Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thanh Chương vào mùa trám

Trám đen được xem là loại cây ăn quả trồng ở nhiều nơi, được coi là đặc sản của huyện Thanh Chương. Cùng với những cây trám mọc tự nhiên những năm gần đây huyện đã xây dựng dự án lai ghép trám đên thành công, làm phong phú thêm các loại giống trám, nâng cao sản lượng và thu nhập.

Cây trám mọc tự nhiên thường có tán cao, khi thu hoạch trám phải trèo lên cây dùng sao chọc cho quả rơi xuống đất


Là hộ gia đình có truyền thống trồng cam, khi thấy giá trị của cây trám đen và học theo nhiều người dân trong vùng, 5 năm trước Chị Đậu Thị Tuyết ở xóm 5, xã Thanh Nho huyện Thanh Chương đã quyết định thay thế vườn cam bằng 30 cây trám ghép. Cây đã ra quả bói từ năm thứ 3 đến năm nay thì tất cả các cây đều đã cho quả ổn định, chị vui vẻ  cho biết: tính ra mỗi cây đã được từ 50- 60 kg quả cho thu nhập khoảng 2 triệu. So sánh hiệu quả kinh tế đây là loại cây dễ trồng, có giá trị kinh tế cao.

Trám đen là loại cây ăn quả và lấy gỗ, phân bố ở một số huyện như Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ. Trong đó trám đen Thanh Chương được cho là chất lượng nhất. Cây có nhiều ở các xã vùng Cát Ngạn như: Cát Văn, Thanh Nho, Hạnh Lâm, Thanh Đức.  Tuy nhiên, cây trám trên địa bàn chủ yếu là mọc tự nhiên hoặc được trồng bằng hạt không được chọn lọc, đầu tư chăm sóc nên năng suất không ổn định, lâu cho quả, chất lượng không đồng đều. Cây lại có bộ khung tán cao nên khó khăn cho việc thu hoạch, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh… Cho nên, từ năm 2010 huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm thuộc Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN tạo giống và phát triển cây trám đen ở huyện Thanh Chương".  Nhờ đó từ năm 2010 đến nay, đã có khoảng 3.000 cây trám được trồng mới không chỉ trên “đất trám” là vùng Cát Ngạn mà còn  được trồng tại các địa bàn trước đây không trồng trám như Hạnh Lâm, Thanh Hương, Thanh Thủy, Tổng đội TNXP 5 và một số huyện lân cận. Nhiều cây trám có năng suất rất cao, chất lượng quả tốt, đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. Khi đến đến tuổi trưởng thành trung bình mỗi cây cho quả đạt  50- 100kg. Với khoảng 4000 cây trám đã cho quả và giá từ 55.000 - 60.000 đồng/kg như hiện nay mỗi năm người dân huyện Thanh Chương thu nhập hàng chục tỷ đồng. Ngoài lợi ích về thu hái quả dễ dàng, chất lượng quả ngon cây trám được trồng giữa vườn còn còn góp phần che bóng râm cho chè và các loại cây khác rất hiệu quả.

Quả trám là một loại thực phẩm sạch được chế biến thành nhiều món như trám om chấm chẻo, trám muối, kho thịt, nộm. Trám có vị bùi rất lạ miệng nên từ lâu đã trở thành một loại đặc sản được nhiều người ưa chuộng.

 

Chị Trần Thị Hương xã Nam Hưng - Nam Đàn và tổ thu mua trám của chị đang thu hoạch trám tại xã Cát Văn
 

Trám là một mặt hàng luôn được người tiêu dùng chọn mua tại các chợ phố và chợ quê


Chi Đậu Thị Tuyết và các hộ dân cho biết "Hàng năm, cứ vào mùa trám thương lái từ các nơi kéo tới thu mua, cung không đủ cầu. Nhiều lúc họ mua xong bán lại ngay tại gốc cho người dân” Chị Trần Thị Hương – một người dân ở xã Nam Hưng huyện Nam Đàn chuyên làm nghề buôn bán trám thì cho biết là trám chủ yếu nhập cho các chợ đầu mối nhà hàng ở thành phố và một số công ty dùng trám chế biến cá kho, làm mứt”.

 Ngoài số lượng được thương lái mua đưa đi tiêu thụ ở xa, những ngày này khắp các chợ quê chợ huyện vẫn có nhiều người bán trám do nguồn cung dồi dào. Chị Trần Thị Hải ở Khối 9 Thị Trấn Thanh Chương và nhiều người buôn trám tại chợ chiều Thị Trấn cho biết mỗi buổi chợ có thể tiêu thụ được khoảng 500 kg. Nhất là vào dịp đầu mùa như hiện nay cung thường không đủ cầu vì người tiêu dùng rất háo hức. Trám lại là loại sản phẩm không bị ôi thiu thời gian thu hoạch dài nên mỗi mùa trám đến là người dân đều có điều kiện để thưởng thức

Trước giá trị kinh tế và xã hội của cây trám, huyện Thanh Chương  đang xúc tiến để nhân rộng diện tích trồng trám trên đất vườn và các diện tích đất đồi có độ dốc vừa phải ở tất cả các xã trên địa bàn, phấn đấu đạt khoảng  1000 ha. Chỉ trong vài năm tới, với hàng ngàn cây trám cho thu hoạch, khối lượng sản phẩm sẽ rất lớn. Vấn đề còn lại của huyện và các ngành chức năng là tìm đầu ra ổn định, nhằm tránh việc người dân bị thương lái ép giá, tái diễn điệp khúc “được mùa, rớt giá” như những loại nông sản khác.

Tác giả bài viết: Trần Đình Hà

Nguồn tin: