Về Xuân Sơn băng rừng, tắm thác ngày hè
- 16:13 14-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khởi hành từ Hà Nội lúc 7h, men theo Đại lộ Thăng Long, tỉnh lộ 316, 817, qua Thanh Thủy, chúng tôi dò theo chỉ dẫn của Google Maps và hỏi những người dân ở đây về lối mòn dẫn đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ). Chỉ hơn 130 km, nhưng chúng tôi phải đi gần 4 giờ mới tới.
Chỗ nghỉ của chúng tôi là một ngôi nhà sàn khang trang gồm 2 tầng, mới hoàn thiện một tháng.
Sau khi lấy phòng và ổn định bước đầu, đồng hồ cũng gần 11h30. Chúng tôi ăn nhẹ và nghỉ ngơi 2 tiếng để chuẩn bị cho hành trình khám phá vào buổi chiều. Thời tiết khá oi bức, gần 31 độ C.
14h, chúng tôi bắt đầu xuất phát với địa danh đầu tiên là Hang Lạng, một điểm đến chỉ cách chỗ ở khoảng 15 phút chạy xe máy.
Xuân Sơn được đầu tư phát triển du lịch khá đúng hướng, nên đường xá đẹp và không ghồ ghề như chúng tôi hình dung. Một điểm đặc biệt khi đến với Hang Lạng là bạn không cần phải chạy xe lên một điểm cao để bắt đầu vào cửa hang. Lối đi là con đường mòn men theo đường bờ ruộng xanh ngút, ở đâu đó là những tiếng máy nổ, những bước chân chậm rãi mà thanh thoát.
Do điều kiện khá tối, chúng tôi không chụp được ảnh nơi đây. Nhưng bạn sẽ không hối hận khi thử cảm giác đi bộ men theo quãng đường 300 m trong hang, chỉ còn lại le lói của bóng đèn. Không khí thật mát mẻ làm cho con người ta như trở về với suối nguồn của tuổi trẻ.
Tạm biệt Hang Lạng, chúng tôi tiếp tục đến với thác Lưng Trời sau khi vượt qua quãng đường rừng độ 5 km, với hai bên là những hàng cây xanh vút, tiếng chim hót líu lo, hương thơm phảng phất của những bông hoa rừng nhuộm một màu đỏ, màu hồng dịu nhẹ.
Và rồi, một màu xanh mát dịu cứ níu chân chúng tôi phải ghi lại những điều kỳ diệu ở nơi đây.
Với việc để đến được thác Lưng Trời, chúng tôi phải vượt qua 2 km đường rừng khá hiểm trở. Mặt đường trơn và các bậc thang uốn lượn theo những triền núi sâu thăm thẳm.
Cuối con đường là một thác khá đẹp. Đâu đó có tiếng hò reo của những cô cậu sinh viên nhân dịp nghỉ hè đến hòa mình vào dòng suối mát lạnh…
16h chúng tôi trở ra, Gặp ngay một cơn mưa rừng. Đường khá trơn, chúng tôi phải cố gắng đi nhanh và tránh bị trượt ngã. Hai bên đường, những cây ráy rừng có những chiếc lá khá to đủ để che cho chúng tôi có thể che đỡ đi một phần nào những giọt mưa rừng.
17h, chúng tôi đã về đến chỗ nghỉ, tắm rửa và chuẩn bị ăn cơm. Cô chủ nhà cho biết bữa tối có những món đặc sản như gà hấp lá chanh, cá suối nướng, canh măng chua và đặc biệt hơn là rượu ngô.
Buổi tối tăng thêm độ vắng vẻ và lạnh lẽo khi cả bản mất điện sau cơn mưa to lúc chiều. Chúng tôi hoàn toàn tách biệt với facebook, với Zalo khi máy hết pin, tất cả còn lại chỉ là ngọn nến vàng và ít món ăn nhẹ vào buổi tối, ở nhiệt độ tầm 22 độ C giữa núi rừng.
Xuân Sơn ngày 2
Sau cơn mưa trời lại sáng, chính vì vậy mà sáng sớm chủ nhật ở đây thật trong lành.
Bỏ qua hang Thổ Thần chúng tôi đến với Bản Cỏi, một địa danh như theo lời chủ nhà là nơi có động Tiên dài gần 10 km, có đường dẫn lên đến đỉnh núi, nơi những con gà 9 cựa được chăm sóc cẩn thận, những chú lợn mường chạy rông dài.
Đón tiếp chúng tôi là anh Hoàng (người dân tộc Tày), chủ một cơ sở lưu trú đang trong quá trình xây dựng. Anh chỉ dẫn chúng tôi vào Động Tiên, đi cùng là 2 đứa con mang cần đi câu cá suối.
Gần 11h, đã đến lúc chúng tôi rời khỏi Bản Cỏi và men theo con đường lúa đã xanh màu mạ mới. Cả nhóm dừng nghỉ chân bên dòng suối bên đường. Làn nước mát lanh cho chúng tôi cảm giác thư thái biết bao. Tất cả chỉ còn lại sự tĩnh lặng trưa hè.
Và thế là sau tất cả, chúng tôi trở về Hà Nội trong cái nắng gắt của những tháng cuối hè, hy vọng sẽ trở lại nơi này một ngày không xa.
Đôi nét về Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ): “…Với tổng diện tích gần 33.700 ha, trong đó vùng lõi hơn 15.000 ha, vùng đệm hơn 18.600 ha, Vườn Quốc gia Xuân Sơn là một kho tàng thiên nhiên vô cùng quý giá, với vẻ đẹp hiếm có và hệ động, thực vật phong phú luôn được bảo vệ nghiêm ngặt nhờ sự vào cuộc của đồng bào Dao, Mường và các dân tộc khác sống trong khu vực vùng lõi, vùng đệm. Vườn nằm trên địa phận xã Xuân Sơn và một phần của các xã khác thuộc huyện Tân Sơn là Xuân Ðài, Kim Thượng, Ðồng Sơn, Lai Ðồng và Tân Sơn. Theo kết quả điều tra của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cho thấy, Vườn có 180 họ, 680 chi và 1.218 loài thực vật, trong đó có 40 loài được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam…” |
Tác giả bài viết: Phước Nguyễn
Nguồn tin: