‘Cuộc chiến’ phụ huynh và nhà trường: Người tám lạng, kẻ nửa cân…
- 08:01 15-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giáo dục ở Việt Nam chưa bao giờ hết những vấn đề nóng, gây tranh cãi. Đầu tháng 8 này, một câu chuyện nhỏ mà to trong giáo dục lại xuất hiện.
Nói nhỏ vì nó không có hậu quả gì quá… to tát, còn nói to là bởi nó liên quan đến “cuộc chiến” giữa phụ huynh và nhà trường, một câu chuyện dường như chưa bao giờ có hồi kết.
Anh Cường (Hà Đông, Hà Nội) đã bức xúc gửi đơn tới các cơ quan chức năng để tố cáo việc trường tiểu học tư thục Ban Mai xóa tên con gái anh (học sinh lớp 4) khỏi danh sách lớp, vì anh đã nhiều lần lên tiếng về các bất cập của trường.
Đáp lại, lãnh đạo trường Ban Mai khẳng định chỉ gạch tên bé khỏi câu lạc bộ hè vì nhiều lần mời phụ huynh tới họp nhưng không thấy đại diện gia đình anh Cường đến. Vậy là phát sinh mâu thuẫn, mà tới giờ vẫn chưa thể giải quyết xong, vì cuộc gặp giữa 2 bên vẫn đang… bị treo.
Anh Cường (Hà Đông) với lá đơn tố cáo vì cho rằng con mình bị nhà trường phân biệt đối xử. Ảnh: hanoiwiki.com
Khá tình cờ, khi cách đây khoảng 1 năm, vào đầu tháng 9/2015, một sự việc tương tự cũng xảy ra, với mức độ căng thẳng hơn.
Một nữ phụ huynh nhận xét trên Facebook cá nhân về việc chiếc cà vạt đồng phục của con học tại trường tiểu học Vstar (quận 7, TP.HCM) quá xấu, bất tiện, và sau đó thì con chị “bị đuổi học” vì nhà trường và gia đình không thể tìm được tiếng nói chung.
Ở cả 2 sự việc trên, khó có thể nói bên nào đúng, bên nào sai, khi “người tám lạng, kẻ nửa cân”.
Nhiều phụ huynh học sinh tỏ ra khó tính tới mức… khó hiểu khi cho con trẻ tới trường. Và mọi chuyện trở nên phức tạp hơn, khi mạng xã hội Facebook ngày càng phổ biến.
“Đó là trang cá nhân của tôi, quyền bày tỏ nhận xét là của tôi!”, dựa vào lý lẽ ấy, không ít phụ huynh phàn nàn về những điều tưởng như nhỏ nhất: Đồng phục của các cô trong lễ khai giảng trông… buồn cười, nhà vệ sinh không đủ sạch sẽ, thơm tho, hay cô không cười đủ tươi khi đón con mình…
Nếu họ đem áp dụng những tiêu chuẩn “chất lượng toàn cầu” của gia đình mình vào một môi trường tập thể như trường học, sẽ khó để tìm ra được sự tương đồng!
Ở chiều ngược lại, không ít vị lãnh đạo nhà trường vẫn giữ tư duy “cửa trên” trong cách hành xử với phụ huynh học sinh, mỗi khi xuất hiện những góp ý “không vừa tai”.
Thay vì cân nhắc đúng – sai và tiếp thu ý kiến một cách khách quan, họ dễ dàng đưa ra lựa chọn cho các bậc cha mẹ: Hoặc học ở đây thì chấp nhận, hoặc… chuyển trường!
Đã qua rồi cái thời phụ huynh phải “lụy” trường lớp như vậy, bởi khi học phí tăng lên, các điều kiện của xã hội tiến bộ hơn, thì cha mẹ học sinh cũng có quyền đòi hỏi sự cải thiện chất lượng giáo dục phù hợp (chứ không phải những đòi hỏi “trên trời”).
Nữ phụ huynh học sinh có con bị gạch tên khỏi trường vì đã nhận xét về trang phục của các bé trên Facebook. Ảnh: Tiin.vn
Bởi vậy, theo tác giả, để tìm ra tiếng nói chung giữa một bên là các phụ huynh muốn góp ý của mình được trân trọng và lắng nghe, một bên là lãnh đạo nhà trường, thì vai trò của hội phụ huynh học sinh là rất quan trọng.
Khi xảy ra bất đồng, hội phụ huynh học sinh đóng vai trò đứng giữa, lắng nghe những phản ánh từ phụ huynh và truyền đạt tới giáo viên chủ nhiệm cùng lãnh đạo nhà trường với một sắc thái “phù hợp”, chắc chắn sẽ có hiệu quả tốt hơn nhiều so với việc để những phụ huynh bức xúc trực tiếp “đối đầu” với nhà trường.
Vậy nhưng, trải qua hàng chục năm tồn tại, các hội phụ huynh dường như chưa bao giờ phát huy được vai trò đó, bởi thành viên trong hội này vẫn luôn muốn làm vừa lòng phía nhà trường, để con cái họ… được ưu tiên hơn.
Giáo viên có tổ chức công đoàn của riêng mình, nên có thể coi hội phụ huynh học sinh là “công đoàn” của… các bậc phụ huynh. Nếu “công đoàn” này hoạt động không hiệu quả, cần phải thay thế để tìm ra những người phù hợp.
Đã tới lúc, hội phụ huynh học sinh cần một cơ chế “bầu cử” công khai, minh bạch, có trách nhiệm, có chương trình hành động rõ ràng, thay vì chịu sự chỉ định “ngầm” từ các giáo viên chủ nhiệm.
Nếu các phụ huynh học sinh và nhà trường không thể tìm ra tiếng nói chung, hậu quả sau cùng sẽ đổ hết lên đầu con trẻ.
Sẽ ra sao khi 2 phía trực tiếp có trách nhiệm giáo dục tri thức và nhân cách cho các em lại bất đồng với nhau sâu sắc? Khi đó, xã hội sẽ có những thế hệ tương lai chỉ biết nhìn vào mặt tiêu cực, còn những điều tích cực và lạc quan lại trở thành thứ xa xỉ trong mắt các em!
Tác giả bài viết: Trung Hiếu