Tử tù bị lãng quên: “Nhặt từng hạt thóc rơi” để làm lại cuộc đời
- 15:59 13-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trở về sau gần 20 năm xa rời cuộc sống, Thế cũng chông chênh, mất phương hướng. Nhưng người đời không nhìn Thế là một kẻ tội đồ. Nhiều người mở rộng vòng tay, giúp Thế làm lại cuộc đời. Thế bảo, sẽ “đi nhặt từng hạt thóc rơi” bởi anh biết, chỉ có lao động mới đưa lại cho mình cuộc sống bình yên và thanh thản.
► Hành trình "trả nợ cuộc đời" của tử tù bị lãng quên
► Chuyện của tử tù 11 năm sống trong phòng biệt giam
► Số phận kỳ lạ của “tử tù bị lãng quên”
► Chuyện của tử tù 11 năm sống trong phòng biệt giam
► Số phận kỳ lạ của “tử tù bị lãng quên”
Đặng Văn Thế chia sẻ về những dự định của mình sau khi mãn hạn tù.
Ngày 17/6/2016, Đặng Văn Thế khoác chiếc túi nhẹ tênh với mấy cuốn nhật ký, cuốn sổ thơ rời Trại giam số 6. Ban giám thị, cán bộ quản giáo từng người bắt tay tạm biệt, không quên chúc Thế sớm hòa nhập được với cuộc sống đời thường và giữ được mình. Mang theo sự tin tưởng của mọi người, Thế khoác ba lô về nhà.
Quê Thế thay đổi nhiều lắm nhưng ngôi nhà của bố mẹ thì vẫn thế, cũ kỹ, ọp ẹp. Thế ngạc nhiên quá, nhiều, rất nhiều người dân trong xã, cả cán bộ nữa, hay tin Thế về, đến chật cả nhà. Thế đón nhận những cánh tay chìa ra chúc mừng mình mà nước mắt rơi. Nhà Thế vẫn nghèo, bà con lối xóm góp mỗi người một ít, làm mấy mâm cơm “mừng thằng Thế trở về”.
“Em biết không, những ngày ở trong trại giam, tôi chỉ có một ước muốn duy nhất là được ăn một bát cơm nóng trong chiếc bát sứ chứ không phải là cơm cân, chia trong những chiếc cặp lồng nhựa. Ngày đầu tiên về nhà, bê bát cơm nóng hổi từ chiếc bát sứ mẹ đơm cho mà ứa nước mắt. Hạnh phúc đến với mình từ những điều nhỏ nhoi vậy thôi, bởi vậy không thể để nó vuột khỏi tay mình một lần nào nữa”, Đặng Văn Thế tâm sự.
Nhấp chén rượu cay, Thế chỉ biết khóc, bởi cái tình của mọi người dành cho mình nhiều quá. Thế tự dặn lòng, phải sống sao cho xứng đáng với những yêu thương, tin tưởng của mọi người dành cho mình.
Thế dành mấy ngày đi thăm người thân, thăm các cán bộ quản giáo, các Ban đã nghỉ hưu. Mọi người vẫn yêu thương và đặt nhiều niềm tin vào Thế, mong Thế sớm ổn định cuộc sống. Nếu cần giúp đỡ, Thế cứ nói, nếu giúp được, mọi người sẽ giúp. Thế cảm ơn tấm lòng của mọi người. “Em sẽ “nhặt từng hạt thóc rơi” bằng đôi bàn tay đen này để kiếm những đồng tiền sạch sẽ”, Thế khẳng khái.
Sau gần 20 năm tách biệt với cuộc sống, Thế thấy mình lạc hậu quá nhiều. Trong thời gian từ khi ra trại đến nay, chưa đêm nào Thế ngủ ngon giấc, trong đầu luôn quẩn quanh ý nghĩ phải làm gì để sống, để phụng dưỡng và bù đắp những chua chát cuộc đời của cha mẹ. Kiếm tiền, theo Thế phải là đồng tiền sạch, làm ra từ sức lao động của chính bản thân chứ không phải những đồng tiền bẩn mà tuổi trẻ bồng bột, thiếu suy nghĩ để rồi phải trả cái giá quá đắt trong suốt gần 20 năm sung sức nhất của đời người.
Thế bảo sẽ cố gắng làm lụng, kiếm tiền xây cho bố mẹ căn nhà để các cụ có thể an hưởng tuổi già sau những tháng ngày phải sống tủi hổ vì con
Thế định lên thị trấn Hòa Bình (Tương Dương, Nghệ An, cách nhà khoảng 200km) để làm thuê bởi đã có thời gian vợ chồng Thế kiếm sống bằng những buổi chạy chợ. Ở chốn này, tình nghĩa của bà con phố chợ vẫn dành cho Thế nhiều lắm. Họ sẵn sàng giúp đỡ Thế gây dựng cuộc sống trở lại. Nhưng ông Đặng Văn Sửu và bà Nguyễn Thị Thao – bố mẹ Thế không đồng ý. Ông bà không muốn con mình bắt đầu lại ở nơi đã từng sa ngã.
“Trong lúc tôi đang loay hoay tìm hướng đi cho mình thì chủ tịch xã Mỹ Sơn mời lên nói chuyện. Ông động viên tôi rồi bảo, xã còn 1 khu đất trống ngay Quốc lộ 15, nếu tôi muốn mở cửa hàng hay những việc tương tự thế, ông sẽ tạo điều kiện cho tôi thuê mặt bằng ở đây để làm”, Thế kể.
Sợ rằng sức mình chưa đủ cáng đáng công việc kinh doanh sau thời gian quá dài tách biệt với cuộc sống, Thế cảm ơn ý tốt của ông Chủ tịch xã và xin phép được suy nghĩ thêm. Một người bạn của Thế làm nghề chạy xe khách tuyến đường dài, nhờ Thế qua giúp. Thế cũng muốn đi đây đi đó mở rộng tầm mắt sau 20 năm ở trong trại giam, vậy là đồng ý.
“Cái nghề “lấy ghế làm giường, lấy xe làm nhà” tuy không nặng nhọc nhưng phải thức đêm và liên tục di chuyển. Trước mắt là làm công ăn lương thôi, tích lũy kinh nghiệm dần dần. 42 tuổi, bắt đầu cũng là muộn nhưng không bao giờ muộn nếu mình muốn sống một cách tử tế và lương thiện. Cái quan trọng nhất là lương thiện, một công việc lương thiện, suy nghĩ lương thiện, điều đó sẽ giúp tôi đứng vững hơn trong cuộc sống đầy rẫy những khó khăn phía trước. Những thứ mình có được từ lao động chân chính mới bền lâu được”, Đặng Văn Thế chiêm nghiệm.
Nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt bà Nguyễn Thị Thao khi đứa con trai út được trở về với cuộc sống đời thường.
Hỏi về cuộc sống hôn nhân, đôi mắt Thế chùng lại. Người vợ mới cưới dứt áo ra đi khi Thế nhận án tử đã không có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc như cô ấy mơ ước. Hiện giờ, vợ cũ của Thế sống với đứa con 13 tuổi và chấp nhận kiếp chồng chung với 1 người đàn bà khác. Sau khi ra trại, Thế cũng lên thăm, vì tình nghĩa thôi, chứ với Thế, tình yêu với người đàn bà này đã chết. Nói thế thôi chứ tôi biết, trong anh vẫn khao khát một mái ấm gia đình, tiếng bi bô con trẻ. Thế bảo để tìm được người phụ nữ đủ bao dung với quá khứ của anh, thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành trong chặng đường đời tiếp theo không phải dễ. Bởi vậy, Thế cũng không vội, cứ bình tĩnh chờ đợi duyên số đến với mình.
“Cả cuộc đời tôi mang ơn nhiều người quá. Các giám thị, các quản giáo quan tâm, động viên tôi trong thời gian thụ án, các nhà báo đã ưu ái trong trong từng bài viết... Có những người không quen biết nhưng đã giành cho tôi những suy nghĩ tốt đẹp. Cuộc đời nhiều người tốt với tôi quá, món nợ ân nghĩa đó tôi không bao giờ trả hết được. Chỉ có cách sống thật tốt và lương thiện để đền đáp ân nghĩa của mọi người. Chỉ có lao động, bằng hai bàn tay đã từng nhúng chàm, kiếm những đồng tiền chính đáng mới là cách đền ơn tốt nhất”, Đặng Văn Thế chìa đôi bàn tay chai sạn nói.
Nhìn vào đôi mắt anh, tôi tin là Thế sẽ làm được. Từ hai bàn tay đã nhúng chàm đó, Thế sẽ cần mẫn “nhặt từng hạt thóc rơi” để làm lại cuộc đời…
Tác giả bài viết: Hoàng Lam