Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện của tử tù 11 năm sống trong phòng biệt giam

11 năm trong phòng biệt giam, đã có lúc Đặng Văn Thế tưởng mình không còn cơ hội được sống nhưng vẫn cố gắng hi vọng để “đánh lừa chính mình”. Để rồi, khi nhận thông báo được ân giảm, Thế ôm chầm lấy Giám thị, vừa khóc, vừa cười…
Số phận kỳ lạ của “tử tù bị lãng quên”
 
chuyencuatutu11namsongtrongphongbietgiam
"Cựu tử tù" Đặng Văn Thế trò chuyện với PV Dân trí về chặng đường 11 năm chờ đợi sự sống từ phòng biệt giam.

Khi bản án phúc thẩm tối cao có hiệu lực, Đặng Văn Thế được chuyển vào buồng biệt giam chờ ngày trả án. Đó là những ngày Thế không còn muốn nhắc đến nhưng cũng chính những ngày đó, Thế có nhiều thời gian hơn để tĩnh tâm suy nghĩ về những được – mất trong cuộc đời mình. Mỗi ngày trôi qua, tử tù này luôn thấp thỏm thần chết có thể gọi tên mình bất cứ lúc nào. Đêm, Thế không dám ngủ bởi sợ, có thể đây là giây phút cuối cùng trong cuộc đời mình. Những đêm dài triền miên, Thế nằm ngửa mặt, mắt nhìn trân trân lên trần nhà, hai chân tê cứng vì cùm, không duỗi ra được. Mỗi tiếng động phát ra trong đêm thanh vắng, tĩnh mịch ấy đều khiến Thế giật mình, ngỡ như giờ trả án của mình đã đến.

Cái sự sợ hãi càng nhân lên khi hay tin người đồng phạm của mình đã được thi hành án. Một ngày, Ban Tú (đại tá Hoàng Tuấn Tú, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An - PV) vào gặp Thế, thông báo đã có quyết định hoãn thi hành án đối với Thế để tiếp tục thực hiện điều tra một vụ án ma túy khác.

Quyết định hoãn thi hành án của Thế kéo dài đến hơn 10 năm trời, quãng thời gian mà như Thế nói: “Thấp thỏm chờ chết vắt qua hai thế kỷ, với 4320 ngày đi tìm sự sống”. Những đêm nằm nghe tiếng còi tàu rú lên trong đêm tối, Thế cảm nhận được cuộc sống hối hả ngoài kia. Thế muốn làm một cái gì đó cho đời. Thế lén viết lá đơn xin hiến xác cho y học rồi giấu dưới gối, đợi lúc nào đi trả án sẽ nộp cho cơ quan chức năng.

 
2chuyencuatutu11namsongtrongphongbietgiam
Những nỗi niềm, những tâm sự, những hi vọng được Thế gửi gắm vào những những trang nhật ký, những bài thơ được viết bằng tay trái.

Lá đơn của Thế được cán bộ quản giáo phát hiện, nộp lên Ban giám thị. Trái với việc bị kỷ luật, Thế lại nhận được sự động viên của Ban Tú và các quản giáo, rằng Thế phải vững tin lên, sẽ có ngày sống, và lúc đó, hãy sống sao cho có ý nghĩa. Những lời động viên chân tình của cán bộ quản giáo như tiếp thêm sức mạnh để Thế tiếp tục hi vọng.

Thế viết nhật ký, là những chất chứa, dằn vặt trong lòng về những đau khổ mình gây ra cho gia đình, cho bố mẹ, về những chiêm nghiệm cuộc đời – những thứ mà khi đối mặt với cái chết Thế mới nghĩ nhiều đến nó. Thế viết trên bất cứ mảnh giấy nào có được, tấm bìa các tông, vỏ kẹo…

Quản giáo Lê Văn Tài kiếm cho Thế mấy con chim nuôi đỡ buồn nhưng lại đúng dịp cúm H5N1 hoành hành, “bạn” của Thế bị đưa ra ngoài. Quản giáo Tài lại kiếm cho Thế 1 con mèo tam thể để nuôi, Thế đặt tên nó là Mương. Dưới sự chăm chút của Thế, con Mương sinh được 3 con, Thế đặt tên là Xe, Pháo, Mã. Thế lên chức “ông” khi con Mã sinh 3 “cầu thủ” Beckham, Totti, Rooney.

“Một anh nhà báo vào gặp và viết bài về “cha con, ông cháu” tôi (tức là Thế và đàn mèo của mình). Sau đó anh xin phép Ban giám thị tặng cho tôi 1 cuốn sổ, 6 chiếc bút và mấy gói kẹo”, Thế kể. Có giấy bút, lại được sự đồng ý của Ban giám thị, Thế say sưa viết nhật ký rồi làm thơ – để trải lòng mình, để tìm một chỗ dựa cho tinh thần, để không ngừng hi vọng…

 
3chuyencuatutu11namsongtrongphongbietgiam
Đại tá Nguyễn Duy Tỵ - nguyên Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An kể về tử tù đặc biệt Đặng Văn Thế.

Đầu năm 2008, đại tá Nguyễn Duy Tỵ về làm Giám thị Trại tạm giam. Lúc này, Thế đã ở trong buồng biệt giam dành cho tử tù đến 11 năm ròng. “Tôi thấy lạ quá, một tử tù ngồi buồng biệt giam đến 11 năm nhưng luôn ngoan ngoãn, y thức chấp hành kỷ luật buồng giam rất tốt. Tìm hiểu thì được biết, Ban giám đốc CA tỉnh đã có công văn đề nghị hoãn thi hành án để khai thác thông tin từ Thế, phục vụ cho việc điều tra chuyên án ma túy khác và đã được Viện KSND tối cao, TAND tối cao chấp thuận.

Tuy nhiên sau đó, Viện KSND tối cao đã có công văn không mở án do chưa có cơ sở chắc chắn. Từ đó đến mãi sau này cũng chưa có bất kỳ 1 công văn nào về việc tiếp tục hoãn hay thi hành án tử hình đối với Thế theo quy định. Bởi vậy cái án tử hình của Thế vẫn “treo” hơn 10 năm như thế”, đại tá Tỵ nhớ lại.

Trường hợp của tử tù Đặng Văn Thế ngay sau đó được báo cáo ra Bộ Công an. Bộ Công an có văn bản báo cáo Viện KSND tối cao, TAND tối cao. Trường hợp của Thế cũng được xuất hiện trên nhiều tờ báo vì từ trước tới nay chưa có tiền lệ nào như thế. Như một giấc mơ, Chủ tịch Nước đã ra quyết định ân giảm cho Thế từ tử hình xuống chung thân.

Ngày 23/6/2009, lần thứ hai trong đời, Đặng Văn Thế được khai sinh. “Tôi vẫn nhớ như in, khi đang ngồi ngoài sân (mỗi ngày tử tù được ra khỏi buồng biệt giam để tập thể dục) với Khánh (tử tù) thì Ban Tỵ đi vào. Ban Tỵ hỏi “Thế biết gì chưa?”. Tôi trả lời: “Thưa ban, chưa ạ”. “Chủ tịch Nước đã có quyết định ân giảm cho Thế rồi. Tòa vừa gọi điện sang”.

 
4chuyencuatutu11namsongtrongphongbietgiam
"Trong suốt 11 năm ở buồng biệt giam dành cho tử tù, chưa bao giờ tôi nguôi hi vọng được sống dù rằng nhiều khi hi vọng là để đánh lừa chính bản thân mình", Đặng Văn Thế tâm sự.

Mới chỉ nghe đến đó tôi mừng quá, nhảy đến ôm chầm lấy Ban Tỵ vừa khóc, vừa cười. Đợi tôi qua cơn xúc động, Ban Tỵ gỡ tay ra, cười “Chết chết, ai lại ôm Giám thị thế này, nhỡ người ngoài mà biết thì có chuyện đấy”. Ban Tỵ chúc mừng tôi, bảo từ hôm nay tôi được sống, chuẩn bị quần áo, tư trang để chuyển buồng”, Thế vẫn vẹn nguyên hồi ức lần thứ 2 được “khai sinh”.

Đặng Văn Thế vào buồng thay quần áo mới để đợi cơ quan chức năng vào đọc quyết định ân giảm của Chủ tịch Nước. Hết buổi sáng vẫn không thấy ai vào. Lại thay quần áo, vào xiềng cùm chân. Buổi chiều, mặc quần áo mới, lại ra chờ. “5h chiều, vẫn không thấy ai vào. Có lẽ nào Ban Tỵ lại lừa mình? Tôi hoang mang cực độ khi tiếp tục vào buồng, xiềng chân lại. Hơn 5h, cán bộ Tòa án mới vào đọc quyết định. Hóa ra vì một số lí do đột xuất, họ không thể vào đúng giờ như đã định. Trong 1 ngày, tôi đi qua đủ những cung bậc cảm xúc từ vui sướng, phấp phỏng chờ đợi, thất vọng rồi vỡ òa niềm vui”, Thế kể.

Quyết định đọc xong, Ban giám thị, cán bộ quản giáo bắt tay chúc mừng. Ban Tỵ hỏi Thế thích quà gì, ông sẽ tặng. Thế bảo, sự sống là món quà to lớn nhất mà Thế được nhận lúc này. Đại tá Tỵ ra mua một bó hoa tươi tặng người tử tù đặc biệt của mình...

 
(Còn nữa)
 

Tác giả bài viết: Hoàng Lam