Bỏ Thông tư 20, giá ô tô sẽ rẻ và người dân có nhiều sự lựa chọn!
- 08:39 12-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
►Thông tư 20 hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng
►"Số phận" Thông tư 20: Bộ bảo chờ, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị bỏ
►Tranh cãi gay gắt xung quanh "số phận" Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô
Đây là quan điểm của ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Tọa đàm “Nhập ô tô: Giữ hay bỏ Thông tư 20?” do Bizlive tổ chức ngày 11/8 tại Hà Nội sau khi có giả định Chính phủ sẽ loại bỏ các quy định của Thông tư 20 ra khỏi một dự thảo Nghị định vừa được Bộ Công Thương trình lên.
Hiện có nhiều quan điểm khác nhau dưới rất nhiều góc cạnh của Thông tư 20 về quy định nhập khẩu và kinh doanh ô tô 9 chỗ mới nhập khẩu về Việt Nam (ảnh minh họa)
Xóa rào cản, nhiều nhà cung ứng, giá ô tô rẻ hơn
Theo ông Đức: "Hiện các nhà nhập khẩu xe chính hãng trong nước có thể bán với giá gần với giá từ nhà sản xuất và chỉ thu về một chút lợi nhuận, nhưng khi có nhiều người cùng bán sản phẩm, khoảng giá chênh lệch trên thị trường sẽ ngắn lại".
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dung, Giám đốc Công ty Carmax cho hay: "Nếu bỏ Thông tư 20, thị trường sẽ nhiều nhà cung ứng hơn và có cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ mua được giá hợp lý. Thời gian qua, một số hãng xe không được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng cũng có một số dòng xe đã chủ động giảm giá".
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: "Giá cả là lĩnh vực do rất nhiều yếu tố quyết định. Vì vậy không nên đặt vấn đề giữa việc bỏ thông tư 20 với ảnh hưởng giá cả”.
Chia sẻ về góc độ khác, ông Nguyễn Đông Phong, Phó trưởng phòng chất lượng xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam nói: Nếu chúng ta bỏ Thông tư 20 với ủy quyền chính hãng, cuộc chơi sẽ mở hơn với tất cả.
“Nhưng ưu thế về kỹ thuật các doanh nghiệp nhỏ sẽ không bằng các doanh nghiệp chính hãng. Và nếu họ không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật thì chắc chắn họ sẽ yếu thế hơn", ông Phong nói.
Tuy nhiên, về góc độ DN được ủy quyền nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc chi nhánh Audi Hà Nội cho rằng: "Đồng ý là nhiều người kinh doanh thì giá xe sẽ giảm. Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên cạnh tranh về giá, không nhìn vào giá để so sánh. Nếu muốn giảm giá xe, tôi sẽ cắt dịch vụ. Và cuối cùng những người cạnh tranh bằng giá sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ. Giá giảm mà chất lượng tệ đi thì mọi thứ có ý nghĩa không?"
Còn ông Nguyễn Đức Dư Khương, Giám đốc chi nhánh Porsche Hà Nội khẳng định: "Giá xe ô tô tại Việt Nam từ xe thấp đến xe cao, tốn nhất là thuế nhập khẩu. Nếu Toyota không lắp xe nữa mà họ nhập xe thì giá nhập của họ vẫn là cạnh tranh nhất, tốt nhất. Giá xe cũng sẽ không hề giảm".
Việt Nam đang là vùng trũng chất lượng xe ô tô thế giới?
Theo ông Dũng, hiện các loại xe nhập khẩu về phải phù hợp với điều kiện của khu vực như môi trường, nhiên liệu. “Những xe nhập khẩu thường có mác "Conduct for …. market". Ví dụ, Việt Nam là khí hậu nóng ẩm, đưa điều hòa công suất yếu thì không mát. Về giảm xóc, đường ở Mỹ đường rất đẹp, thì giảm xóc xe nhập khẩu nước này không thể chịu được với đường của Việt Nam xóc, ổ gà", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, phản hồi về ý kiến này, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An nói: "Không thể nói vậy được, tiêu chuẩn kỹ thuật của các hãng xe là tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng trong rất nhiều điều kiện thị trường. Không thể có xe sang ở Mỹ có giảm xóc không tốt bằng xe sang nhập về Việt Nam bởi đường ở Mỹ đẹp hơn, không cần quá đầu tư vào giảm xóc, còn đường tại Việt Nam đầy ổ gà, mấp mô nên phải có tiêu chuẩn giảm xóc khác được. Tiêu chuẩn tốt như nhau, thậm chí hiện xe nước ngoài tốt hơn hẳn xe lắp ráp hoặc nhập khẩu về Việt Nam”.
Trao đổi thêm với PV Dân Trí, ông Tuấn cho hay: "Về mức giá, khi có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp phân phối, chắc chắn sự lựa chọn sẽ đa dạng hơn, mức giá vì thế chắc chắn sẽ rẻ hơn. Ở đây chúng tôi nói ở khía cạnh các điều kiện doanh nghiệp như nhau: cùng phân phối 1 sản phẩm, cùng một điều kiện hậu mãi, dịch vụ như nhau".
Tuy nhiên, đây chưa phải là yếu tố có lợi nhất, "Cái lợi lớn nhất là người tiêu dùng được nhiều lựa chọn về mẫu xe, chất lượng xe. Người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn về mẫu mã, chủng loại và cả chất lượng so với việc chỉ được nhập 1 loại xe của đại lý ủy quyền nhập về như hiện nay".
Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà khẳng định: "Hiện xăng tiêu chuẩn Euro 4 tại Việt Nam chưa được công bố cho dù trong kế hoạch của Chính phủ là ngày 1/9/2016. Mới đây Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam cũng có kiến nghị yêu cầu Bộ Công Thương giới thiệu loại xăng này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng: Không thể vì 1 chính sách không thực hiện được mà người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải sử dụng các loại xe dùng xăng bẩn Euro 2, Euro 3. Việc ai người nấy làm và trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Không thể biện minh thiếu xăng tiêu chuẩn cao để không nhập xe sử dụng công nghệ mới được".
Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền