Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tuổi thơ ba năm không mẹ của Hoàng Xuân Vinh

Ông Hoàng Công Quang kể mỗi tối nhìn hai anh em Hoàng Xuân Vinh nhỏ xíu nằm ngủ mà thiếu vòng tay yêu thương của mẹ, ông lại trào nước mắt.

Ông Hoàng Công Quang say sưa kể về Hoàng Xuân Vinh - niềm tự hào của cả gia đình ông.

“Năm 1979, vợ tôi mới 30 tuổi thì mắc bệnh nặng qua đời. Thời điểm đó Vinh mới năm tuổi, còn em trai thì lên ba. Hai đứa quá nhỏ, chưa hiểu biết gì, trong đám tang mẹ vẫn hồn nhiên như không, ai nhìn thấy cũng không cầm được nước mắt”, ông Hoàng Công Quang, bố xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, kể về những ngày tháng khó khăn nhất với gia đình ông.

Ông Quang là lính công binh, thường xuyên phải đi công tác, rà phá bom mìn. Vì vậy sau khi vợ mất, ông phải gửi con cho bà ngoại chăm sóc. Nhưng rồi được ít lâu, ông quyết định đưa hai cậu con trai nhỏ từ Sơn Tây lên Thụy Khuê ở cùng.

Ông Quang bảo khi đó bà ngoại còn làm việc, bận rộn. Thêm nữa để Xuân Vinh và em trai ở Sơn Tây thì ông ít có thời gian bên con. Ông không nỡ để anh em Xuân Vinh đã mồ côi mẹ, nay lại thiếu bàn tay chăm sóc của bố. Vì vậy là ông quyết định báo cáo sự việc lên lãnh đạo đơn vị, đưa hai cậu nhóc lên sống cùng. Ba bố con khi đó ở trong căn nhà tranh tại Thụy Khuê.

“Thời ấy lương tôi ba cọc ba đồng, cả căn nhà quý giá nhất chỉ có chiếc xe đạp và chiếc quạt tai voi để cho hai con bớt nóng mùa hè. Đêm đêm, ba bố con nằm ôm nhau ngủ. Nhiều lúc nhìn hai đứa nhỏ ngủ mà mình rơi nước mắt”, ông nhớ lại.

Sáng sáng, ông Quang dậy sớm, đặt Xuân Vinh phía sau, cậu em trai phía trước, lạch cạch đạp xe chở con khoảng hơn một cây số ra Bưởi để gửi nhà trẻ. Chiều về, ông lại tất bật đón con, lo tắm rửa, cho ăn uống. Những khi phải đi công tác, ông phải cậy nhờ bà ngoại lên trông cháu giúp vài ngày.

Ông Quang bảo vui nhất là mỗi lần đi công tác về, mua được cho con hộp thịt hộp hay cái áo phông. Đồ chơi thì ông chẳng mua gì mà bản thân cậu nhóc Xuân Vinh lúc ấy cũng chỉ thích mấy cái nỏ tự làm, Tết thì thích được chơi pháo.
 

Hoàng Xuân Vinh giúp thể thao Việt Nam lần đầu tiên có HC vàng ở Olympic.

“Ba năm sau, khi hoàn tất việc sang cát cho mẹ Vinh thì tôi được người ta giới thiệu cho một người phụ nữ làm công nhân ở Bưởi. Thú thực lúc đó tình cảm cũng chỉ một phần, phần nữa là nghĩ đi thêm bước nữa để con mình có bàn tay chăm sóc của người mẹ, bớt khổ. May là lúc đó anh em Vinh hợp mẹ kế. Tôi và bà ấy cũng có thêm cho Vinh một cô em gái”, ông Quang kể lại khi đang chờ xem cậu con trai cả thi 50m súng ngắn bắn chậm ở Olympic 2016.

Ông Quang bảo Xuân Vinh đến với bắn súng cũng có công không nhỏ của người mẹ thứ hai Đỗ Thị Chi. Chính bà là người đã hối thúc Xuân Vinh đăng ký vào Trường sĩ quan và thi đỗ.

“Vinh có cái không may là hai lần mất mẹ. Bà Chi sau này bị ung thư, Vinh bỏ tiền tích cóp được từ bắn súng chạy chữa cho mẹ nhưng không ăn thua. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, vợ tôi còn bắt Vinh 'cưới chạy tang' vì không muốn sự ra đi của bà ấy ảnh hưởng tới tương lai của con. Hôm đám cưới, bà ấy ốm nặng lắm, không xuống dưới sân được nhưng cứ ngoái người ra nhìn”, ông Quang bồi hồi nhớ lại.
 

Mồ côi, hiểu nỗi khổ của sự thiếu thốn tình cảm nên Hoàng Xuân Vinh rất áy náy khi thường xuyên phải đi tập huấn, thi đấu, không có nhiều thời gian chăm sóc hai con.

Ông Quang bảo ông trời có mắt, những bất hạnh của Xuân Vinh được đền bù cho bằng khả năng bắn súng. Những ngày này gia đình ông vui lắm bởi trước khi con trai đi sang Brazil dự Thế vận hội, ông nghĩ may mắn lắm mới có một tấm HC đồng, không ngờ anh giành một HC vàng, một HC bạc và lập một kỷ lục Olympic.

Tác giả bài viết: Lâm Thỏa