Vì sao Man Utd chấp nhận phá kỷ lục mua Pobga
- 14:39 09-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
131 triệu đôla được cho con số không tưởng cho một cầu thủ mới nổi như Paul Pogba. Nhưng thực tế của thị trường chuyển nhượng cho thấy Man Utd không vô cớ chi khoản tiền kỷ lục đó.
Năm 1975 đất nước Italy đang yên bình bỗng rúng động bởi một bản hợp đồng chuyển nhượng: Giuseppe Savoldi từ Bologna đến Napoli với cái 1,2 triệu bảng. Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá, xuất hiện bản hợp đồng trị giá tiền triệu bảng. 41 năm kể từ khi Savoldi đến với Napoli, ngày hôm qua thế giới đã chứng kiến bản hợp đồng trị giá 100 triệu bảng khi Pogba từ Juventus đến Man Utd, trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới, và phá kỷ lục của Gareth Bale năm 2013. Từ 1 triệu bảng lên 100 triệu bảng trong vòng bốn thập kỷ, bóng đá đã thay đổi đến mức chóng mặt.
Savoldi (trái) là cầu thủ đầu tiên trên thế giới có phí chuyển nhượng tính theo đơn vị triệu bảng.
Câu hỏi được đặt ra là "Pogba có xứng đáng với cái giá đó hay không?". Đầu tiên phải nhìn lại số tiền 100 triệu bảng này. Đây là một con số rất lớn, nhưng có lớn với bóng đá hay không thì lại cần phải xem lại. Bốn thập kỷ đi qua, kinh tế thế giới hai lần chứng kiến các cuộc khủng hoảng: khủng hoảng Đông Á 1997 và khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, kéo theo đó là những lần trượt giá của đồng tiền. Trong thời gian ấy, bóng đá thế giới đã vượt qua tất cả các con số thông thường của kinh tế ở một mức rất xa, từ giá trị thương hiệu cầu thủ, từ bộ mặt nguyên thủy ban đầu đến truyền thông hôm nay, mọi thứ về bóng đá đều vượt ra ngoài các quy luật.
Trước Pogba, cũng trong hè này, thế giới bóng đá chứng kiến Gonzalo Higuain được Juventus tuyển mộ với cái giá 99 triệu đôla, đưa anh trở thành cầu thủ đắt giá thứ ba thế giới. Vậy cớ sao Pogba lại không thể đạt đến cái giá 131 triệu đôla khi về tên tuổi, tiềm năng, sức trẻ anh đều hơn Higuain? Ai từng xem Pogba trong màu áo Juventus đều thấy được anh dẻo dai như một chú báo gấm, điêu luyện như một vũ công. Các kỹ năng kiến tạo, sút xa, ghi bàn, đi bóng đều hoàn hảo.
Mức giá của Pogba thuộc về quy luật của bóng đá - thứ quy luật tàn khốc của trò chơi đồng tiền đã định giá lại môn thể thao này. Nếu không phải Pogba thì sẽ là một cầu thủ nổi tiếng khác trong tương lai. Còn không thì chính Bale hay Luis Suarez, Neymar… nếu họ có ý định chuyển CLB. Cái giá của Pogba không phải là đắt trong cái dòng chảy kim tiền như giông lốc của bóng đá hiện đại. Chỉ là anh đi trước mà thôi.
Giữa thời buổi các siêu sao bóng đá khan hiếm, Pogba đang nổi lên như là cầu thủ khả dĩ nhất có thể thách thức bộ đôi Messi - Ronaldo.
Vậy tại sao Pogba được vinh dự là người đầu tiên cán mốc 100 triệu bảng? Chúng ta hãy cùng nhìn bóng đá thế giới suốt gần một thập kỷ qua. Kể từ khi những Zinedine Zidane, Ronaldinho, Ronaldo hay Paoblo Maldini chia tay bóng đá hoặc ở bên kia sườn dốc, đi cùng với đó là sự tuột dốc của Kaka và Fernando Torres, những Cristiano Ronaldo và Lionel Messi đã vươn lên chiếm giữ hai vị trí cao nhất trong bầu trời bóng đá thế giới. Sự vượt trội của hai siêu sao ấy đi cùng với sự khan hiếm nhân tài trong lứa cầu thủ mới. Khi các nhà tài phiệt đua nhau làm chủ các CLB, tiền với họ không phải là vấn đề, bởi cách làm kinh tế, bóng tối rửa tiền. Nhưng vấn đề ở đây là các nhà tài phiệt lại không có nhiều sự lựa chọn cho đồng tiền của họ.
Nhìn ra khắp làng bóng đá, các nhà tài phiệt không mua được ai đáng kể. Đơn cử như cái cách Man City bỏ ra cái giá 69 triệu đôla cho Raheem Sterling. Bây giờ nếu quay lại thập niên 90 đầu những năm 2000. Từng ấy tiền có thể mua được những ai? David Beckham, Roberto Carlos, Christian Vieri, Henry, Nedved, Shevchenko, Pirlo, Rui Costa, Batistuta… Bây giờ họ chỉ biết ôm lấy Sterling. Sự thiếu thốn nhân tài kéo các CLB vào một cuộc đua giành giật những viên ngọc sáng hiếm hoi kế cận cặp đôi Ronaldo - Messi. Trong thế hệ ấy, rõ ràng, Pogba đáng để mắt hơn cả.
Vấn đề chuyên môn chưa phải là điểm then chốt để đưa đến cái giá khổng lồ cho Pogba. Đấy còn là giá trị về thương hiệu. SportsPro xếp Pogba ở vị trí thứ hai trong danh sách các vận động viên có tiềm năng thương mại lớn nhất trong ba năm tới, hơn cả những Messi, Novak Djokovic, Ronaldo hay Usain Bolt. Thực tế cái cách mà những CĐV Man Utd phản đối thương vụ Pogba, cũng tương tự cái cách mà CĐV Real Madrid không chấp nhận Gareth Bale hồi năm 2013. Đấy là cảm giác chung về một thương hiệu chưa nhìn rõ tiềm năng lâu dài. Pogba rất giống Bale ở điểm: sự cầu tiến và nghị lực hoàn thiện. Chính điểm ấy khiến Real và Man Utd không ngại vung tiền cho họ.
Pogba trở lại, trong thương vụ kỷ lục, là một tuyên ngôn của Man Utd gửi tới thế giới bóng đá, rằng họ vẫn là một ông lớn.
Ba năm kể từ ngày giã biệt Alex Ferguson, con tàu Man Utd đi trong bóng tối. Giá trị thương hiệu của đội bóng sụt giảm theo những thất bại trên sân cỏ. Sự ghẻ lạnh của thế giới bóng đá nhắm vào họ đã lên đến mức báo động. Khi ấy, chính cái cách mà Man Utd đã lấy Paul Pogba về với cái giá 100 triệu bảng đã khẳng định sự kiêu hãnh và cõi lạnh lùng ngạo mạn của một ông lớn. Man Utd, qua thương vụ Pogba, như để khẳng định rằng: họ đang trở lại. Họ không cam chịu để con tàu này mất bánh lái, không cam phận như bao nhiêu đế chế đã mất khác.
Tác giả bài viết: Dũng Phan