Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vu Lan ghé 5 ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng Hà Nội

Ngày lễ Vu Lan năm nay, hãy dành chút thời gian tịnh tâm tới thăm những ngôi chùa nổi tiếng ở đất Hà thành để cầu mong bình an, hạnh phúc cho cha mẹ và những người thân yêu trong gia đình.

Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc được biết đến là một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội và Việt Nam. Ngôi chùa uy nghiêm nằm ở một góc đảo phía Nam Hồ Tây, trên đường Thanh Niên.

 

Thời Lý, Trần, nơi đây từng là trung tâm Phật giáo của cả nước. Ngôi chùa cổ kính mang những giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo. Trải qua hơn một ngàn năm lịch sử, chùa Trấn Quốc vẫn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị đặc biệt như bộ tượng thờ ở thượng điện hay pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn được đánh giá là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam.
 

Không chỉ ngày Rằm, mùng Một mà cả trong những ngày thường, chùa Trấn Quốc vẫn là một địa điểm tâm linh thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Giữa chốn thị thành ồn ào, tấp nập, chùa Trấn Quốc vẫn thâm trầm giữ lại cho mình sự tĩnh lặng để bất cứ ai bước vào cửa chùa cũng có cảm giác mọi bon chen cuộc sống bị bỏ lại phía sau.

Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, thờ Bà chúa Liễu Hạnh thuộc tín ngưỡng đạo Mẫu Việt Nam. Bà chúa Liễu Hạnh cũng là người phụ nữ duy nhất nằm trong bộ “tứ bất tử” được nhân dân ca tụng gồm Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh.

 

 

Vì thế, ngày lễ Vu Lan Rằm tháng Bảy, nhiều người đến với Phủ Tây Hồ để bày tỏ lòng biết ơn hướng về cội nguồn và cha mẹ. Những ngày này lượng người đổ về Phủ rất đông, ai ai cũng thể hiện lòng thành kính và tâm niệm của mình khi dừng chân ở một trong những địa điểm linh thiêng bậc nhất ở Hà Nội.

Chùa Quán Sứ

Chùa được xây dựng vào thế kỷ 15 và hiện tại vẫn là một trong những ngôi chùa thiêng liêng được ngưỡng vọng nhất đất Hà thành. Trong chùa thờ ba vị Tam Thế Phật, Phật A-di-đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, Phật Thích Ca.

 

 

Dịp lễ Vu Lan tại chùa thường diễn ra vào thời điểm từ ngày 11 đến 14/7 âm lịch hàng năm. Vào những ngày này đông đảo thập tử lòng thành đến chùa để tỏ lòng biết ơn đến Đức Phật và cầu bình an, báo hiếu cha mẹ.

Chùa Phúc Khánh

Mặc dù là ngôi chùa có diện tích nhỏ nhưng cứ vào dịp Rằm tháng bảy, chùa Phúc Khánh tọa lạc ở gần khu Ngã Tư Sở vẫn thu hút cả ngàn người tới lễ bái.

 

Chùa Phúc Khánh còn có tên gọi là chùa Sở hay chùa Thịnh Quang, là nơi được nhiều người lựa chọn là nơi lễ Phật cầu an, cúng sao giải hạn từ nhiều năm nay.

Nhiều người cho rằng, Phúc Khánh là một ngôi chùa thiêng và tin rằng tới đây cúng khấn sẽ tâm an, thuận lợi.

 

Ngày Rằm tháng Bảy, chùa Phúc Khánh cũng là địa điểm nên dừng chân để cầu khấn bình an, hạnh phúc cho người thân, cha mẹ.

Chùa Bằng A

Chùa Bằng A được xây dựng từ thời Hậu Lê là ngôi cổ tự có niên đại trên 400 năm.Ngôi chùa nằm nép ở một bên sông Tô Lịch thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội).

 

Điểm nổi bật của chùa Bằng A chính là khuôn viên không chỉ thanh tịnh, rộng rãi mà còn là nơi tọa lạc của tháp Báo Thiên từ thời Lý và 18 pho tượng La Hán mô phỏng theo tượng La Hán ở chùa Tây Phương.
 

Hiện nay, chùa Bằng không chỉ là nơi để tăng ni, phật tử thăm quan, lễ bái mà chùa còn là trụ sở tổ chức một số hoạt động của Hội Phật giáo. Các vị trụ trì chùa cùng với phật tử thường xuyên tổ chức các khóa tu ngắn hạn cho người dân, thanh thiếu niên, sinh viên... Nổi bật nhất trong thời điểm tháng 7 âm lịch là khóa tu mùa Vu Lan dành cho tất cả các lứa tuổi để tỏ lòng biết ơn tới công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Tác giả bài viết: Moon