Tương Dương: Trồng ngô trên rẫy dốc chống biến đổi khí hậu
- 06:55 14-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hơn 2000 mét vuông diện tích trồng lúa của gia đình bà Kha Thị Huyên ở bản Quang Thịnh, xã Tam Đình đã phải bỏ hoang cả vụ hè thu này, bởi do không có nước tưới...
Hơn 2000m2 diện tích trồng lúa rẫy của gia đình bà Kha Thị Huyên đã bỏ hoang 3 tháng nay...
Nguồn nước từ khe Mạ chảy từ đỉnh Pù Lôm hàng năm là nguồn nước chính cung cấp cho toàn bộ 35 ha diện tích trồng lúa của bà con bản Quang Thịnh, đến nay đã khô cạn trơ đáy, cỏ mọc um tùm... Dấu vết còn sót lại chỉ còn là một vũng nước tù đọng, ố vàng...
Nguồn nước khe Mạ cung cấp cho 35 ha rẫy...
...đến nay, nước chỉ đủ cho đàn vịt lội bộ...
Để có lương thực cung cấp cho cuộc sống, gia đình bà Huyên cùng với các hộ dân khác trong bản Quang Thịnh đã mạnh dạn tham gia dự án trồng ngô lai trên rẫy dốc thay thế cây lúa rẫy. Không chỉ là loại cây lương thực hàng hóa có giá trị kinh tế cao, mà cây ngô lai còn là một loại cây chống chịu hạn rất tốt. Bà Huyên chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi trồng lúa rẫy rất vất vả, trời lại hạn nên lúa toàn chết khô. Bây giờ, tôi chuyển sang trồng cây ngô, vừa đỡ công chăm sóc, vừa khỏe, giá trị kinh tế lại cao hơn trồng lúa. Bán ngô đi, tôi cũng mua được gạo ăn, cuộc sống cũng đỡ hơn trước.
Bà Kha Thị Huyên đang làm cỏ vun gốc cho diện tích trỉa ngô của gia đình ( người đứng ngoài)
Trước đây, diện tích này bản chúng tôi trồng lúa rẫy, thời gian sinh trưởng kéo dài, hơn nữa năng suất lai thấp nên chúng tôi chuyển sang trồng ngô, giống ngô lai CP88 lai VN10 này rất phù hợp với giống đất ở đây, và chống chịu hạn tốt, từ đó chúng tôi tuyên truyền cho nhân dân chuyển sang thực hiện và được bà con đồng tình ủng hộ. Đến nay, cả bản Quang Thịnh hộ nào cũng chuyển sang trồng ngô trên đất rẫy. Ông Vi Võ Tuấn- trưởng bản Quang Thịnh trao đổi.
Sau hơn 2 tuần gieo trỉa, những diện tích ngô đang phát triển tốt ...
... bắt đầu phủ kín màu xanh kéo dài từ chân đồi lên đến đỉnh Pù Lôm.
Ngô đã phát triển được 4-5 lá, bắt đầu thời kỳ vun gốc, nhổ cỏ.
Trước sự biến đổi gay gắt của khí hậu, nắng nóng kéo dài, các nguồn nước tưới cạn kiệt, chính quyền xã Tam Đình đã đưa nhiều giống cây lương thực chất lượng cao vào sản xuất. Đặc biệt, những vùng đất cằn cỗi trên rẫy dốc được cải tạo để áp dụng thử nghiệm cây ngô lai hè thu thay thế cho những cây không phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng của địa phương. Chính vì vậy, hơn 5 năm nay, cây ngô lai hè thu đang dần khẳng định được vai trò là cây lương thực chính, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Tam Đình. Kết quả, đến nay diện tích lúa rẫy của Tam Đình đã giảm từ 250 ha xuống còn 150 ha, diện tích trồng ngô tăng gần 180 ha.
“Do biến đổi khí hậu, trồng lúa trên diện tích rẫy dốc không hiệu quả, chúng tôi chỉ đạo bà con trong xã chuyển sang trồng ngô, từ khi chuyển đổi sang trồng ngô đem lại hiệu quả kinh tế cao thì bà con rất phấn khởi. Năm đầu thì phát rẫy trồng ngô kết hợp trồng xen cây keo lai. Năm đầu và năm thứ 2 thì trồng ngô và đến năm thứ 3 chỉ chăm sóc cây keo. Đến năm thứ 5 sau khi thu hoạch keo thì lại quay trở lại trồng ngô xen cây keo để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích..” Bà Vi Thị Vân- Phó chủ tịch UBND xã Tam Đình- Tương Dương cho biết.
Cán bộ phòng NN huyện trao đổi với ông Vi Võ Tuấn- Trưởng bản Quang Thịnh về kỹ thuật chăm bón cây ngô.
Tuy trồng ở đất đồi dốc nhưng thực tế, sản lượng cũng không kém so với ngô trồng trên đất ruộng hai vụ, ước tính năng suất bình quân 2,3 tấn/ha. Hàng năm, ngô lai trồng trên đất nương rẫy đã đem lại thu nhập cho bà con từ 15 đến 20 triệu đồng/vụ. Ngoài việc hỗ trợ giống cho bà con, ngành nông nghiệp huyện còn hướng dẫn kỹ thuật, giám sát người dân gieo trồng đúng lịch nông vụ để đạt năng suất cao. Từ những hiệu quả đem đến cho bà con nông dân, cây ngô lai trên vùng đất đồi núi đang dần khẳng định vai trò là cây lương thực số một, giúp cho bà con nông dân Tương Dương nhanh chóng xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Đến nay, trong số gần 4900 ha đất nương rẫy của tòan huyện, diện tích trồng cây ngô lai đã chiếm tới 3200 ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Khăm Kha- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tương Dương cho hay: Trước tình trạng biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây ảnh hưởng rõ rệt tới sản xuất nông nghiệp của huyện Tương Dương. Trước thực trạng đó, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch phù hợp từng địa phương, đặc biệt chuyển đổi các cây trồng để đảm phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt hiện giờ. Cụ thể, một số diện tích rẫy luân canh trước đây thời tiết đang thuận lợi, năng suất cao nay do đất bạc màu, biến đổi khí hậu, ít mưa năng suất thấp, huyện đã tuyên truyền vận động nhân dân chuyển sang các loại cây trồng khác, đặc biệt là cây ngô, phù hợp điều kiện của Tương Dương. Trong năm 2016 này, huyện đã xây dựng kế hoạch 3500 ha, đến nay đã trồng được 3200ha, tuy nhiên vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều diện tích đã trỉa rồi nhưng phát triển đang chậm, huyện chỉ đạo những vùng khô hạn khi có mưa sẽ tiến hành tỉa dắm lại. Còn những rẫy dự kiến không có nước, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi sang trồng các loại rau màu khác như rau cải hay các loại cây họ đậu khác...
Kiểm tra mô hình trồng ngô thay thế lúa rẫy trên đất dốc.
Trồng ngô trên rẫy dốc đang là hướng đi bền vững trong phát triển nông nghiệp của huyện Tương Dương. Mô hình này không chỉ mang lại lợi nhuận cao trên cùng một diện tích, tạo được sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của người dân trong sản xuất, là một trong những loại cây trồng chống xói mòn trên đất dốc rất hiệu quả. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu mà Tương Dương lựa chọn để ứng phó với biến đổi khí hậu./.
Tác giả bài viết: Hiến Chương