Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quỳnh Lưu: phát triển tổng đàn hươu, nai và quan tâm vấn đề thương hiệu

Những năm gần đây, ở Quỳnh Lưu xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình, trang trại chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trang trại nuôi bò sữa, bò thịt, lợn thịt, lợn rừng, hươu, nai... ở các xã Quỳnh Tân, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thắng, Quỳnh Bảng, Quỳnh Đôi, Quỳnh Tam...; trong đó, mô hình nuôi hươu lấy nhung, nai lấy lộc đang được người dân xem là hướng làm giàu nhiều triển vọng.

Triển vọng từ nuôi hươu, nai:

Vợ chồng anh Nguyễn Cảnh Thắng và chị Nguyễn Thị Sen, ở xóm 5, xã Quỳnh Tân (xã nằm ở vùng Bán sơn địa, phía Tây huyện Quỳnh) được xem là một trong những gia đình tiên phong nuôi hươu lấy nhung, nuôi nai lấy lộc ở xã. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Cảnh Thắng cho biết: "Năm 2006, qua tìm hiểu sách báo, xem ti vi thấy nuôi hươu lấy nhung, nai lấy lộc hiệu quả cao lại phù hợp với vùng đồi núi của địa phương nên gia đình quyết định thuê đất của xã để phát triển chăn nuôi; đồng thời anh học hỏi thêm cách nuôi, điều trị bệnh thông thường để phát triển đàn. Với diện tích 7ha đất đồi núi thuê của xã, gia đình đã làm chuồng, trồng cỏ, rau và mua 40 con hươu, nai về nuôi; trong đó có 10 con hươu (5 con đực, 5 con cái) và 30 con nai (15 con đực, 15 con cái). Hươu, nai vốn là động vật hoang dã nên sức đề kháng cao, ít bị bệnh, dễ chăm sóc, nguồn thức ăn lại sẵn có (lá cây, phụ phẩm hoa màu các loại, cỏ…). Một con hươu, nai trưởng thành trong một ngày ăn khoảng 10kg cỏ, phụ phẩm từ hoa màu hoặc lá cây; vào mùa cắt nhung, lộc thì cho ăn thêm tinh bột như: Nếp, cám gạo, gạo, cám ngô… thì chất lượng nhung, lộc sẽ tốt hơn".

Qua tìm hiểu, anh Thắng cho biết thêm: "Một năm, thường thu nhung, lộc một lần chính và một lần phụ. Nhung, lộc thu đợt chính từ khi mọc đến khi cắt thời gian khoảng 50 - 60 ngày. Sau khi cắt đợt 1 khoảng 50 - 60 ngày cắt đợt 2 hay còn gọi là đợt phụ và gọi là nhung, lộc chồi; lượng nhung, lộc thu được ít, nhiều tùy vào thể trạng, độ tuổi từng con".

 

Lãnh đạo huyện thăm trang trại chăn nuôi hươu nai của anh Nguyễn Cảnh Thắng, xóm 5, xã Quỳnh Tân


Hiện nay, gia đình anh Thắng nuôi trên 200 con hươu, nai ở 4 điểm nuôi; trong đó trang trại ở Quỳnh Tân trên 80 con (trong đó, 60 con nai và 20 con hươu và hiện 50 con hươu, nai đã cho lấy lộc); ở Chùa Hương, Hà Nội 40 con; ở Hòa Bình 40 con; ở Quảng Ninh 40 con. Riêng 3 cơ sở nuôi ở ngoài tỉnh, anh nuôi theo hình thức cung cấp giống và khoán cho hộ nuôi. Qua thời gian nuôi, gia đình đã cắt bán được rất nhiều nhung hươu, lộc nai và xuất bán được hàng trăm con hươu, nai giống, trị giá mỗi cặp hươu giống hiện tại bán trên 10 triệu đồng, mỗi cặp nai giống bán trên 20 triệu đồng. Hươu, nai nuôi sau khi tách mẹ chỉ sau hơn 1 năm là bắt đầu cho lấy nhung. Hiện tại giá 1kg nhung hươu khoảng 10.000.000 đồng, 1kg lộc nai khoảng 7.000.000 đồng, mỗi năm mỗi con hươu cho từ 7 - 8 lạng, thậm chí có con cho hơn 1kg nhung, lộc nai từ 2 - 3kg. Tính ra, đàn hươu, nai trên 80 con của gia đình nuôi tại Quỳnh Tân mỗi năm thu được 100kg nhung, lộc; tổng thu nhập khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Trong khi đó công chăm sóc, thức ăn lại đơn giản hơn những con nuôi khác rất nhiều.

Được biết, với hiệu quả của nuôi hươu, nai mang lại, những năm qua, chính quyền địa phương xã Quỳnh Tân đã tích cực vận động người dân mạnh dạn phát triển mô hình nuôi hươu, nai để nâng cao hiệu quả kinh tế. Toàn xã hiện có 5 mô hình lớn nuôi hươu, nai và hàng chục hộ nuôi nhỏ lẻ từ 5 - 10 con; tổng đàn khoảng 1.215 con. Đồng chí Nguyễn Đình Chỉnh - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Tân cho biết thêm: “Nuôi hươu, nai bắt đầu xuất hiện tại địa phương từ khoảng những năm 80, tuy nhiên mô hình này chỉ thật sự phát triển mạnh từ khoảng 5 năm nay. Đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc chăn nuôi lại ít tốn chi phí, chăm sóc dễ dàng nên được nhiều bà con địa phương ưa chuộng. Tuy nhiên do đầu ra cho sản phẩm không ổn định nên chưa có nhiều gia đình tham gia. Để hươu, nai ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, mong rằng các ban, ngành các cấp có chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân phát triển hơn nữa mô hình chăn nuôi có nhiều triển vọng này và cần có đầu ra ổn định để người nuôi yên tâm hơn”.

Tìm đầu ra cho nhung hươu, lộc nai Quỳnh Lưu:

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu, năm 2015, toàn huyện có trên 14.000 con hươu, nai; sản lượng nhung, lộc thu về khoảng 4 tấn, tương đương khoảng 32 tỷ đồng (bán thô). Đây là nguồn thu rất lớn không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế huyện nhà mà nhiều hộ dân ở Quỳnh Lưu, nhung, lộc đã trở thành nguồn thu nhập chính trong năm. Ðơn cử như ở xã Quỳnh Tân. Tổng thu nhập toàn xã năm 2015 đạt 307 tỷ đồng, trong đó, ngành chăn nuôi đạt trên 65 tỷ đồng (thu từ nhung hươu, lộc nai 4,8 tỷ đồng).

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm nhung hươu, lộc nai vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương, người nông dân tự "bơi" tìm mối và chủ yếu bán phục vụ nhu cầu sử dụng trực tiếp của người dân chứ chưa có nhà máy chế biến thành sản phẩm tại địa phương. Và một thực tế cho thấy nữa đó là việc bảo quản, tiêu thụ nhung, lộc đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức vì quy mô các cơ sở thu mua chưa thể đáp ứng nếu việc cắt nhung, lộc được thực hiện đồng loạt. Mặt khác, phương tiện bảo quản của các đại lý cũng hạn chế nên “điệp khúc” được mùa - mất giá và ngược lại vẫn luôn rình rập do tư thương ép giá, phải qua nhiều khâu trung gian... Đây là bài toán chưa có lời giải thấu đáo, dù đã được tính đến. Đặc biệt, nếu quy mô nuôi ngày càng được nâng lên thì sản phẩm nhung hươu, lộc nai thời gian tới khó tránh khỏi tình cảnh bấp bênh như các sản phẩm nông nghiệp khác?

 

Lộc nai hiện nay được bán trên thị trường với mức giá 7.000.000 đ/kg


Nắm bắt những hạn chế, đồng thời, giúp người dân hóa giải bài toán đầu ra, vừa qua lãnh đạo huyện, các ban, ngành cấp huyện đã đi khảo sát thực tế để chuẩn bị cho hội thảo đánh giá tình hình, khả năng và triển vọng phát triển của nhung hươu, lộc nai. Khi hỏi huyện sẽ có bước đi "Dài hơi" nào, có "Đột phá" gì cho con hươu, nai, đồng chí Lê Thành Nhân - Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu cho biết: "Thời gian tới, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các hộ nuôi tăng đàn; từ đánh giá thực tế của lộc nai, nhung hươu sẽ nghiên cứu, tìm hiểu để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng Nhà máy dược chế biến, sản xuất các loại sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng từ nhung hươu, lộc nai phục vụ trong nước và vươn xa hơn là xuất khẩu bằng ứng dụng khoa học công nghệ để nhung, lộc trở thành thương hiệu độc quyền của Quỳnh Lưu; đồng thời, tìm giải pháp để bảo tồn giống hươu, nai chất lượng và cung cấp dịch vụ chăn nuôi cho nhân dân trong huyện và các huyện, các  tỉnh trên toàn quốc...".

Với sự quan tâm đặc biệt của huyện, nỗ lực của nhân dân, hy vọng nghề nuôi hươu, nai truyền thống manh mún, nhỏ lẻ từng tồn tại qua nhiều thập kỷ sẽ được thay thế bằng một chiến lược phát triển dài hơi và hiệu quả, để người dân có thể làm giàu ngay tại mảnh đất mình sinh ra./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Hà - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy