Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những “nghệ nhân” của bản

Đó là những ông, những bà tuổi đời đã trên sáu, bảy mươi… giọng đã khàn, hơi đã đuối, nhưng trong lòng không bao giờ tắt ngọn lửa của niềm say mê những tiếng “pí”, tiếng “khèn”, những lời “nhuôn”, điệu “xuối”… mà ông cha đã truyền lại từ bao đời.
Những thứ của cuộc sống văn minh hiện đại  hầu như đã không làm ảnh hưởng tới những người già. “Nhuôn”, “xuối”, “lăm” và các loại hình dân ca khác của dân tộc Thái đã có một vị trí quan trọng, thiêng liêng trong trái tim của những người già, không có gì đổi thay được nữa.
 
 nghenhan1
Hát Xuối có pí đệm theo ở bản Diềm Bày (Châu Quang)
 
Ở huyện Quỳ Hợp, những người già được dân bản gọi là “côn von” (tức là những người đam mê ca hát và luôn là người khơi mào, trụ cột trong mọi cuộc vui) thì hầu như bản người Thái nào cũng có từ một đến hai người… và họ luôn sẵn sàng cất lên tiếng “pí”, lời “nhuôn”… nếu được mời gọi bất kỳ lúc nào, mà không cần đòi hỏi thù lao gì cả.
 
nghenhan4
Nghệ nhân Vi Văn Thơ say sưu hát Nhuôn  trong một cuộc vui với bà con bản Rốc, xã Châu Đình

Một trong những cái lò “đào tạo tự nhiên” các nghệ nhân “côn von” của bản từ xưa đến nay phải kể đến và ghi nhận vai trò của các ông, bà mo, nhất là ngành Mo Một và người thổi Pí (gọi là nai khen). Dù là chuyện tâm linh, thực hiện công việc tâm linh một cách bình thường, nhưng trong quá trình “Hắp” (hay là Khắp), các ông, bà mo và nai khen đã truyền cảm hứng cho những người khác trên nhà bằng cái chất giọng điêu luyện của mình thông qua những ca từ đầy sáng tạo và đầy ngẫu hứng sau công việc phải làm của họ, khiến những người trẻ say mê, ngầm ghi nhớ, học theo và trở thành “nghệ nhân của bản” lúc nào không biết...
 
nghenhan2
Nai khen và mo một trong một cuộc hắp cúng ở xã Châu Quang.

Người dân Châu Quang vẫn luôn được nghe tiếng “pí” của ông Cầu (61 tuổi - người bản Ảng), tiếng kèn của ông Thầm (80 tuổi - người bản Đồn Mộng)…; người dân Châu Cường vẫn được nghe tiếng “pí” của ông Thuyên (60 tuổi - người bản Tồng Lạnh), tiếng khèn bè của ông Nam (60 tuổi - người bản Tạng)… vv… đó là những con người có giọng điệu rất riêng trong tiếng “pí”, tiếng “kèn” hay tiếng “khèn” của riêng mình, không lẫn với bất cứ người nào khác, mỗi khi đã cất lên thì ai cũng thấy trong tim mình rung động và muốn cất lên lời “nhuôn” hay điệu “xuối” để giao duyên.

Các bà cũng không kém các ông, tiếng “pí”, tiếng “khèn” cho dù hay và lạ đến đâu thì các bà vẫn có chất giọng tương ứng đến đó! Không kể hết những nghệ nhân “côn von” của bản ở huyện miền núi Quỳ Hợp, tuy có người đã móm mém, phiều phào nhưng vẫn “nhuôn”, “xuối”, “lăm”… hay không kém hồi còn trẻ, vẫn khiến nhiều người say mê lắng nghe…
 
Phải làm gì để cùng với những người già lưu giữ và phát triển lên mãi những tiếng “pí”, lời “nhuôn”, điệu “xuối”… được coi như là “những ngôi đền thiêng” trong tâm hồn của đồng bào dân tộc Thái. Đó là những điều mà những người tâm huyết và các cấp chính quyền đang trăn trở.
 
 nghenhan3
Bà Lương Thị Phiên (xã Châu Cường) là một trong những nghệ nhân tiêu biểu, ó nhiều đóng góp trong việc, gìn giữ và phát huy các làn điệu Nhuôn, Xuối.
 
Ngoài việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ để các nghệ nhân có dịp giao lưu, biểu diễn, hiện nay huyện Quỳ Hợp đã và đang triển khai công tác kiểm kê văn hóa phi vật thể để tìm ra các nghệ nhân thực sự để nhà nước và địa phương có những biện pháp bảo tồn và đãi ngộ họ. Năm 2015, huyện Quỳ Hợp đã lập hồ sơ đề nghị và được Nhà nước công nhận là nghệ nhân ưu tú đối với nghệ nhân Sầm Văn Bình (xã Châu Quang) và nghệ nhân Trương Sông Hương (xã Thọ Hợp).
 
Năm 2016, huyện đang tiếp tục lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú đối với một số nghệ nhân nổi bật và có nhiều đóng góp. Huyện cũng đang xây dựng đề án bảo tồn các làn điệu dân ca dân tộc thiểu số và dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trên địa bàn huyện. Mong rằng trong tương lai không xa các “Nghệ nhân của bản” sẽ được thỏa sức thả hồn với những đam mê của mình và được sự quan tâm, đãi ngộ xứng đáng.

Tác giả bài viết: Thái Tâm