Bài 2: Giáp mặt lâm tặc trên đường độc đạo cõng pơ mu
- 17:26 09-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thực trạng khai thác gỗ pơ mu trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt diễn ra nhiều năm qua, hình thành 'con đường pơ mu' từng ngày phá nát những cánh rừng già dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ.
►'Anh em báo cáo hàng tuần, không ai nói rừng pơ mu bị xẻ'
►Bài 1: Tan hoang rừng pơ mu ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên
XEM CLIP:
Để tận mắt chứng kiến tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ pơ mu trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong, Nghệ An), PV VietNamNet đã có nhiều ngày đêm bám rừng tại bản Mường Đán, xã Hạnh Dịch.
►Bài 1: Tan hoang rừng pơ mu ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên
XEM CLIP:
Để tận mắt chứng kiến tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ pơ mu trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong, Nghệ An), PV VietNamNet đã có nhiều ngày đêm bám rừng tại bản Mường Đán, xã Hạnh Dịch.
Một cây pơ mu bị đốn hạ trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Lần theo dấu vết lâm tặc
Sau gần một tuần quan sát tại thác nước 7 tầng, chúng tôi nhận thấy thời gian vào rừng và chuyển gỗ ra của lâm tặc đều một theo quy luật nhất định.
Vào khoảng 4h sáng mỗi ngày, hàng chục người mang theo cưa, dao, đồ ăn thức uống... men theo con đường mòn ven suối vào rừng khai thác pơ mu. Trong màn sương mờ buổi sáng, đám người nối nhau đi không một tiếng nói, không đèn chiếu sáng vì con đường này đã mòn bởi bước chân của họ.
Gốc pơ mu vừa bị đốn hạ và một phiến gỗ chuẩn bị được cõng ra khỏi rừng
Theo ông N.V.H (một người dân địa phương), nhiều năm nay, hàng chục lượt người đi vào rừng mỗi ngày theo con đường này để khai thác gỗ các loại, trong đó đường dây khai thác pơ mu là rầm rộ nhất.
Khi trời sáng họ sẽ vào đến điểm khai thác, những cây pơ mu đã được đánh dấu sẽ bị đốn hạ và cưa xẻ thành nhiều mảnh vác ra ngoài.
Tuy nhiên, để đi vào con đường này không phải dễ, vì hầu hết đã được “bảo kê”, người lạ khi đi vào đều bị dò hỏi bằng tiếng Thái bản địa.
Để xâm nhập được vào đường mòn này, chúng tôi đã thuyết phục anh N.V.T (một người dân tộc Thái, khai thác gỗ đã giải nghệ) dẫn đường.
Khi trời vừa rạng sáng, chúng tôi bắt lần theo những dấu chân chi chít để lại trên đường mòn. Dọc đường đi, chúng tôi gặp một số người dân bản vào rừng hái măng. Theo anh T., họ đều là “tai mắt” của những người khai thác gỗ, nếu có gì khả nghi sẽ báo để các đối tượng khai thác gỗ dừng lại.
Tiếp tục theo đường mòn, vượt qua 2 dãy núi tiếng máy cưa vang cả núi rừng. Lần theo tiếng máy cưa, chúng tôi áp sát nơi các đối tượng đang cưa một cây pơ mu lớn tuy nhiên, không thể tiếp cận để quay phim. Quá trình cưa gỗ cũng luôn có những người đứng cảnh giới.
Theo anh T., việc khai thác gỗ được phân công nhiệm vụ rất rõ ràng: bộ phận cưa xẻ, bộ phận vác gỗ, bộ phận lo hậu cần, cảnh giới.
Khi những cây gỗ pơ mu được xẻ thành nhiều tấm, phách sẽ được bộ phận vận chuyển đưa ra khỏi rừng bàn giao hàng cho ''sếp lớn''.
Giáp mặt lâm tặc
Khi chúng tôi theo đường mòn để trở về, bất ngờ gặp một thanh niên cao lớn, cơ bắp vạm vỡ, mang bên hông cây dao quắm đang chuẩn bị vác khúc pơ mu ước chừng 60kg, dài 1,5m ra khỏi rừng.
Anh ta nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy nghi ngờ, rất may anh T. nhanh chóng chào hỏi bằng tiếng Thái và nói: “Chúng tôi đi rừng tìm hoa phong lan” (bằng tiếng Thái). Sau đó, thanh niên vác khúc gỗ lớn lên vai và đi trước chúng tôi.
Dù đường dốc đá lởm chởm, nhưng thanh niên này vác gỗ đi rất nhanh. Anh T. cho biết, những người vác gỗ có sức khỏe phi thường, đi mấy giờ liền không nghỉ và đi rất nhanh.
Con đường mòn vận chuyển gỗ pơ mu trên vai hàng chục lâm tặc trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Người thanh niên vác gỗ, sau khi ra khỏi khu vực rừng phía dưới thác 7 tầng thuộc bản Mường Đán (xã Hạnh Dịch), tập kết gỗ tại đây.
Sau khi bỏ gỗ tại bãi tập kết ven suối, các đối tượng sẽ tỏa ra nhiều hướng nghỉ ngơi và cảnh giới, chờ xe vào sẽ chuyển gỗ vượt suối đưa lên xe.
Được biết, đã nhiều năm nay, con đường gỗ này được ông trùm pơ mu đất Quế Phong có tên là H.L. “bảo kê” khai thác và vận chuyển. H.L. được giới làm gỗ trái phép biết đến từ những năm 1990.
Theo giới mua gỗ, giá mua tại bản Mường Đán là 7 triệu đồng/m3. Khi vận chuyển ra ngoài, gỗ pơ mu có giá từ 14 đến 16 triệu đồng/m3.
Hơn 20km có 4 đơn vị bảo vệ rừng, gỗ pơ mu vẫn lọt
Trời nhá nhem tối, những người vận chuyển sẽ đưa gỗ ra ngoài đường lớn Hạch Dịch - Mường Đán, chất lên những chiếc xe bán tải trong vỏ bọc đi mua măng rừng.
Trong màn đêm tối tĩnh mịch, việc xếp gỗ lên xe được làm nhanh chóng và cẩn thận. Gỗ được xếp xong, chiếc xe chuyển bánh hướng ra đường QL48 và mất hút trong đêm rừng u tối.
Con đường Hạch Dịch - Mường Đán nối với QL48 dài khoảng 20km là đường duy nhất để có thể vận chuyển gỗ ra ngoài. Đóng trên trục đường này có tới 4 đơn vị bảo vệ rừng cắm chốt, bao gồm: Trạm quản lý bảo vệ rừng Hạnh Dịch (thuộc BQL khu bảo tồn Pù Hoạt), tổ công tác Mường Đán (đồn biên phòng Hạnh Dịch), BQL khu bảo tổn thiên nhiên Pù Hoạt và đồn biên phòng Hạnh Dịch.
Các cơ quan chức năng đóng dọc đường từ ngã 3 Phú Phương vào tận bản Mường Đán, xã Hạnh Dịch có biết gỗ rừng quý hiếm bị tàn phá ngày đêm?
Thế nhưng, nhiều năm nay, mỗi ngày những chuyến xe chở gỗ pơ mu vẫn ra vào như chốn không người, không mắc phải sự kiểm tra nào của cơ quan chức năng.
Làm việc với VietNamNet, lãnh đạo khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thừa nhận có đường dây buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn.
Tác giả bài viết: Văn Bình - Quốc Huy