Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hà Tĩnh: Hé lộ chiêu lừa đảo người có công "chạy" hồ sơ chế độ

Lợi dụng sự cả tin của các đối tượng chính sách, một số đối tượng đã làm giả giấy tờ của Bộ Lao động và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bất chính của đối tượng có công trên địa bàn.
Sững sờ nhận “trát” bổ sung hồ sơ hưởng chế độ

Đang yên ổn hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công, vào một ngày cuối tháng 5, ông Trần Trọng Tài - thương binh hạng A, thương tật hạng 4/4 ở xóm 11, xã Kỳ Giang (Kỳ Anh) bỗng nhận được bưu phẩm gửi qua đường bưu điện, bên ngoài ghi rõ nơi gửi Sở LĐ-TBXH Hà Tĩnh. Nghĩ đó là giấy mời hội họp chuẩn bị ngày TBLS 27/7, ông Tài vội mở ra xem. Tuy nhiên, người thương binh già sững sờ khi đó là bản “thông báo” của sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh với nội dung yêu cầu ông bổ sung hồ sơ gốc của đối tượng hưởng chế độ chính sách dành cho người có công.
 

Ông Trần Trọng Tài tường trình với PV Dân trí bị các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt mất 7 triệu đồng với PV Dân trí.

Tiếp tục đọc nội dung, ông Tài thực sự “toát mồ hôi” khi bản thông báo vừa nêu kế hoạch của đoàn liên ngành của Sở LĐ-TBXH tỉnh tiến hành kiểm tra, xác minh hồ sơ hưởng chế độ của ông, đến việc yêu cầu người thương binh nghèo này phải trực tiếp về đơn vị cũ lấy xác nhận danh sách quân nhân bị thương gốc còn lưu giữ. Thông báo nêu hạn chót ông Tài phải nộp các giấy tờ liên quan về thanh tra sở LĐ-TBXH Hà Tĩnh vào ngày 10/6.

Cuộc sống quá khó khăn, túng thiếu, bản thân vừa nằm viện điều trị dài ngày chữa trị đôi mắt bị ảnh hưởng dai dẳng bởi chiến tranh, lại đang trong điểm mùa gặt, nên khi nhận được “thông báo” trên, ông Tài thực sự bủn rủn chân tay. “Nhận được giấy thông báo, tui và gia đình rất lo lắng bởi tình trạng sức khỏe của tui rất yếu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đặc biệt, đơn vị cũ (C1 – D1 – E821) đã thay đổi phiên hiệu, địa điểm nhiều lần, hiện giờ cũng không biết đóng quân ở đâu. Tất cả cuộc sống của vợ chồng tui trông chờ vào mấy sào ruộng và 1,5 triệu đồng tiền chế độ thương binh hàng tháng, nên khi ấy tui lo lắm. Nếu không kịp bổ sung, họ cắt thì gia đình tui nỏ biết sống ra răng” – ông Tài lo lắng.
 

Trát thông báo bổ sung giấy tờ gốc trong hồ sơ hưởng chế độ thương binh ông Tài bất ngờ nhận được vào đầu tháng 5/2016.

Cùng với ông Tài, hai đối tượng có công khác ở xã Kỳ Giang, là ông Nguyễn Trung Trực, SN 949, xóm 11, thương binh hạng 4/4 và ông Nguyễn Quốc Vĩnh, xóm Tân Thắng, cũng sững sờ nhận được các “trát” bổ sung hồ sơ hưởng chế độ chính sách.

“Chúng tôi là những người có công, xứng đáng được Đảng, nhà nước quan tâm, hồ sơ hưởng chế độ chính sách đã làm rất chặt chẽ theo quy định. Mặc dù vậy, khi nhận được thông báo này gia đình tôi rất lo lắng, bằng giá nào cũng phải bổ sung hồ sơ không thì bị cắt mất chế độ thì cuộc sống sẽ càng thêm khó khăn”- ông Trực cho hay.

Lộ rõ đường dây lừa đảo

Tường trình của ông Tài cho hay, khi ông và gia đình đang rất lo lắng thì ông Nguyễn Đức Mậu (người cùng xóm) bất ngờ đến tận nhà thông tin sẽ có cách giúp làm giấy tờ để kịp nộp lên Sở LĐTB-XH tỉnh.

Theo lời ông Tài, nghĩ là ông Mậu nói đùa, nhưng 3 ngày sau, ông này đến nhà rồi cùng chở người thương binh chạy vượt hàng chục cây số ra xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên) để gặp cán bộ thanh tra Sở LĐ-TBXH để lo việc giấy tờ.
 

Ông Tài đau đớn vì trót tin vào các đối tượng lừa đảo mà gia đình rơi vào cảnh nợ nần.

“Khi ra đến gần xã Cẩm Lạc, ông Mậu dẫn tui vào một quán nước ven đường ở xã Cẩm Trung gặp một người đàn ông khoảng trên 60 tuổi và giới thiệu đấy là cán bộ thanh tra Sở LĐTB-XH. 2 người này nói sẽ lo giúp tui hoàn chỉnh hồ sơ, giấy tờ để tiếp tục được hưởng chế độ thương binh và họ ra giá 20 triệu đồng” – ông Tài thuật lại.

Nghe các đối tượng trên ra giá 20 triệu đồng để làm giấy tờ, ông Tài thực sự “sốc”, vì bán cả gia tài cũng không lo đủ. Sau một hồi thương lượng những đối tượng này xuống 15 triệu đồng. Vì quá khó khăn, chưa biết vay mượn đâu ra, ông Tài tiếp tục nài nỉ nên những đối tượng này đã giảm xuống 7 triệu. "Họ nói với tui, chỉ giúp đỡ, chừng đó tiền chỉ đủ mời cơm nước cán bộ sở, chứ không phải vì tiền bạc. Nếu không đồng ý thì họ chấm dứt, không giúp nữa”- ông Tài kể tiếp.

Lo sợ bị cắt chế độ, ông Tài đành chấp nhận. Ngay tại quán nước, ông Tài đã đưa cho ông Mậu 3 triệu đồng và cam kết sau khi làm xong thủ tục giấy tờ sẽ trả số tiền 4 triệu còn lại. Khoảng 10 ngày sau (ngày 8/6/2016) ông Tài nhận được thông báo số 6912/TB của Thanh tra Bộ LĐTB-XH. Nội dung thông báo việc Thanh tra Bộ LĐTB-XH đã tiếp nhận được các loại giấy tờ, hồ sơ bổ sung thương binh của ông Tài và ông “tiếp tục được hưởng chế độ vĩnh viễn của người có công (thương binh)”.

Nhận được thông báo với nội dung như trên, ông Tài đã phải vay mượn thêm 4 triệu đồng để trả cho ông Mậu như “giao kèo” ban đầu.

Sau khi được PV cung cấp nội dung vụ việc, các bản thông báo của Bộ, tỉnh thu thập được, ông Võ Xuân Linh – Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh khẳng định ngay Bộ, Sở Bộ LĐTB-XH Hà Tĩnh không ban hành văn bản nào như trên. Ông Linh khẳng định cả nội dung, đây là những thông báo giả mạo cả về nội dung, con dấu và chữ ký một cách rõ ràng.
 

Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Võ Xuân Linh xác nhận, những giấy tờ mà các đối tượng có công ở huyện Kỳ Anh nhận được là giả mạo.

“Chữ ký trong thông báo của Bộ LĐTB-XH chắc chắn là không phải của tôi”- ông Linh nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Phòng Tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của Bộ LĐTB-XH cũng không có ai là Thạch Thái Tân như trong thông báo”- ông Linh nói.

Ông Linh cho biết, sẽ phối hợp ngay cơ quan chức trách xác minh vụ việc này.

Ông Trần Hữu Tài cho biết, sau khi biết PV Dân trí vào cuộc, sáng ngày 8/8, đối tượng Nguyễn Đức Mậu mà bài viết đề cập đã tới nhà thừa nhận làm giả các tài liệu trên, đề xuất chở ông Tài đi đòi lại tiền. Tuy nhiên, ông Tài đã từ chối, cho biết sẽ trình báo với cơ quan chức năng.

PV Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc


 

Tác giả bài viết: Văn Dũng