Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ bò viên không phải bò: “Lỗ hổng” ở chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm

Có hay không việc đùn đẩy trách nhiệm khi các cơ quan quản lý đưa ra những câu trả lời đối ngược nhau trong cùng vụ việc bò viên Việt Sin được làm từ cá và thịt trâu?
Kinh hãi… bò viên làm từ thịt bẩn, phủ phẩm màu
Bò viên của Việt Sin được làm từ cá và thịt trâu

Lổ hổng ở ngay chi cục

Sau khi có kết luận về hai mặt hàng bò viên Merlion và GoGo chỉ có trâu và cá, thậm chí chứa chất ure vượt ngưỡng, Việt Sin sẽ phải trả giá cho các sai phạm trong sản phẩm của mình.

Lỗi của doanh nghiệp cũng có phần trách nhiệm của của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra kiểm soát. Nhưng khi người tiêu dùng còn chưa hiểu trách nhiệm này thuộc về ai thì câu trả lời mang tính đối ngược ngay sau đó của Chi cục VSATTP và Sở NN&PTNT càng khiến dư luận đặt vấn đề lổ hổng trong quản lý.

 

Tâm lý người dùng ít nhiều e ngại với thương hiệu này

Cụ thể, trong phóng sự do VTV thực hiện ngày 19.7, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP (Sở Y tế TP.HCM) cho rằng đã làm đúng theo hướng dẫn của Bộ. Sở NN&PTNT TP.HCM phải chịu trách nhiệm vì đơn vị này đã cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để công ty Việt Sin sản xuất kinh doanh.  

Tuy nhiên, đại diện Sở NN&PTNT lại cho rằng Sở Y tế mới là đơn vị chịu trách nhiệm chính giám sát sản phẩm lưu thông trên thị trường, khi có vấn đề bất thường sẽ gửi thông báo cho Sở Nông nghiệp. Vị này khẳng định, sản phẩm của công ty Việt Sin là họ tự kiểm tra, tự công bố, thì họ phải tự chịu trách nhiệm.

Đi tìm câu trả lời xoay quanh hồ nghi của dư luận, ông Trương Trung Thu, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT) nói với Dân Việt rằng: chính cách trả lời của Chi cục VSATTP tạo sự nhập nhằng vì không giải thích rõ việc cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và công bố chất lượng sản phẩm là hai vấn đề khác nhau, quy định trách nhiệm cơ quan quản lý cũng khác nhau.

Theo thông tư 45/2014/BNNPTNT, Sở NN&PTNT thực hiện chức năng quản lý về các điều kiện để đảm bảo sản xuất ra sản phẩm an toàn như nhà xưởng, thiết bị, máy móc, con người... Thông tư liên tịch 13 năm 2014 cũng quy định trách nhiệm của Bộ NN&PTNT về điều kiện để sản xuất ra sản phẩm đó.

“Nếu cơ sở sản xuất đáp ứng được thì Sở cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Còn việc doanh nghiệp không sản xuất đúng tỷ lệ thành phần như đã công bố là thuộc khâu quản lý chất lượng của sản phẩm”, ông Thu giải thích.  

Ông này cũng cho biết thêm, với các sản phẩm chưa có quy chuẩn, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (68/2006/QH11) tạo điều kiện để doanh nghiệp tự lấy mẫu phân tích, tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn.  

Nơi công bố chất lượng sản phẩm chính là Chi cục VSATTP. Chi cục sẽ tiếp nhận (trên văn bản) và cấp xác nhận công bố đó. Khi đã có xác nhận rồi thì doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất và sản phẩm của mình.

Luật an toàn thực phẩm hiện nay quy định ngành y tế được giao trách nhiệm làm đầu mối. TP.HCM có ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm, trong đó Sở Y Tế làm thường trực.

“Nếu nói có lổ hổng quản lý thì chính là lổ hổng ngay Chi cục VSATTP vì họ công bố thì họ phải đi giám sát theo đúng chức năng quản lý. Còn vấn đề hậu kiểm như Chi cục VSATTP đã viện cớ cũng có quy định riêng, đâu phải Sở NN&PTNT muốn đi kiểm tra lúc nào thì đi”, ông Thu kết luận.  

Lừa người tiêu dùng?

Để xác minh lại các vấn đề nêu trên, Dân Việt đã liên hệ với Chi cục VSATTP cũng như cơ quan chủ quản là Sở Y Tế TP.HCM nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ các cơ quan này.  

Trước đó, trong tọa đàm “Ngăn chặn kinh doanh thực phẩm gian dối” sáng 29.7 do, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục ATVSTP cũng cho rằng doanh nghiệp làm sai thì phải chịu trách nhiệm.

“Thời gian tới, Chi cục ATVSTP TP.HCM sẽ tăng cường quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra và cương quyết xử lý những vi phạm. Đồng thời công khai DN vi phạm trên các trang mạng xã hội cho NTD biết”, ông Hòa đã nói.

Chủ một cơ sở chế biến giò chả tại quận 3, TP.HCM cho biết các tiêu chuẩn về chất cấm, chất phụ gia thực phẩm, hàm lượng kim loại... đều có quy định trong luật. Còn thành phần bao nhiêu thịt bò hay bao nhiêu thịt heo thì đó là “bí quyết” sản xuất riêng của từng cơ sở nên không thể quy định.

“Nhưng không ít cơ sở sản xuất lợi dụng “bí quyết” này để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Hậu quả khi sản phẩm bị thị trường tẩy chay thì rất nghiêm trọng”, chủ cơ sở này cho biết.

Ghi nhận trên địa bàn TP.HCM, nhiều siêu thị đã ngưng bán hoặc trả lại những mặt hàng bò viên Merlion và bò viên GoGo của công ty Việt Sin sau khi có kết quả giám định  của Sở Y tế TP.HCM, hai mẫu sản phẩm này không hề có nguyên liệu là bò mà chỉ có trâu và cá, thậm chí chứa chất ure vượt ngưỡng.

Tại siêu thị BigC Tô Hiến Thành, quận 10, một số khách hàng cho biết dù các sản phẩm khác của Công ty Việt Sin vẫn được bày bán nhưng họ vẫn ngần ngại không dám mua. Được biết, không chỉ TP.HCM mà tại các tỉnh thành khác, các sản phẩm của công ty này cũng đang thưa dần trên các kệ hàng tại các siêu thị.

 
Đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) TP.HCM cho biết hiện tại Hội vẫn chưa nhận được khiếu nại từ NTD về sai phạm của Việt Sin. “Nhưng NTD cần thông tin minh bạch trên bao bì sản phẩm vì bản thân cá hay thịt trâu không phải là thành phần độc hại. Nhưng cái nào ra cái đó, phải công khai minh bạch các thành phần theo đúng quy định của các bộ ngành”, vị này nói.

Tác giả bài viết: Nguyên Vỹ

Nguồn tin: