnh hơn và đề cập tới việc bồi đắp mối quan hệ hợp tác toàn diện và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tuy nhiên, trong thời điểm mà cả Mỹ và châu Âu đều hướng tới một chính sách ngày càng cứng rắn đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đã tỏ ra nhiệt tình hơn bao giờ hết trong việc tạo điều kiện cho sự hình thành một liên minh với Nga để chống lại NATO, Sputnik bình luận.
Với những mục đích chung nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Mỹ, Nga có lý do để hợp tác với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, mặc dù vậy để hình thành một liên minh thân thiết không hẳn là một điều dễ dàng.
Bộ Ngoại giao Nga từng lên tiếng cảnh báo việc Mỹ-Hàn triển khai THAAD tại Đông Bắc Á sẽ không đạt được hiệu quả gì mà còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và “không thể khắc phục được” về mặt an ninh đối với khu vực Đông Bắc Á.
Phản ứng của Nga về THAAD được giới quan sát nhận định rằng không hẳn là một động thái ủng hộ cho Bắc Kinh mà còn bởi tầm hoạt động của hệ thống này có thể phần nào đó đe dọa Moscow khi có khả năng giám sát được một khu vực lớn duyên hải phía Đông Trung Quốc, biển Hoa Đông và một phần khu vực Viễn Đông của Nga và các vùng biển giáp Nga.
Về vấn đề Biển Đông, sau khi PCA công bố phán quyết, Moscow đã ra một quan điểm trung lập, trong đó không đứng về phía Trung Quốc và kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Bình luận viên Mu Chunshan của tạp chí The Diplomat nêu lý do rằng, dù mối quan hệ Trung-Nga đang xích lại gần nhau hơn nhưng với mối quan hệ chưa phải đồng minh, Moscow không có lý do gì để ủng hộ Bắc Kinh trong một vấn đề mang tính chính trị-quân sự có tầm ảnh hưởng lớn như vậy. Ngoài ra, Nga cũng không thể vì Trung Quốc mà mất đi mối quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Bắc Kinh và Moscow sẽ có một mối quan hệ khăng khít hơn trong tương lai với những tương đồng về lợi ích. Nhưng một liên minh Trung-Nga theo sự tự tin của ông Tập Cận Bình sẽ còn là một câu chuyện dài khi Tổng thống Putin cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một câu trả lời nhiệt thành nào đáp lại nhà lãnh đạo Bắc Kinh.
Tác giả bài viết: Minh Vũ