Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Các trường vùng cao khởi động sớm đón năm học mới

Đối với các địa phương vùng đồng bằng, thành phố, điều kiện trường lớp kiên cố, khang trang thì việc chuẩn bị cho năm học mới có phần đơn giản hơn. Thế nhưng, ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi mà điều kiện trường lớp còn tạm bợ, cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn thì việc đảm bảo cơ sở vật chất, vận động học sinh đến trường... luôn là vấn đề đặt ra trước mỗi thềm năm học mới.
Theo kế hoạch chung của tỉnh, ngày 12/8 học sinh bậc trung học cơ sở và THPT bắt đầu tựu trường, còn đối với bậc tiểu học là ngày 18/8 tới đây. Thế nhưng, từ ngày 1/8, giáo viên, học sinh và phụ huynh trường Tiểu học Tri Lễ 4 đã được tập trung để chuẩn bị cho năm học mới. Vì chưa được kiên cố nên công việc đầu tiên mà tất cả cùng bắt tay thực hiện là sửa sang lại trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường.
 
images1308786 ANH TRAN LICH
Giáo viên, học sinh và phụ huynh trường Tiểu học Tri Lễ 4 dọn dẹp trường, lớp học chuẩn bị đón năm học mới

Anh Và Bá Chò - Bản Mường Lống – Tri Lễ – Quế Phong nói: Tôi có 2 con  học ở đây, nhà cũng nhiều việc nhưng Ban quản lí bản và nhà trường nhờ giúp nên tôi cũng nghỉ vài ngày để tham gia sửa sang trường lớp làm đường vào trường cho các cháu học hành.

Trường tiểu học Tri Lễ 4 có 6 điểm trường gồm Huôi Xái 1, Huôi Xái 2, Huôi Mới 1, Huôi Mới 2 và Nậm Tột, tất cả đều đang rất khó khăn. Không điện thắp sáng, không sóng điện thoại, ngay tại điểm trường chính phòng học chật chội, tường thưng, mái lợp bằng gỗ, sân đất... hầu như tất cả đều tạm bợ, xuống cấp qua từng năm. Để đảm bảo cho nhiệm vụ giáo dục trước mỗi năm học tất cả cán bộ giáo viên đều phải cố gắng theo cách riêng. Ngay sau thời gian trả phép của các thầy chúng tôi bắt tay ngay vào phân công nhiệm vụ cho từng giáo viên - Thầy Lang Văn Nhàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 – Quế Phong cho biết.

 
2images1308788 ANH TRAN LICH1
Trường tiểu học Tri Lễ 4 có 6 điểm trường, tất cả đều rất khó khăn về cơ sở vật chất

Nằm trên địa bàn vùng sâu vùng xa biên giới, các huyện nghèo nguồn kinh phí phân bổ hạn hẹp qua từng năm, nên để đầu tư cho giáo dục toàn diện là rất khó khăn. Bởi vậy, những quan tâm hỗ trợ từ cộng đồng xã hội dành cho giáo dục miền núi sẽ phần nào giảm bớt gánh nặng cho địa phương. Trước mỗi năm học mới, nhà trường đều phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài huyện quan tâm cho giáo dục, và từ nguồn hỗ trợ này đã giảm bớt khó khăn cho rất nhiều trường - Thầy Lữ Thanh Hà – Phó phòng GD&ĐT huyện Quế Phong chia sẻ.

Ngoài chuẩn bị cơ sở vật chất, một trong những nội dung mà ngành giáo dục các huyện miền núi đang phải tập trung sớm là rà soát sỹ số và có giải pháp vận động học sinh đến trường. Đến thời điểm này, theo báo cáo, các trường học ở các huyện miền núi đã rà soát vận động được gần 90% học sinh các cấp học đến trường.

 
3images1308787 ANH TRAN LICH5 1
Ngoài chuẩn bị cơ sở vật chất, ngành giáo dục các huyện miền núi  tập trung rà soát sỹ số và có giải pháp vận động học sinh đến trường

Ông Thái Huy Vinh- PGĐ Sở GD& ĐT Nghệ An cho biết thêm: Ngoài kế hoạch của Sở đối với các địa phương miền núi, để chuẩn bị cho năm học mới, chúng tôi còn phối hợp với sở Tài chính thực hiện nghiêm túc các chính sách dành cho học sinh con em đồng bào để thu hút các em đến trường.

Đảm bảo cơ sở vật chất và sỹ số học sinh, chuyện chỉ là đơn giản đối với các trường miền xuôi, nhưng với vùng sâu biên giới - nơi mà phụ huynh chỉ có thể đóng góp xã hội hóa giáo dục bằng tranh tre và sức lao động thì đây thực sự là vấn đề khó, hơn nữa, ở đây, học sinh tiểu học đã trở thành lao động trong gia đình thì dù khởi động trước để chuẩn bị, các nhà trường ở đây vẫn còn bộn bề khó khăn khi năm học mới sắp bắt đầu.

Tác giả bài viết: Trần Lịch - Phạm Gái